Hải Phòng: Nâng cao đời sống người nghèo từ vốn tín dụng chính sách

Hải Phòng luôn đứng ở vị trí thứ 2-3 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất khu vực Đồng bằng sông Hồng, đồng thời trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất cả nước.
Hải Phòng: Nâng cao đời sống người nghèo từ vốn tín dụng chính sách ảnh 1Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân phát biểu tại Hội nghị tổng kết 20 năm triển khai thực hiện Nghị định 78. (Nguồn: vbsp.org.vn)

Hoạt động tín dụng chính sách xã hội của thành phố Hải Phòng đã, đang đồng hành giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn tín dụng chính sách để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, xây dựng nông thôn mới, ổn định chính trị trên địa bàn thành phố.

Quan tâm công tác an sinh

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Anh Quân cho rằng, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác được Chính phủ ban hành cùng với sự ra đời của Ngân hàng Chính sách xã hội đã thể hiện sự quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong việc tách tín dụng ưu đãi không vì mục tiêu lợi nhuận ra khỏi tín dụng thương mại nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giúp các tổ chức chính trị-xã hội tập hợp và phát triển lực lượng hội viên.

Thực hiện chủ trương của Thành ủy Hải Phòng "Đầu tư cho công tác an sinh, phúc lợi xã hội đi trước so với tốc độ phát triển kinh tế," hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn thành phố không ngừng phát triển, ổn định và luôn được quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp; sự phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành có liên quan và các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác; sự chỉ đạo sâu sát của của Hội đồng quản trị, Ban Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội, Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội các cấp.

Báo cáo đánh giá của Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng cho biết, 20 năm qua, thành phố có cơ chế, chính sách huy động mọi nguồn lực của Nhà nước và xã hội để giúp người dân có việc làm, thoát nghèo bền vững, thu hẹp khoảng cách mức sống khu vực thành thị với nông thôn.

Đặc biệt nguồn vốn phục vụ cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách ngày càng tăng, chất lượng tín dụng ngày một tốt hơn.

Chính sách tín dụng ưu đãi đã đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, nhất là các tầng lớp dân cư có thu nhập thấp không đủ điều kiện vay vốn Ngân hàng thương mại. Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách đã tạo thêm việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, góp phần ổn định tình hình kinh tế-xã hội tại địa phương.

Nguồn vốn tín dụng chính sách ngày càng mở rộng về quy mô, kết cấu nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực để phục vụ nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, không để ai lại phía sau.

Từ nguồn vốn ban đầu chủ yếu của Nhà nước, đến nay, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương các cấp đã luôn quan tâm đến việc chuyển vốn ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay các chương trình tín dụng chính sách.

Qua 20 năm qua thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP, nguồn vốn tín dụng chính sách trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã cho vay gần 903.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với số tiền gần 13.526.000 triệu đồng...

[Xây dựng hệ thống chính sách xã hội hướng tới toàn dân và bền vững]

Là một trong những hộ thoát nghèo nhờ nguồn vay vốn tín dụng chính sách, bà Nguyễn Thị Hồng Loan (44 tuổi, địa chỉ tại Tổ dân phố Đoạn Xá 2, phường Đông Hải 1, quận Hải An) chia sẻ, bà xây dựng gia đình năm 1998, với hai bàn tay trắng và không có việc làm ổn định, kinh tế rất khó khăn.

Sau khi bà sinh hai con, việc kinh doanh buôn bán thất thường, không được thuận lợi, kinh tế gia đình lại càng khó khăn hơn... Năm 2017, lúc đó, gia đình bà thuộc diện hộ cận nghèo.

Được sự tư vấn, giúp đỡ của Hội Nông dân phường, Tổ Tiết kiệm và vay vốn Đoạn Xá 2, vợ chồng bà Loan đã mạnh dạn vay 30 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ cận nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội để gia công hàng cơ khí.

Có vốn, vợ chồng bà đã mua thêm máy hàn, máy cắt và vật liệu để phục vụ gia công hàng cơ khí. Với tay nghề vững, cùng với các máy móc tốt và phù hợp hơn, nguyên liệu đa dạng, việc kinh doanh của gia đình bà ngày một thuận lợi, thu hút thêm nhiều khách hàng, tạo thu nhập ổn định hàng tháng từ 5-7 triệu đồng.

Hải Phòng: Nâng cao đời sống người nghèo từ vốn tín dụng chính sách ảnh 2Hải Phòng hỗ trợ hộ nghèo sửa chữa nhà ở. (Nguồn: molisa.gov.vn)

Năm 2020, gia đình bà Loan đã thoát nghèo và đã trả được hết số nợ vay cũ. Bà tiếp tục được tổ vay vốn bình xét cho vay 50 triệu đồng từ chương trình vay vốn hộ mới thoát nghèo để tiếp tục mở rộng sản xuất kinh doanh.

Nhờ có nguồn vốn này, gia đình bà đã mạnh dạn đầu tư thuê thêm nhà xưởng và máy móc thiết bị để phát triển kinh doanh. Đến nay, cuộc sống gia đình đã thoát nghèo bền vững, có thu nhập ổn định và thu hút thêm một số lao động ngoài vào làm việc. Xưởng gia công cơ khí của gia đình bà Loan hiện có 10 lao động với mức thu nhập trên 7 triệu đồng/người/tháng.

Tiếp tục lan tỏa

Theo Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Hải Phòng Đỗ Văn Bình, đồng vốn tín dụng chính sách đã và đang tạo cho người nghèo có thêm động lực phát triển sản xuất kinh doanh, mạnh dạn trong việc vay vốn, ý thức trách nhiệm cũng như kinh nghiệm sử dụng vốn vay được nâng lên.

Đây chính là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo nên kết quả giảm nghèo nhanh, bền vững của thành phố.

Hải Phòng luôn đứng ở vị trí thứ 2-3 trong số các tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất khu vực đồng bằng sông Hồng, đồng thời đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất của cả nước.

Giai đoạn 2002-2005, tỷ lệ hộ nghèo của thành phố giảm từ 11,81% năm 2002 xuống còn 3,03% năm 2005; giai đoạn 2006-2010, giảm từ 10,26% xuống còn 3,86%; giai đoạn 2011-2015, giảm từ 6,55% xuống còn 1,58%; giai đoạn 2016-2020, giảm từ 3,86% xuống còn 0,20%.

Năm 2021, địa bàn thành phố không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2016-2020. Tỷ lệ hộ nghèo toàn thành phố theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia áp dụng cho giai đoạn 2022-2025 là 1,40%; dự kiến năm 2022 còn 0,90%.

Trong thời gian tới, Sở Lao động Thương binh và Xã hội thành phố tiếp tục chung tay với Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện giải quyết việc làm cho hộ nghèo, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, đảm bảo công tác an sinh xã hội trên địa bàn thành phố.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn thành phố Hải Phòng, Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, bổ sung chính sách cho vay tín dụng chính sách đối với hộ có mức sống trung bình để phát triển sản xuất, kinh doanh tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống.

Nâng mức cho vay đối với chương trình cho vay Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn từ 10 triệu đồng/công trình lên 20 triệu đồng/công trình; cho phép kéo dài thời gian hộ gia đình được thụ hưởng chính sách tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo kể từ khi ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo lên tối đa là 5 năm.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội quan tâm, phân bổ nguồn vốn tăng trưởng hàng năm từ 10% trở lên, trong đó ưu tiên nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm.

Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố Lê Anh Quân chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố cùng với các sở, ban, ngành và các đơn vị liên quan tập trung triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết số 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo đồng bộ, kịp thời, hiệu quả đến các đối tượng thụ hưởng chính sách trên địa bàn thành phố, cho vay đúng và không bỏ sót đối tượng đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn, không để xảy ra việc lợi dụng, trục lợi chính sách.

Đồng thời, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Nhân dân Thành phố kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương xem xét trình Thủ tướng Chính phủ có chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi cho đối tượng là hộ có mức sống trung bình được vay vốn phát triển sản xuất, kinh doanh để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống; bổ sung đối tượng cho vay chương trình Nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn đối với địa bàn thị trấn. Ngân hàng Chính sách xã hội Trung ương tiếp tục bổ sung vốn để cho vay theo Nghị quyết 11 ngày 30/01/2022 của Chính phủ để hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục