Hai miền Triều Tiên bắt đầu hành trình tái kết nối đường sắt

Một đoàn tàu Hàn Quốc đã sang tới Triều Tiên lần đầu trong một thập kỷ qua, đem theo các kỹ sư có nhiệm vụ nâng cấp hệ thống đường sắt Triều Tiên và tạo ra mạng lưới kết nối đường sắt xuyên biên giới.
Hai miền Triều Tiên bắt đầu hành trình tái kết nối đường sắt ảnh 1Đoàn tàu chở đoàn đại biểu người Hàn Quốc tới Triều Tiên ngày 30/11/2018. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Ngày 30/11, một đoàn tàu của Hàn Quốc đã sang tới Triều Tiên lần đầu tiên trong một thập kỷ qua, đem theo các kỹ sư có nhiệm vụ nâng cấp hệ thống đường sắt đã lỗi thời của Triều Tiên và tạo ra mạng lưới kết nối đường sắt xuyên biên giới.

Kết nối các hệ thống đường sắt liên Triều là một trong những thỏa thuận mà lãnh đạo hai miền Triều Tiên đã nhất trí trong năm nay.

Truyền hình Hàn Quốc đã phát đi hình ảnh một đoàn tàu sơn màu đỏ, trắng, xanh, cùng dòng chữ "Ngựa sắt tiến đến kỷ nguyên hòa bình và thịnh vượng," khởi hành từ ga Dorasan ở Hàn Quốc, ga gần nhất với phần phía Tây của biên giới liên Triều.

Đoàn tàu sáu toa, chở theo 28 người Hàn Quốc, gồm các kỹ sư và nhân viên khác, cùng 55 tấn nhiên liệu và một máy phát điện. Khi đến ga Panmun, ga đầu tiên ở Triều Tiên khi vượt qua biên giới, đoàn tàu sẽ được kết nối với một đoàn tàu của Triều Tiên và đầu máy của Hàn Quốc sẽ trở về.

Trên đoàn tàu của Hàn Quốc có một toa làm văn phòng, một toa để ngủ, một toa chở đầy nước phục vụ sinh hoạt... Các kỹ thuật viên và nhân viên Hàn Quốc và Triều Tiên sẽ cùng sống trên tàu trong 18 ngày và tiến hành khảo sát hai hệ thống đường ray, một nối thành phố Kaesong ở cực Nam tới thành phố Sinuiju gần biên giới với Trung Quốc, và một nối Núi Kumkang gần biên giới liên Triều đến sông Tumen giáp với Nga ở phía Đông. Họ sẽ cùng nhau đi qua khoảng 2.600km đường ray.

[Tàu hỏa Hàn Quốc xuất phát từ ga Seoul đi Triều Tiên vào ngày 30/11]

Bộ trưởng Giao thông Hàn Quốc Kim Hyun-mee cho biết: "Chuyến đi này báo hiệu sự khởi đầu của thịnh vượng chung giữa hai miền Nam-Bắc thông qua tái kết nối đường sắt."

Bà Kim nói thêm rằng kết nối đường sắt sẽ giúp mở rộng "địa hạt kinh tế" sang Á Âu, bởi sự chia cắt bán đảo Triều Tiên đã khiến Hàn Quốc bị cắt đứt về địa lý với lục địa này nhiều thập kỷ qua.

Trước khi bán đảo Triều Tiên bị chia cắt năm 1948, có hai tuyến đường sắt kết nối Bắc-Nam, một tuyến ở phía Tây và một tuyến ở phía Đông. Như một động thái hướng tới hòa giải, năm 2007, hai miền đã tái kết nối tuyến đường phía Tây và trong khoảng một năm, vài đoàn tàu đã chuyển nguyên liệu và hàng hóa đến và đi từ khu công nghiệp chung Kaesong ở miền Bắc. Nhưng kể từ đó, tuyến đường này không được sử dụng do căng thẳng leo thang liên quan đến chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Dự án đường sắt hiện nay cũng từng phải đối mặt với nguy cơ bị trì hoãn do lo ngại có thể vi phạm các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc chống Triều Tiên. Tuy nhiên, hồi tuần trước, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã quyết định miễn trừng phạt đối với hoạt động khảo sát. Hiện chưa rõ liệu các trừng phạt có tiếp tục được miễn áp dụng trong thời gian thực thi dự án hay không.

Bộ Thống nhất Hàn Quốc đã dành riêng khoản ngân sách trên 63 tỷ won (hơn 56 triệu USD) trong năm 2019 cho dự án dự kiến kéo dài năm năm này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục