Hai ông lão ở Bắc Ninh nhận bằng khen nhờ thành tích chống tham nhũng

Chiều nay 23/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã trăng bằng khen cho hai ông lão ở Bắc Ninh vìđã có có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực.
Hai ông lão ở Bắc Ninh nhận bằng khen nhờ thành tích chống tham nhũng ảnh 1Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tặng bằng khen cho hai lão nông ở Bắc Ninh. (Ảnh: PV/Vietnam+)

​Bảy năm trước, hai ông lão ở Bắc Ninh ký vào đơn cam kết 100% nội dung tố cáo các hành vi vi phạm trong thực hiện chính sách người có công là đúng sự thật và nếu tố cáo sai sẽ bị kỷ luật, thậm chí khởi tố.

Ngày hôm nay 23/6, sau 7 năm ròng rã khiếu nại, tố cáo, vượt qua biết bao nghi kỵ, cản trở, bị vu oan, bôi xấu nhân phẩm, thậm chí bị đe dọa tính mạng, hai ông đã cầm trên tay Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội chứng nhận việc tố cáo đường dây làm hàng nghìn hồ sơ thương binh giả đã góp phần đấu tranh chống tiêu cực, thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội.

Tại buổi lễ vinh danh những người có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã khẳng định: “Hai ông dù tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập".

Đưa hàng nghìn hồ sơ thương binh giả ra ánh sáng

Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung đã tặng bằng khen cho ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) vì đã có có thành tích xuất sắc trong đấu tranh chống tiêu cực, góp phần thực hiện tốt chính sách lao động, người có công và xã hội.

[Bài 1: Hành trình chống tham nhũng bị cô lập của hai ông lão 80 tuổi]

Hơn 10 năm trước chứng kiến các đối tượng “cò” ngang nhiên móc nối với các phần tử xấu tại địa phương làm giả hồ sơ người có công để hưởng chế độ thương bệnh binh, ông Nguyễn Tiến Lãng và ông Nguyễn Công Uẩn đã thu thập bằng chứng gửi các cơ quan chức năng tố cáo hành vi gian lận, trục lợi rút tiền của Nhà nước của một số đối tượng và cán bộ ở địa phương.

Từ đơn tố cáo được hai ông gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vào năm 2010, hàng nghìn hồ sơ thương binh giả ra ánh sáng, thu hồi hàng trăm tỷ đồng, tiết kiệm 20 tỷ đồng hàng năm do chi sai đối tượng.

Đặt biệt, trong những đối tượng “cò mồi” bị phát hiện có cả đảng viên, cán bộ có chức, có quyền, từ Chủ tịch xã, Bí thư Đảng ủy xã đến Trưởng phòng Ủy ban Kiểm tra Đảng ủy tỉnh Bắc Ninh, Trưởng phòng người có công của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh.

Phát biểu tại buổi tặng Bằng khen, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự dũng cảm của hai lão nông, vượt qua nhiều trở ngại để tìm tới sự thật. Bộ trưởng chia sẻ: "Xin cảm ơn hai ông dù tuổi cao sức yếu nhưng tinh thần cách mạng vẫn luôn là tấm gương cho thế hệ trẻ học tập".

“Chính sách ưu đãi người có công là chính sách nhân văn, đặc biệt dành cho người có công, thân nhân người có công. 70 năm qua, có khoảng 9 triệu người hưởng chính sách này. Tuyệt đại bộ phận được hưởng đúng, hưởng đủ chính sách này. Nhưng qua rà soát, kiểm tra 60.000 hồ sơ cho thấy còn 1.800 hồ sơ hưởng sai chính sách. Đây cũng là vấn đề nhức nhối, gây bất bình trong nhân dân, những người đổ xương máu thật sự. Việc đấu tranh, chống tiêu cực, xử lý kịp thời là quyết tâm chính trị lớn của ngành lao động thương binh và xã hội,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Tấm gương cho người dân cả nước

Cuộc chiến chống tiêu cực của ông Lãng và ông Uẩn tưởng như phải dừng bước khi các đối tượng tố cáo dọa giết, chặn đường đánh, phá hại hoa màu, ném phân vào nhà, gây khó khăn cho việc học hành của con cháu. Ông Nguyễn Tiến Lãng nhớ lại: “Bao ngày đêm suy nghĩ trăn trở, nhiều đêm không ngủ tôi nằm nghĩ, mình đi chiến đấu chống Mỹ bom đạn không sợ chết, tại sao chống tham nhũng lại không dám tố cáo? Sợ chết sao, thế thì quá hèn hạ!”

Hai ông lão ở Bắc Ninh nhận bằng khen nhờ thành tích chống tham nhũng ảnh 2Ông Nguyễn Tiến Lãng chia sẻ tại buổi lễ nhận bằng khen. (Ảnh: PV/Vietnam+)

“Nếu tố cáo mà triệt phát được đường dây làm giả hồ sơ thương binh sẽ có lợi cho dân, cho Đảng, Nhà nước không phải chi số tiền quá lớn hàng năm rất phi lý. Số tiền đó để tăng lương cho cán bộ công nhân viên chức đang công tác, tăng lương cho cán bộ hưu trí, chắc chắn sẽ giúp ích việc đẩy lùi tham nhũng,” ông Lãng nói.

[Bài 2: Hai ông lão chống tham nhũng: Đấu tranh không vì được... khen]

Nhờ những đóng góp của hai ông lão, từ năm 2013 đến nay, Nhà nước không phải chi hơn 100 tỷ đồng do thực hiện sai chính sách hồ sơ người có công. Cầm trên tay tấm Bằng khen, ông Nguyễn Công Uẩn nói: “Chúng tôi được khen thưởng cũng sẽ động viên những người còn lại mạnh dạn, tích cực tố cáo tham nhũng chứ nếu không khen thưởng mà ai cũng như chúng tôi bị đánh, bị vùi dập, bị thiệt hại thì ai còn dám tố cáo tham nhũng.”

Ông Nguyễn Công Uẩn bộc bạch: “Chúng tôi rất mong người dân trong cả nước sát cánh cùng chúng tôi dũng cảm đứng lên tố cáo chống tham nhũng để đất nước được bình yên, cùng nhau xây dựng Đảng trong sạch, chính quyền vững mạnh, xây dựng đất nước ta giàu mạnh, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.”

Tại buổi trao Bằng khen, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng kêu gọi người dân nếu phát hiện trường hợp trục lợi chính sách thì tố giác, gửi đơn đến các sở hoặc chuyển về bộ và mong muốn những người đã trục lợi chính sách tự giác tự nguyện trả lại, thông qua tấm gương của hai ông lão ở Bắc Ninh./.

Năm 2010, ông Nguyễn Công Uẩn (xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) và ông Nguyễn Tiến Lãng (xã Gia Đông, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh) đã gửi đơn tố cáo hàng trăm hồ sơ thương binh giả tại địa phương đến Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.

Sau khi xác minh nội dung tố cáo với 10 trong số hàng trăm đối tượng bị tố cáo và thấy đều có dấu hiệu sai phạm trong hồ sơ thương binh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã chuyển các hồ sơ trên cho tỉnh Bắc Ninh và Bộ Quốc phòng thu hồi giấy chứng nhận thương binh và phối hợp tiếp tục xác minh, làm rõ các trường hợp bị tố cáo liên quan.

Ngày 14/6/2013, cơ quan Cảnh sát Công an tỉnh Bắc Ninh đã ban hành quyết định khởi tố 5 bị can: Nguyễn Bá Bi, Nguyễn Bá Trình, Nguyễn Gia Khu, Nguyễn Đức Nhâm và Nguyễn Đắc Ngưng, cư trú tại huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” đồng thời mở rộng điều tra vụ án.

Từ vụ việc này, Bộ Tư lệnh Quân khu 1 cũng tiến hành khởi tố điều tra về việc làm giả hồ sơ hưởng chế độ thương binh. Kết quả sau khi điều tra, số đối tượng khai man, giả mạo hồ sơ phải kiến nghị đình chỉ trợ cấp lên tới 2.745 người, 24 người bị xử lý hình sự, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách Nhà nước hơn 150 tỷ đồng đồng thời giảm chi ngân sách nhà nước 20 tỷ đồng mỗi năm do chi sai đối tượng người có công.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục