Hai mảng màu sáng tối của bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2020

Theo dự báo, kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương bắt đầu có hiệu lực.
Hai mảng màu sáng tối của bức tranh kinh tế toàn cầu trong năm 2020 ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Wall-street)

Hãng tin CNBC mới đây dẫn nhận định của chuyên gia kinh tế Adrian Zuercher, người phụ trách việc phân bổ tài sản khu vực châu Á-Thái Bình Dương thuộc bộ phận đầu tư của UBS Global Wealth Management, cho hay kinh tế toàn cầu sẽ phục hồi vào nửa cuối năm 2020, do cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung hạ nhiệt và chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương bắt đầu có hiệu lực.

Mảng màu sáng: Những tín hiệu tích cực

Chuyên gia này nêu rõ: “Có nhiều thách thức liên quan đến vấn đề thương mại làm ảnh hưởng đến dự báo của chúng tôi về tăng trưởng kinh tế." Theo ông, các mức thuế do Mỹ và Trung Quốc áp đặt đối với hàng hóa hai bên là một trong những nguy cơ chủ yếu đối với tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thực trạng này sẽ thay đổi đáng kể vào nửa cuối năm 2020, nhất là trong quý 4/2020.

Chuyên gia Zuercher nhấn mạnh: “Chúng tôi nhận thấy nền kinh tế hiện đã tăng trưởng chậm lại và có thời cơ thuận lợi để Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một."

Trong trường hợp đó, theo ông Zuercher, các mức thuế trong tháng 12  có thể được hoãn lại, thậm chí được loại bỏ.

Đây là tín hiệu tích cực đối với nền kinh tế giữa bối cảnh hạn chót của đợt đánh thuế tiếp theo của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là 15/12 và đến nay vẫn chưa chắc chắn về khả năng hai bên sẽ ký một thỏa thuận chính thức trước kỳ hạn này.

Kể từ khi cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới bùng phát vào đầu năm 2018, tăng trưởng kinh tế của châu Á có xu hướng chậm lại, song thương mại không phải là một yếu tố duy nhất dẫn đến giảm tốc kinh tế toàn cầu.

Bởi theo chuyên gia này, cũng trong thời gian đó, các ngân hàng trung ương đã bắt đầu rút lại các chính sách kích thích tiền tệ và chủ động thu hẹp bảng kết toán tài sản trên phạm vi toàn cầu.

Khi năm 2019 chuẩn bị kết thúc, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã bắt đầu quay lại chính sách “in tiền, nới lỏng tiền tệ và hạ lãi suất," tất cả các biện pháp này sẽ tác động tích cực đến nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, tờ CNBC cũng dẫn bình luận của ông Michael Ivanovitch, một nhà phân tích độc lập chuyên ngành kinh tế thế giới, địa chính trị và chiến lược đầu tư. Ông từng là một chuyên gia kinh tế cao cấp Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York và giảng dạy kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia, Mỹ.

Chuyên gia này nhận định rằng Liên minh châu Âu (EU) có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thế giới.

Theo đó, với tư cách là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, EU có thể đảo ngược thực trạng giảm tốc tăng trưởng trong 3 quý đầu năm 2019 để trở thành một động lực chính cho nhu cầu và sản lượng toàn cầu. Kết quả như vậy có thể đạt được hay không phụ thuộc vào vai trò đầu tàu kinh tế của Đức và một số nước nhỏ hơn, song chiếm tới 1/3 nền kinh tế EU.

Giả sử rằng Đức nhất trí ngừng hỗ trợ tăng trưởng cho các đối tác thương mại thân thiết nhất bằng cách quyết định tạo ra nhiều sản lượng kinh tế từ nền kinh tế khổng lồ của mình cùng với thặng dư thương mại lớn. Trên thực tế, điều đó có nghĩa là Đức có thể sử dụng thặng dư ngân sách khổng lồ tương tương 3,2% GDP của nước này để vực dậy một nền kinh tế EU đang suy yếu với tốc độ tăng trưởng đạt 0,6% trong giai đoạn tháng 1-9/2019. Tốc độ tăng trưởng này chưa bằng 50% tốc độ tăng trưởng ước tính và phi lạm phát của Đức.

Khi đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế khả quan của Đức sẽ kích hoạt ngay lập tức tới sự gia tăng mua hàng hóa và dịch vụ của nước này từ các đối tác thương mại châu Âu, hầu hết là từ các thành viên khác của EU. Đó là một số tiền đáng kể. Trong chín tháng đầu năm nay, hàng nhập khẩu của Đức từ châu Âu đạt 563 tỷ euro. Trong khi đó, hàng nhập khẩu của Đức từ phần còn lại của thế giới chỉ trị giá 265 tỷ euro.

Đặc biệt, Mỹ cũng sẽ có cơ hội tăng xuất khẩu 45,3 tỷ USD hàng hóa sang Đức. Mỹ sẽ có nhiều lợi ích trong quan hệ kinh tế với Đức, bởi nền kinh tế châu Âu đang phát triển nhanh hơn sẽ mở rộng tất cả các thị trường châu Âu, một khu vực hiện đang chiếm gần 1/4 tổng xuất khẩu của Mỹ.

Hiện có hai vấn đề đặt ra: Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh của Đức sẽ tác động như thế nào đến nhu cầu nhập khẩu của nước này; Thứ hai, Đức có chấp nhận kích thích nền kinh tế của mình không?

Căn cứ vào dữ liệu của 3 năm qua có thể thấy nhu cầu nhập khẩu của Đức tỷ lệ thuận với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), 1% tăng trưởng kinh tế sẽ kéo theo mức tăng 2% nhu cầu nhập khẩu. Như vậy, đó là một trong những tín hiệu khả quan đối với tăng trưởng kinh tế EU, song vẫn cần thận trọng trong dự báo triển vọng này, bởi Đức luôn duy trì quan điểm thúc đẩy tăng trưởng theo định hướng xuất khẩu. Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này đã chú trọng vào xuất khẩu nhằm đẩy mạnh tăng trưởng hàng năm.

Mảng màu tối: Thương chiến Mỹ-Trung, yếu tố bất ổn lớn nhất

Trang mạng investing.com ngày 10/10 đăng bài viết có nhan đề “Nền kinh tế toàn cầu sẽ đi về đâu trong năm 2020?," với nhận định triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ đi theo xu hướng không chắc chắn do các vấn đề kinh tế và chính trị.

Trang mạng dẫn nguồn tin từ tờ Financial Times cùng ngày cho rằng sức mạnh ngày càng tăng của đồng USD đã dẫn đến những phản ứng khác nhau từ các chuyên gia kinh tế. Một mặt, có ý kiến bày tỏ quan ngại về tình trạng trì trệ và bất ổn, ý kiến khác lại nhận thấy sự tăng trưởng kinh tế tích cực trong tương lai.

Chuyên gia kinh tế Kristalina Georgieva, Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nhận định nền kinh tế toàn cầu hiện đang giảm tốc đồng loạt. Điều này có nghĩa là tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2019 sẽ giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu thập kỷ đến nay. Sự không chắc chắn của nền kinh tế bắt nguồn không chỉ từ chiến tranh thương mại mà còn từ việc Anh rời EU, hay còn gọi là Brexit, và những căng thẳng địa chính trị, đang kìm hãm tiềm năng phát triển kinh tế.

Cùng với đó, ngay cả khi tăng trưởng kinh tế được khôi phục vào năm 2020, những rạn nứt hiện nay có thể kéo theo sự thay đổi của cả một thế hệ, trong đó bao gồm chuỗi cung ứng bị gián đoạn, các khu vực thương mại trì trệ, một “bức tường Berlin kỹ thuật số” có thể buộc các quốc gia phải lựa chọn giữa các hệ thống công nghệ.

Một yếu tố bất ổn quan trọng khác là cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Nhận định về những tác động tiêu cực của yếu tố này, hãng tin CNBC ngày 25/11 dẫn bình luận của Chiến lược gia trưởng về kinh tế S&P Ratings Paul Gruenwald ngày 25/11, nhận định sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc không phải là vấn đề chủ yếu của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, mà chính là chiến tranh thương mại.

Tăng trưởng kinh tế suy giảm của Trung Quốc không phải là một mối quan ngại, song chiến tranh thương mại chưa đến hồi kết giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ là một mối quan ngại lớn.

Chuyên gia Gruenwald nhấn mạnh mối quan hệ thương mại xấu đi giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang tác động mạnh đến tăng trưởng kinh tế toàn cầu hơn là những tác động trực tiếp của các biện pháp áp thuế.

Ông Paul Gruenwald nhấn mạnh rằng mọi sự bất ổn xung quanh mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung đang gây tác động xấu đến đầu tư và không thể nắm bắt được hai nền kinh tế này sẽ đi về đâu và môi trường đầu tư sẽ trở nên như thế nào.

Chuyên gia Paul Gruenwald nhấn mạnh trong bối cảnh chiến tranh thương mại leo thang, các công ty Mỹ đang chuyển dịch chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc và chuyển sang các quốc gia Đông Nam Á, cụ thể là Việt Nam và Mexico. Tuy nhiên, việc tái cấu trúc chuỗi cung ứng giữa các công ty Mỹ và các nhà sản xuất Trung Quốc không đủ lớn để làm thay đổi “dữ liệu vĩ mô."

Điều tác động lớn tới tâm lý đầu tư và các kế hoạch dài hạn là họ không chắc chắn về cách thức triển khai các kế hoạch chiến lược trung và dài hạn. Ông Paul Gruenwald cũng lưu ý rằng vấn đề này đã được S&P Ratings phân tích với kết luận rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu đã chịu tác động mạnh từ chiến tranh thương mại Mỹ-Trung.

[Thặng dư thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ giảm trong tháng 11]

Washington và Bắc Kinh đã bùng phát chiến tranh thương mại kể từ đầu năm 2018 và hạn chót cho đợt áp thuế tiếp theo là 15/12/2019. Hai bên đã nhất trí về một thỏa thuận “Giai đoạn một” hồi tháng Mười vừa qua song các quan chức tại Bắc Kinh cho biết họ không có kế hoạch ngồi vào bàn đàm phán với Mỹ về thỏa thuận “Giai đoạn hai” trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào năm 2020, một phần do Trung Quốc muốn chờ đợi xem Tổng thống Trump có tái đắc cử nhiệm kỳ thứ hai hay không. Nếu hai bên trong không thể ký kết một thỏa thuận trước hạn chót nói trên, các mức thuế gia tăng Mỹ áp đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ có hiệu lực.

Chuyên gia Paul Gruenwald nói: “Vòng áp thuế ngày 15/12 sẽ có một số khác biệt bởi các vòng áp thuế trước đó đánh vào nguyên liệu."

Do đó, các nhà cung cấp hoặc một đối tượng khác trong chuỗi cung ứng có thể bị tác động, dẫn đến sự tăng giá nhẹ. Theo chuyên gia Paul Gruenwald, nếu các mặt hàng tiêu dùng tăng giá, điều này sẽ tác động trực tiếp tới người tiêu dùng và đó cũng là một yếu tố chính trị."

Nhìn chung, các chuyên gia kinh tế nhận định rằng giới nhà đầu tư không cần quá lo lằng về sự giảm tốc tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc. Vấn đề lớn hơn gây quan ngại hiện nay chính là sự không chắc chắn trong quan hệ thương mại Mỹ-Trung, vốn ảnh hưởng tới cả hai nền kinh tế cũng như tăng trưởng kinh tế toàn cầu và vấn đề này không thể được giải quyết trong một sớm, một chiều.

Nền tảng thương mại toàn cầu trước tương lai bất định

Theo nhà phân tích Patrick Armstrong, Giám đốc công nghệ thông tin (CIO) thuộc Plurimi Investment Managers, các nhà đầu tư có vẻ sẽ kiếm được tiền khi Washington và Bắc Kinh ký kết thỏa thuận thương mại “Giai đoạn một,” nhưng trong dài hạn, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ “không thể giải quyết được."

Chia sẻ với hãng tin CNBC, ông Armstrong cho rằng việc giữ bất kỳ tài sản nào trước khi thỏa thuận được hoàn tất chắc chắn sẽ được đền đáp. Ông nói: “Ngay bây giờ, cách kiếm tiền rất dễ dàng, bạn chỉ cần sở hữu một thứ gì đó, bởi mọi thứ đều sẽ tăng." Các thị trường đã trải qua những biến động liên quan đến thỏa thuận “Giai đoạn một” giữa Mỹ và Trung Quốc kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố thỏa thuận này sẽ được đàm phán vào tháng 10.

Tuy nhiên, hôm 3/12, Tổng thống Mỹ đã làm gia tăng những bất ổn mới cho tiến trình này khi ông nói với các phóng viên ở London rằng việc ký kết một thỏa thuận với Bắc Kinh có thể phải lùi lại sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020. Dù các thị trường luôn ở trong trạng thái thận trọng suốt nhiều tháng qua, ông Armstrong dự đoán rằng thỏa thuận sơ bộ sẽ là một loại sự kiện mang lại rất ít tác động kinh tế.

Ông giải thích: “Tôi cho rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào chúng ta có được giữa Mỹ và Trung Quốc đều sẽ rất hời hợt. Đây không phải là thỏa thuận bao gồm tất cả những gì chúng ta hy vọng." Ông nhấn mạnh rằng các nhà đầu tư mong muốn “hai mối bất ổn lớn nhất” là Brexit và quan hệ Mỹ-Trung sẽ được giải quyết vào đầu năm 2019, và khi các thị trường đang bước vào năm 2020 với tâm thế chờ đợi những giải pháp.

Ông Armstrong cho hay ông chưa thấy một kết thúc nào khả thi cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Ông nói: “Tôi cho rằng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung không thể giải quyết được. Tôi nghĩ những điều ông Trump đang làm là một lời cảnh báo thực sự rằng khi ông có được một thỏa thuận với Trung Quốc, ông sẽ chuyển hướng sự chú ý của mình từ Trung Quốc sang Nam Mỹ hoặc sang châu Âu, và tôi cho rằng chúng ta sẽ không có được một thỏa thuận thương mại có thể đưa đến việc nối lại thương mại toàn cầu"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục