Hài lòng với “bữa tiệc” hầu thánh Lảnh Giang

Màu sắc, không gian và những thanh âm pha trộn lần đầu “bắt quen” với người dân xã Duy Tiên nhưng đã tạo được hiệu ứng khá tốt.
Vài chục chiếc ôtô con nối đuôi nhau đậu trên đường đê dẫn vào đền Lảnh Giang. Cờ, phướn, băng rôn, khẩu hiệu… giăng dài hàng cây số từ đền Trình tới đền Mẫu. Tất cả vẽ nên một sắc màu khác, một không gian khác cho làng quê Mộc Nam hôm nay vốn đang quen sống bình lặng, dung dị.

Màu sắc, không gian và những thanh âm pha trộn vừa huyền bí, kỳ ảo vừa dồn dập của lễ hội tuy lần đầu “bắt quen” với người dân nơi đây nhưng đã tạo được hiệu ứng khá tốt. Lễ hội đền Lảnh Giang, xã Mộc Nam, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam 2009 tổ chức từ ngày 23/7 – 25/7.

Đêm khai mạc 23/7, hàng ngàn người dân và du khách thập phương đã có cơ hội chứng kiến lễ phục dựng diễn xướng huyền tích các vị thánh được thờ ở đền Lảnh Giang. Hiếm khi nào từ người già cho đến con trẻ được thưởng thức “bữa tiệc” hoành tráng như vậy.

“Bữa tiệc” lạ miệng

8 giờ tối mới bắt đầu lễ khai mạc và được truyền hình trực tiếp trên VTC2 nhưng từ lúc mặt trời chưa tắt nắng nhiều em nhỏ, thanh niên… đã nô nức kéo đến khu vực đền Lảnh Giang nghiêng ngó.

Lễ hội năm nay được Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nam cùng Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên nâng cấp không chỉ có phần lễ, phần hội mà còn nhiều phần diễn. Ban tổ chức đã rất kỳ công làm nên một “bữa tiệc” thịnh soạn lạ miệng cho người dân địa phương.

Đây rõ ràng là lần đầu những đứa trẻ Mộc Nam được thấy hiệu ứng hình ảnh video về Thủy Phủ, khói hiệu và ánh sáng lazer kết hợp trong không gian linh thiêng của Lễ hội. Ánh mắt chúng lạ lẫm, ngây ngô xen lẫn niềm háo hức hội làng.

Không chỉ trẻ em mà người lớn cũng thấy ấn tượng với sân khấu dựng trên mặt hồ được trang hoàng như một điện thờ lộng lẫy, thấy uy nghi với phần Lễ dàn trống đổ dồn.

Trong tiếng nhạc lúc huyền bí lúc dồn dập – do Vũ Nhật Tân làm, một bọc trứng lớn xuất hiện ở sân khấu tầng dưới rồi từ từ nứt ra ba con rắn lớn với ba màu đỏ, trắng, vàng tượng trưng cho ba vị quan lớn xuất hiện. Sau màn múa đuốc của 100 cô đồng, ba chàng trai hiện thân của ba vị rắn thần được chào đón bằng màn múa hát nâng cấp từ nghệ thuật diễn xướng hầu thánh…

Bữa tiệc kết thúc bằng màn bắn pháo bông rực rỡ mà hiếm khi người dân địa phương có cơ hội chiêm ngưỡng trực tiếp như thế. Tiếng nổ, ánh sáng của pháo bông hoà vào tiếng vỗ tay, reo hò của hàng ngàn người đã tạo nên một bức tranh lung linh.

Nửa tấn thóc một cuộc “hành hương”

Lễ hội còn có sự trình diễn diễn xướng hầu đồng. Đồng Hậu và cơ cánh tái hiện màn hầu thánh trong lễ khai mạc. Những đồng Tâm, Hải Dương; đồng Nga, đồng Xuân, đồng Sơn, đồng Phúc, Hà Nội… sẽ tiếp tục diễn xướng vào các ngày 24,25/7.

Trong mỗi “cuộc” như vậy, các “đồng cô, đồng cậu” thường có rất nhiều con nhang đệ tử theo hầu. Những “đệ tử ruột” xuất thân từ nông thôn sẵn sàng bỏ cửa nhà, ruộng vườn, chồng con để “hành hương” phụ đồng.

Theo chân “đồng”, bốn phụ đồng – hai nam, hai nữ nhanh chóng chuẩn bị trang phục, lễ lạt… Cánh cung văn nổi nhạc, tiếng đàn khoan thai, trống phách dập dồn, giọng hát văn trầm bổng bao trùm không gian sân đền.

Chị Đặng Thị Xuân, quê ở Diễn Châu - Nghệ  An, vừa xong vụ lúa chiêm là chuẩn bị khăn gói xuôi về Hà Nam. Chị Xuân cho biết: “Nhà vừa thu hoạch lúa xong, mình bán nửa tấn để lấy tiền hành hương về đây. Mình bán thóc để đi cầu tài cầu lộc nên mấy bố con ở nhà cũng không nói gì. Đền Lảnh Giang còn gần, chứ có lần mình còn theo đồng vào tận chùa Vĩnh Nghiêm ở thành phố Hồ Chí Minh”.

Với những người làm nghề nông, tất cả vốn liếng cho những chuyến đi “hầu thánh” đều trông vào thóc. Song, lúa thóc trong bồ chỉ có hạn mà mỗi năm có đến cả chục cuộc “hành hương” thì thóc đâu cho đủ, vậy là họ phải chạy vạy vay mượn khắp nơi.

Chị Lưu Thị Điệp, ở Vũ Thư, Thái Bình từ đầu năm đến giờ theo chân “đồng” đi cả chục lần. Chị kể về những lần hành hương của mình: “Gần thì Nam Định, Hưng Yên, Hà Nam xa thì Huế, Đà Nẵng, rồi tận Sài Gòn, Cần Thơ. Vì mình không thuộc đội quân con nhang đệ tử của cô nên mọi chi phí đi lại, ăn nghỉ đều phải tự bỏ ra hết. Mỗi lần đi mình bán vài tạ thóc, con lợn cũng tạm đủ”.

Những con nhang đệ tử ấy cùng với người dân xã Duy Tiên và khách thập phương lần đầu được thưởng thức “món lạ” lễ hội dân gian mà nghệ thuật đương đại được đưa vào trong trình diễn nghi lễ hầu thánh./.
Mai Anh - Ngọc Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục