Hải quan điện tử - bước đột phá cải cách hành chính

Sau 2 tháng triển khai, hải quan điện tử đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.
Sau hai tháng chính thức triển khai thủ tục hải quan điện tử theo Nghị định 87/NĐ-CP (từ 1/1) tại toàn bộ 34 Cục Hải quan địa phương với 125 chi cục trong cả nước, kết quả ban đầu cho thấy hải quan điện tử đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bước đột phá về cải cách hành chính

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Vũ Ngọc Anh khẳng định về cơ bản việc triển khai đã đáp ứng được các mục tiêu về tiến độ, lộ trình theo kế hoạch của Tổng cục cũng như của các Cục Hải quan địa phương. Các đơn vị đã nghiêm chỉnh chấp hành các nội dung cần thực hiện cho dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực.

Theo Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan (Tổng cục Hải quan), thủ tục hải quan điện tử đã được áp dụng cho hầu hết các loại hình xuất nhập khẩu. Hiện số doanh nghiệp tham gia đạt 28.948 doanh nghiệp, chiếm 92,88% số doanh nghiệp đang thực hiện hoạt động xuất nhập khẩu trên phạm vi cả nước. Tổng lượng tờ khai thực hiện là 696.218 bộ, đạt 88,27% tổng lượng tờ khai; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 33,454 tỷ USD, chiếm 91,83% tổng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước.

Tính đến hết tháng 2/2013, số doanh nghiệp tham gia thủ tục hải quan điện tử tại Hải quan Cần Thơ đạt tỷ lệ 99,15%; số tờ khai thủ tục hải quan điện tử đạt 3.509 tờ khai trên 3.510 tờ khai phát sinh, đạt tỷ lệ 99,87%; kim ngạch thực hiện thủ tục hải quan điện tử đạt 202,8 triệu USD trên tổng kim ngạch 202,9 triệu USD, đạt tỷ lệ 99,97%.

[Triển khai thủ tục hải quan điện tử trong toàn quốc]

Tại Quảng Ninh, 1.736 doanh nghiệp đăng ký tham gia hải quan điện tử. Có 422 doanh nghiệp thực hiện hải quan điện tử, đạt gần 97,5% trong tổng số doanh nghiệp làm thủ tục hải quan; kim ngạch xuất nhập khẩu làm thủ tục hải quan điện tử đạt hơn 1.198 tỷ đồng trên tổng số hơn 1.221 tỷ đồng tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn, đạt tỷ lệ 98,09%.

Bên cạnh đó, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử giúp cơ quan hải quan tăng hiệu quả làm việc, giảm thiểu các tiêu cực xảy ra đồng thời đảm bảo minh bạch của các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi thương mại.

Khi thực hiện thủ tục hải quan điện tử, người khai hải quan được quyền khai tất cả 24 giờ trên 7 ngày thay vì trong giờ hành chính như đối với thủ tục hải quan thủ công. Hệ thống xử lý dữ liệu điện tử hải quan tiếp nhận, kiểm tra, đăng ký tờ khai hải quan điện tử cũng là 24 giờ/7 ngày.

Việc tự động hóa tại nhiều khâu như trên giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí đi lại khi thực hiện khai báo; chi phí mua tờ khai hải quan; chi phí chuẩn bị bộ hồ sơ giấy; chi phí nhân lực.

Đặc biệt, theo tính toán sơ bộ của Tổng cục Hải quan, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 20% chi phí so với trước.

Vẫn cần hoàn thiện hơn

Mặc dù đạt được những thành công bước đầu, tuy nhiên qua quá trình triển khai thủ tục hải quan điện tử vẫn còn những hạn chế nhất định.

Đại diện Công ty trách nhiệm hữu hạn Toto Việt Nam cho biết, quá trình triển khai hệ thống điện tử thời gian qua cũng có một số lỗi hệ thống phát sinh, nhưng các lỗi đó đều là các vấn đề từ hệ thống như đường truyền, sự tương thích về hệ thống giữa cơ quan hải quan và doanh nghiệp.

Thực tế, ngoài các lỗi từ hệ thống, cũng có những trường hợp lỗi nảy sinh do những thao tác, vận hành từ phía doanh nghiệp. Chẳng hạn, một số doanh nghiệp khi khai báo tờ khai hủy đi hủy lại nhiều lần, làm nảy sinh những thông tin “rác” trên hệ thống. Đồng thời, việc này cũng dễ bị hệ thống cảnh báo rủi ro tự động phát tín hiệu cảnh báo, làm chậm tiến độ xử lý tờ khai.

Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, tuy nhiên, song hành với đó cũng tiềm ẩn những nguy cơ gian lận do danh mục hàng hóa, tiêu chí phân loại ngày càng lớn, phức tạp nhưng thông tin liên quan lại chưa được xây dựng, cập nhật kịp thời, đầy đủ để phục vụ việc phân luồng tờ khai điện tử.

Ngoài ra, Hải quan Hải Phòng cũng chỉ ra một số hạn chế, tồn tại cần sớm có hướng tháo gỡ trong áp dụng công tác quản lý rủi ro ở hải quan địa phương. Đó là việc còn thiếu văn bản quy định cụ thể (ở cấp Tổng cục) về việc phân cấp thiết lập, cập nhật, quy trình thao tác, thủ tục thực hiện.

Đối với danh mục hàng hóa, tiêu chí được chuẩn hóa, cập nhật hay thanh loại khỏi hệ thống để phục vụ kiểm tra điều kiện và phân luồng tờ khai điện tử chưa được đầy đủ, chính xác, kịp thời nên vẫn không ít trường hợp hệ thống cho kết quả phân luồng chưa chính xác.

Tổng cục Hải quan nhận xét, những thiếu sót, chưa hợp lý về phần mềm, về hệ thống, về cơ sở dữ liệu là điều có thể sẽ khắc phục được. Một loạt vấn đề khác thuộc lĩnh vực hàng hải như dịch vụ cảng, kho bãi, quản lý hành trình tàu biển, vận đơn, thủ tục xuất nhập cảnh đòi hỏi có sự đổi mới, ít nhất là ở cấp độ tin học thì mới tác nghiệp đồng bộ với yêu cầu thực hiện hải quan điện tử một cách trọn vẹn.

Theo ông Bùi Thái Quang, Phó Trưởng Ban Quản lý rủi ro, Tổng cục Hải quan, hiện nay, việc triển khai thủ tục hải quan điện tử thực sự mới chỉ thực hiện giữa hải quan với doanh nghiệp trong khi các bộ, ngành chưa thực sự gắn kết và chưa chủ động phối hợp thực hiện với ngành hải quan. Để triển khai hiệu quả hơn cần có sự phối hợp của cả hệ thống, cần có sự tham gia của các bộ, ngành. Hải quan điện tử cần gắn chặt chẽ với chính phủ điện tử khi đó mới thực sự mang lại hiệu quả cao cho công tác cải cách hành chính./.

Quốc Huy (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục