Hải Phòng hút gần 1,2 tỷ USD vốn FDI trong năm

Năm 2012, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư và tiếp tục đầu tư tại Hải Phòng, FDI của thành phố cảng đã đạt gần 1,2 tỷ USD.
Năm 2012, Hải Phòng thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đứng vị trí thứ 2 cả nước (đạt gần 1,2 tỷ USD), sau Bình Dương.

Hầu hết các dự án FDI thu hút được đều đầu tư vào Khu kinh tế Đình Vũ- Cát Hải do khu vực này được hưởng chính sách ưu đãi cao nhất theo quy định của pháp luật hiện hành.

Năm 2012, nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới đến đầu tư và tiếp tục đầu tư tại Hải Phòng. Trong đó có dự án sản xuất lốp xe với công suất 24.700 chiếc/năm của Bridgestone Corporation, có vốn đầu tư đăng ký 574,8 triệu USD, sử dụng 102ha đất tại Khu công nghiệp Đình Vũ; Dự án sản xuất dược phẩm của Nipro Pharma Corporation, có vốn đầu tư 250 triệu USD, sử dụng 15ha đất; Dự án sản xuất máy in, máy Photocopy đa năng của Fuji Xerox có vốn đầu tư 119 triệu USD tại Khu đô thị, công nghiệp và dịch vụ VSIP Hải Phòng.

Các khu công nghiệp của Hải Phòng ít xảy ra tình trạng bị thiếu hụt công nhân do Ban quản lý Khu công nghiệp Hải Phòng có Trung tâm giới thiệu việc làm cho doanh nghiệp. Ngoài ra, do người lao động cũng đã tìm được việc làm ổn định với mức lương hợp lý nên rất ít trường hợp thôi việc.

Cải thiện môi trường đầu tư, lực lượng lao động ổn định là những yếu tố cơ bản thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục đưa nhiều dự án lớn đến Hải Phòng.

Các doanh nghiệp gặp khó khăn về lao động, về an ninh trật tự hoặc khó khăn trong giải phóng mặt bằng đều có thể phản ánh trực tiếp với lãnh đạo quận, huyện. Thủy Nguyên là huyện tiên phong thực hiện chủ trương này.

Chủ tịch huyện Thủy Nguyên Nguyễn Trần Lanh cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin phản ánh của các công ty nước ngoài đóng trên địa bàn huyện về các vấn đề vướng mắc, lãnh đạo huyện trực tiếp xuống kiểm tra và kịp thời giúp doanh nghiệp giải quyết. Chẳng hạn, huyện phối hợp với các công ty để tuyển lao động hoặc chỉ đạo lực lượng chức năng đến xử lý các vụ trộm cắp tài sản, gây rối trật tự tại nhà máy.”

Tại khu công nghiệp Nomuza, huyện An Dương thành lập một tổ an ninh để giúp các công ty trong khu công nghiệp giải quyết những việc liên quan đến an ninh, trật tự.

Về phía thành phố, Ban quản lý Khu kinh tế Hải Phòng cũng tạo mọi thuận lợi để giúp các doanh nghiệp. Có những giấy chứng nhận đầu tư được phê duyệt chỉ sau 1-2 ngày nhận được văn bản đề nghị chính thức.

Lãnh đạo thành phố có những cuộc gặp mặt trực tiếp với lãnh đạo các công ty để giới thiệu về cơ hội đầu tư, cơ hội phát triển khi các công ty, tập đoàn quyết định xây dựng nhà máy tại Hải Phòng.

Sắp tới, thành phố sẽ ban hành văn bản về sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các khu kinh tế- khu công nghiệp để giúp các doanh nghiệp được hỗ trợ nhanh nhất, kịp thời nhất khi có những vấn đề nảy sinh.

Ngoài sự đồng hành của chính quyền thì các yếu tố như hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, hiện đại, lực lượng lao động ổn định cũng là thế mạnh của Hải Phòng. Hải Phòng có 17 khu công nghiệp, trong đó khu công nghiệp Nomuza đã được lấp đầy 100%.

Để tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư tại thành phố, năm 2013, Hải Phòng tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp thứ cấp giải quyết khó khăn, vướng mắc (nhất là các vấn đề lao động, điện, nước và các dịch vụ thiết yếu).

Ban Quản lý Khu kinh tế cùng các Công ty phát triển hạ tầng khu công nghiệp phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung giải quyết các vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và các vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng của các khu công nghiệp trên địa bàn.

Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp nước ngoài cũng là việc mà Hải Phòng hướng tới./.

Minh Thu (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục