Hai thách thức song song của Trump trên bán đảo Triều Tiên

Việc Tổng thống Mỹ yêu cầu Seoul gánh thêm chi phí quân sự đang khiến mối quan hệ liên minh trở nên căng thẳng và đó có thể sẽ là điểm yếu để Triều Tiên khai thác trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Hai thách thức song song của Trump trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị thượng đỉnh ở Singapore ngày 12/6/2018. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng washingtonpost.com, các nhà lập pháp và chuyên gia Hàn Quốc cho biết việc Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu Seoul gánh thêm chi phí dành cho lực lượng quân đội Mỹ đồn trú tại quốc gia này đang khiến mối quan hệ liên minh trở nên căng thẳng và đó rất có thể sẽ là điểm yếu để Triều Tiên khai thác trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai sắp tới.

Hiện khoảng 28.500 binh sỹ Mỹ đang đồn trú tại hơn 20 căn cứ ở Hàn Quốc và chi phí mà Seoul bỏ ra cho lực lượng này trong năm ngoái là 855 triệu USD.

Tuy nhiên, thỏa thuận chia sẻ chi phí đã hết hạn vào cuối năm ngoái sau 10 vòng đàm phán chưa thể đi đến thống nhất, với “bất đồng lớn” giữa hai bên.

Giới lập pháp và các chuyên gia Hàn Quốc lo ngại rằng Tổng thống Trump có thể đã bị quá ám ảnh với việc Seoul cần phải chi trả nhiều hơn tới mức ông sẵn sàng đưa ra quyết định khó tin là rút một phần binh sỹ về nước nếu Mỹ và Hàn Quốc không đạt thỏa thuận.

Theo các chuyên gia, kịch bản này chẳng khác nào món quà “gián tiếp” gửi tới nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, hủy hoại một trong những quân bài quan trọng nhất mà Mỹ có trong quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân Triều Tiên.

Ngày 18/1, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump và Kim Jong-un sẽ gặp nhau vào cuối tháng 2 tới song địa điểm chưa được công bố.

Trước đó, nhà lãnh đạo Mỹ đã có cuộc gặp trong 90 phút tại Phòng Bầu dục với Kim Yong Chol, cựu lãnh đạo tình báo và hiện là trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên.

Chung Eui-yong, cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in, trao đổi với báo giới: “Chúng tôi cho rằng thời gian tới sẽ có rất nhiều khó khăn bởi Mỹ đã đột ngột nêu ra một điều kiện mà chúng tôi không thể nào chấp nhận được ngay trong giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán.”

Ông Chung cho biết vẫn tin rằng hai bên có thể đạt một “thỏa thuận hợp lý,” trong khi nhiều chuyên gia kỳ vọng khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Hàn sớm được hóa giải.

[Mỹ-Triều Tiên xác nhận ông Trump gửi thư tay cho nhà lãnh đạo Kim]

Tuy nhiên, rủi ro ngày càng gia tăng là điều không thể phủ nhận, nhất là nếu Seoul và Washington không thể đạt thỏa thuận trước thời điểm diễn ra thượng đỉnh Trump-Kim lần thứ hai.

Chun Yung-woo, cựu cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc, một nhân vật có tư tưởng bảo thủ, nói: “Tôi rất lo ngại. Những rủi ro từ việc đàm phán thất bại đã bị đánh giá thấp.”

Các nhà lập pháp thuộc Ủy ban Thống nhất và các Vấn đề Đối ngoại, cơ quan chịu trách nhiệm thông qua các thỏa thuận và đã được báo cáo tóm tắt về tiến trình đàm phán, nói rằng ban đầu Mỹ yêu cầu Hàn Quốc tăng gần gấp đôi đóng góp lên 1,6 tỷ USD, song sau đó hạ xuống còn 1,2 tỷ USD.

Khi yêu cầu này tiếp tục bị bác bỏ, Washington đã giảm bớt yêu cầu của mình song nói rằng thỏa thuận sẽ chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm thay vì thời hạn 5 năm thông thường.

Mỹ cũng đề xuất Hàn Quốc gánh thêm “các chi phí vận hành” để đảm bảo sự hiện diện của quân đội Mỹ trong khu vực, chẳng hạn chi phí về triển khai tàu sân bay. Giới lập pháp Hàn Quốc cho rằng đây là yêu cầu không thể chấp nhận được.

Trong cuốn sách “Fear” (tạm dịch: Nỗi sợ), tác giả Bob Woodward miêu tả Tổng thống Trump là người gần như bị ám ảnh bởi chi phí dành cho sự hiện diện của quân đội Mỹ, thường xuyên tức giận và đe dọa rút quân khi các yêu cầu của ông không được đáp ứng.

Nhiều quan chức đã nỗ lực kiềm chế cơn nóng nảy của Trump như cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson và Tướng Joseph F. Dunford Jr., Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân.

Hiện chỉ còn mỗi Dunford tại vị, và thực tế việc ông Mattis từ chức vì bất đồng với kế hoạch rút quân khỏi Syria cũng như cách đối đãi với đồng minh nói chung của Tổng thống Trump được xem là một thiệt hại nghiêm trọng với bộ máy chính quyền.

Victor Cha, cố vấn cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, bình luận: “Mọi chuyện sẽ trở nên khó khăn hơn. Sẽ không còn nhiều người đủ sức kiềm chế Trump, hay kiềm chế những cách suy nghĩ bất thường của ông ấy.”

Nhà nghiên cứu này cho rằng Chính quyền Trump đang tìm cách “thay đổi hệ thống” chi phí quân sự tại các nước đồng minh, và muốn thiết lập một tiền lệ tại Hàn Quốc trước thềm các cuộc đàm phán với Nhật Bản và NATO vào năm tới.

Nhiều thành viên trong Chính quyền Moon Jae-in bắt đầu sự nghiệp chính trị từ vị trí các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ cánh tả, vốn xem sự hiện diện của quân đội Mỹ là nhằm phục vụ các lợi ích chiến lược của họ hơn là vì lợi ích của Hàn Quốc.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Chun Yung-woo nói: “Tôi không nghĩ là họ sẽ thẳng thừng bảo Mỹ rút quân. Song nếu Tổng thống Trump quyết định giảm bớt số lượng binh sỹ vì vấn đề chi phí thì tôi nghĩ là họ cũng không lấy đó làm điều quá lo ngại hay tiếc nuối.”

Mỹ nói rằng Seoul chi trả 855 triệu USD trong tổng số chi phí 2 tỷ USD. Hàn Quốc cho rằng con số này chưa tính đến các chi phí đất đai vốn được xem là miễn phí và khẳng định họ hiện gánh tới hơn 70% chi phí.

Seoul cũng chịu toàn bộ chi phí xây dựng căn cứ mới của Mỹ tại Pyeongtaek và chi trả tới 13 tỷ USD trong giai đoạn 2013-2017 để mua sắm khí tài quân sự, phục vụ công tác huấn luyện và dịch vụ của quân đội Mỹ.

Kim Jong-dae, một nhà lập pháp của đảng Công lý thiên tả, cho rằng rủi ro hiện tại là rất lớn bởi xu hướng “biệt lập” của Tổng thống Trump và ý định rõ ràng của ông trong việc đưa binh sỹ Mỹ về nước.

Nhiều người Hàn Quốc ngạc nhiên về nỗ lực thúc đẩy hòa bình trên bán đảo Triều Tiên của Tổng thống Trump song lại cảm thấy khó hiểu về những điều khoản “lạnh lùng” mà ông đưa ra về vấn đề chi phí quân sự./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục