Hai mặt của mối quan hệ Trung-Nhật thời hậu COVID-19

Nhật Bản không muốn vì nhúng tay can thiệp các vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà phá hoại mối quan hệ hợp tác Trung-Nhật trong “thời đại hậu dịch bệnh.”
Hai mặt của mối quan hệ Trung-Nhật thời hậu COVID-19 ảnh 1(Nguồn: chinadaily.com.cn)

Tờ Đại Công báo (Hong Kong) số ra mới đây đã có bài phân tích về thái độ của Nhật Bản đối với Trung Quốc sẽ ra sao trong thời kỳ hậu dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19).

Bài viết dẫn nguồn tin tức từ Hãng Thông tấn Xã Nhật Bản Jiji Press cho biết Thủ tướng Nhật Bản Abe Shinzo khi trả lời chất vấn trước Quốc hội trong cùng ngày đã nhấn mạnh: “Đối với nước ta, Hong Kong là một đối tác cực kỳ quan trọng có mối quan hệ kinh tế và trao đổi nhân sự chặt chẽ. Phương châm nhất quán của nước ta là trong chính sách ‘Một nước, hai chế độ’ duy trì thể chế tự do mở cửa sẵn có, thúc đẩy sự phát triển dân chủ và ổn định.”

Trước đó, có phương tiện truyền thông Nhật Bản cho biết Chính phủ Nhật Bản đã từ chối lời đề nghị của Mỹ và Anh đưa ra tuyên bố chung chỉ trích Trung Quốc về “Luật An ninh quốc gia ở Đặc khu hành chính Hong Kong.”

[Các doanh nghiệp Nhật Bản đang rút khỏi Trung Quốc?]

So với một số nước châu Âu và Mỹ, cho đến nay lập trường của chính phủ Nhật Bản về vấn đề Hong Kong đều tương đối kiềm chế, không đưa ra bất kỳ lời nói và hành động cấp tiến hay cực đoan nào.

Khía cạnh này xuất phát từ quan hệ Trung-Nhật không ngừng được cải thiện, đặc biệt là sau nỗ lực chung chống lại dịch bệnh, sự đồng thuận về phối hợp và hợp tác giữa hai nước đã đi vào chiều sâu.

Nhật Bản không muốn vì nhúng tay can thiệp các vấn đề nội bộ của Trung Quốc mà phá hoại mối quan hệ hợp tác Trung-Nhật trong “thời đại hậu dịch bệnh.”

Mặt khác, sự liên kết chính giữa Nhật Bản và Hong Kong là quan hệ kinh tế thương mại, chứ không phải là ý thức hệ.

Theo thống kê của Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản: Tính đến tháng 6/2019, có tổng cộng 1.413 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Hong Kong, chỉ đứng sau Trung Quốc Đại lục. Do đó, sự phồn vinh ổn định của Hong Kong có ý nghĩa rất lớn đối với Nhật Bản.

Chính phủ Nhật Bản đã không quá gần gũi với Mỹ trong vấn đề Hong Kong, phản ánh lý trí và thiết thực của chính phủ Nhật Bản, cũng như hy vọng của họ về việc Hong Kong duy trì phồn vinh ổn định lâu dài dưới chính sách “Một nước, hai chế độ.”

Về vấn đề Hong Kong, chính phủ Nhật Bản đã thể hiện một cách lý trí và có ý định giữ khoảng cách với Mỹ, nhưng trong lĩnh vực bảo vệ an ninh, chính phủ Nhật Bản lại phải đi theo Mỹ.

Chẳng hạn như Sách Xanh ngoại giao mà Bộ Ngoại giao Nhật Bản công bố gần đây đã bày tỏ “luôn ủng hộ Đài Loan tham gia Hội nghị Y tế Thế giới với tư cách là một quan sát viên,” Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono bắt đầu từ trung tuần tháng 4 đã thông qua “ngoại giao điện đàm” để kêu gọi nhiều nước trên thế giới chung tay chống lại Trung Quốc sau đại dịch...

Có thể thấy bất luận là sự kiềm chế trong các vấn đề nội bộ hay sự đối kháng trong lĩnh vực an ninh đối với Trung Quốc, thực tế đã phản ánh rõ tâm lý phức tạp của chính phủ Nhật Bản đối với Trung Quốc, và điều này về cơ bản đã cấu thành xu hướng chung trong quan hệ Trung-Nhật thời hậu dịch bệnh: vừa hợp tác, vừa cạnh tranh.

Một mặt, sự phối hợp hợp tác thiết thực sâu sắc sẽ trở thành hướng phát triển chung của quan hệ Trung-Nhật “thời hậu COVID-19.”

Trong thời gian bùng phát dịch COVID-19, chính phủ Trung Quốc và Nhật Bản đã tích cực ủng hộ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và tiến hành các hoạt động chống dịch dưới sự lãnh đạo của WHO.

Mặc dù Chính phủ Mỹ không hài lòng mạnh mẽ với WHO và quyết định ngừng đóng góp tài chính cho tổ chức này, nhưng Nhật Bản với tư cách là đồng minh của Mỹ lại thể hiện sự ủng hộ tích cực cho chủ nghĩa đa phương và các tổ chức đa phương.

Trước khi đại dịch xảy ra, chính phủ Nhật Bản cũng nhiều lần bày tỏ sự ủng hộ đối với các tổ chức đa phương và chủ nghĩa đa phương, nhưng chủ yếu tập trung ở lĩnh vực kinh tế và thương mại.

Sau khi trải qua đại dịch COVID-19 trên toàn cầu, tất cả các thành phần trong xã hội Nhật Bản đều phát hiện ra rằng ngoài lĩnh vực kinh tế thương mại, cũng cần phải tăng cường đoàn kết và hợp tác với các nước khác trong các lĩnh vực an ninh phi truyền thống như bảo vệ sức khỏe và môi trường, tuân thủ chủ nghĩa đa phương, không phải chỉ dựa vào liên minh Nhật-Mỹ thì có thể giải quyết được mọi vấn đề, đặc biệt là trong bối cảnh Mỹ ngày càng bảo thủ.

Do vậy, sau những nỗ lực chung tay chống dịch, Nhật Bản sẽ tăng cường hợp tác với Trung Quốc trong các lĩnh vực kinh tế và thương mại, nghiên cứu và điều chế vaccine, bảo vệ môi trường, xây dựng cơ sở hạ tầng ở nước thứ ba, đồng thời cùng nhau bảo vệ và thúc đẩy thể chế thương mại tự do đa phương, ứng phó với sự trỗi dậy không ngừng của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa đơn phương, như thúc đẩy RCEP, FTA Trung-Nhật-Hàn, Trung Quốc gia nhập CPTPP...

Mặt khác, trong bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ đi xuống, Nhật Bản là một trong những đồng minh trung thành nhất của Mỹ, sẽ không từ chối hợp tác triển khai chiến lược đối phó với Trung Quốc của Mỹ.

Một nhân tố quan trọng khiến Nhật Bản sau chiến tranh có thể nhanh chóng phục hồi kinh tế, quay trở lại cộng đồng quốc tế là ngoại giao “phụ thuộc vào Mỹ”. Kể từ khi tái đắc cử thủ tướng vào cuối năm 2012, ông Shinzo Abe đã trở thành thủ tướng tại vị lâu nhất trong lịch sử Nhật Bản, và có lẽ cũng là vị thủ tướng có chính sách ngoại giao “thân Mỹ” nhất trong các đời thủ tướng Nhật Bản sau chiến tranh, chẳng hạn như tích cực thực thi chiến lược “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Obama, “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của chính quyền Tổng thống Trump...

Trong thời gian gần đây, quan hệ Trung-Nhật thực sự được cải thiện và phát triển, nhưng điều này không có nghĩa là quan hệ Nhật-Mỹ sẽ nhạt đi.

Giữa Trung Quốc và Mỹ, có thể thấy rằng Nhật Bản vẫn sẽ đứng về phía Mỹ trong một thời gian dài sau này, chỉ có điều sẽ không còn gần gũi với Mỹ như trước.

Cùng với quan hệ Trung-Mỹ đi xuống, chính phủ Nhật Bản không thể không theo Mỹ trong chính sách đối với Trung Quốc, chẳng hạn như trong thời gian gần đây chính phủ Nhật Bản có kế hoạch sửa đổi chính sách mua sắm, yêu cầu tất cả các pháp nhân hành chính độc lập và pháp nhân được chỉ định xử lý thông tin cá nhân của người dân trong quá trình mua sắm phải loại bỏ thiết bị của các công ty viễn thông Trung Quốc như Huawei, đã cho thấy Nhật Bản đang phối hợp với Mỹ triển khai chiến lược đối phó với Trung Quốc.

Do đó, để phối hợp với Mỹ, dự kiến Nhật Bản sẽ còn có các biện pháp tiêu cực khác đối với Trung Quốc trong tương lai và sẽ không dừng lại ở đó.

Quan hệ Trung-Nhật không chỉ bao gồm các vấn đề lịch sử, vấn đề lãnh thổ, mà còn bao gồm nhiều nhân tố như cuộc đọ sức nước lớn, ý thức hệ... Có thể nói đây là mối quan hệ song phương phức tạp nhất trên thế giới.

Do vậy, quan hệ Trung-Nhật hậu COVID-19 vừa có động lực cho sự phát triển, vừa có các mối đe dọa tiềm tàng và sẽ không thuận buồm xuôi gió.

Trong thời gian chung tay chống dịch, Trung Quốc và Nhật Bản đã để lại rất nhiều câu chuyện ấm lòng và quan hệ hai nước đã được nâng lên một cấp độ mới, nhưng mối quan hệ này trong tương lai vẫn cần phải được hai bên cùng duy trì.

Một số biến động gần đây ở Nhật Bản đã dự báo hướng đi trong tương lai của quan hệ Trung-Nhật.

Trung Quốc cũng cần chuẩn bị tinh thần để đối phó với bất kỳ sự thay đổi nào có thể xảy ra. Tóm lại, mối quan hệ Trung-Nhật hậu COVID-19 sẽ không quá thân mật, nhưng cũng không quá tệ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục