Hai ứng cử viên đối địch ở Afghanistan chia sẻ quyền lực

Ngày 21/9, hai ứng cử viên đối địch trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan là Ashraf Ghani và Abdullah Abdullah đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực.
Hai ứng cử viên đối địch ở Afghanistan chia sẻ quyền lực ảnh 1Ông Abdullah Abdullah (trài) và ông Ashraf Ghani trao đổi văn kiện thỏa thuận chia sẻ quyền lực tại lễ ký két ở Phủ Tổng thống, thủ đô Kabul. (Nguồn: Reuters)

Ngày 21/9, hai ứng cử viên đối địch trong cuộc bầu cử tổng thống Afghanistan đã ký một thỏa thuận chia sẻ quyền lực, chấm dứt bất đồng liên quan đến kết quả cuộc bầu cử hồi tháng Sáu.

Thỏa thuận nhằm phá vỡ thế bế tắc đẩy đất nước Afghanistan rơi vào cuộc khủng hoảng quyền lực kể từ sau cuộc bầu cử vừa qua.

Theo thỏa thuận này, ông Ashraf Ghani, người giành chiến thắng trong cuộc bầu cử theo kết quả sơ bộ, sẽ trở thành Tổng thống Afghanistan, trong khi ông Abdullah Abdullah sẽ giữ chức vụ "người điều hành đứng đầu" (CEO), tương đương với thủ tướng.

Theo Hiến pháp Afghanistan, tổng thống nắm hầu hết quyền hành trong khi CEO sẽ đảm nhận chứng vụ thủ tướng trong nhiệm kỳ hai năm, đây được coi là một thay đổi lớn về cách thức lãnh đạo mà Afghanistan áp dụng từ năm 2001.

Tuy nhiên, vẫn có nhiều lo ngại về nguy cơ một liên minh cầm quyền được thành lập từ những đảng phái đối lập sẽ khó mà hoạt động hiệu quả.

Bất đồng về các vị trí then chốt khác trong chính phủ có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trên chính trường.

Trong bối cảnh an ninh và triển vọng kinh tế của quốc gia Nam Á này đang ngày một xấu đi, nhiệm vụ của chính phủ mới là ổn định nền kinh tế trong bối cảnh viện trợ quốc tế giảm sút và giải quyết tình trạng bất mãn đang lan rộng khắp cả nước.

Ngoài ra, dư luận hy vọng các nỗ lực nhằm đàm phán hòa bình với Taliban đã không đạt được kết quả dưới thời Tổng thống Hamid Karzai, sẽ được khôi phục sau khi chính phủ mới đi vào hoạt động.

Một trong những thử thách lớn nhất của chính phủ mới là việc ký Thỏa thuận an ninh song phương (BSA) với Mỹ liên quan đến việc liên quân do NATO đứng đầu có tiếp tục ở lại Afghanistan sau năm 2014 mà Tổng thống Karzai đã cố ý để lại cho người kế nhiệm.

Tư lệnh NATO tại Afghanistan, Tướng Mỹ Phillip Breedlove, bày tỏ hy vọng một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ giúp BSA sớm được hoàn tất.

Hiện tại, NATO có tổng cộng 41.000 quân đóng tại Afghanistan, giảm mạnh so với mức đỉnh điểm 150.000 quân của năm 2010. Theo kế hoạch, nhiệm vụ của liên quân sẽ kết thúc vào cuối tháng 12/2014.

Nếu như BSA được ký kết, NATO sẽ tiếp tục duy trì khoảng 12.000 quân đến năm 2015 với nhiệm vụ huấn luyện và hỗ trợ cho lực lượng an ninh Afghanistan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục