Hai vở diễn độc đáo 'Kim tử' và 'Ngũ biến' đến với công chúng TP.HCM

Trong bảy đêm (từ tối 15-21/10), công chúng Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội thưởng thức hai vở diễn “Kim Tử” và “Ngũ biến,”của Sân khấu Lệ Ngọc (Hà Nội) tại Đại học SKĐA và Nhà hát Trần Hữu Trang
Hai vở diễn độc đáo 'Kim tử' và 'Ngũ biến' đến với công chúng TP.HCM ảnh 1Một cảnh trong vở Kim tử.

Trong bảy đêm (từ tối 15-21/10), tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh và Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, công chúng yêu mến nghệ thuật sân khấu tại Thành phố Hồ Chí Minh sẽ có cơ hội thưởng thức hai vở diễn “Kim Tử”“Ngũ biến,” của Sân khấu Lệ Ngọc, đến từ Thủ đô Hà Nội, giới thiệu và biểu diễn.

Theo Ban tổ chức, “Kim tử” là vở bi kịch nổi tiếng của nhà viết kịch Tào Ngu (Trung Quốc), do đạo diễn Chua Soo Pong (Singapore) dàn dựng. Đây là vở diễn vừa đoạt bốn giải tại Liên hoan sân khấu Trung Quốc-ASEAN vào tháng 9/2018 với một giải Vở diễn xuất sắc và ba giải Diễn viên xuất sắc cho nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc, nghệ sỹ Thu Hà và nghệ sỹ Tạ Tuấn Minh.

Vở kịch xoay quanh cuộc đời Kim Tử - một cô gái đẹp bị ép gả cho Đại Tinh, tính tình thật thà nhưng lại có người mẹ mù độc đoán. Mối thâm thù của cha Đại Tinh với Cửu Hổ - người yêu Kim Tử được thể hiện trên sân khấu khiến người xem như ngạt thở trong không khí âm u, khắc nghiệt.

[Kỷ niệm 99 năm ra đời bản 'Dạ cổ hoài lang' và Lễ Giỗ tổ Cổ nhạc]

Trong “Ngũ biến,” khán giả Thành phố Hồ Chí Minh có cơ hội xem màn trình diễn dựa trên năm giá hầu đồng theo phong tục tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tiết mục do nghệ sỹ nhân dân Anh Tú biên tập và đạo diễn theo hình thức sân khấu hóa. Bốn nam thanh niên với những bộ trang phục lóng lánh trợ giúp nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc hóa thân vào cùng lúc nhiều nhân vật sống động như Quan Đệ ngũ, Chầu Đệ Nhị...

Đây cũng là vở diễn đã đoạt hai giải thưởng xuất sắc tại Liên hoan Sân khấu Trung Quốc-ASEAN năm 2016 với giải Tiết mục xuất sắc và giải Nghệ sỹ trình diễn xuất sắc cho nghệ sỹ nhân dân Lệ Ngọc.

Theo đại diện của Sân khấu Lệ Ngọc, hiện có khoảng 1.000 vé mời đã được phát tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Thành phố và dành cho các giảng viên, sinh viên theo học chuyên ngành lĩnh vực sân khấu ở một số trường trên địa bàn.

Bắt đầu hoạt động từ năm 2013 với tên gọi “Nhóm kịch xã hội hóa” của Nhà hát Kịch Quốc gia Việt Nam, đến tháng 9/2016, Câu lạc bộ Sân khấu Lệ Ngọc chính thức được thành lập, trực thuộc Hiệp hội Phát triển văn hóa doanh nghiệp Việt Nam.

Sân khấu Lệ Ngọc là mô hình sân khấu xã hội hóa đầu tiên tại Hà Nội. Các tác phẩm nghệ thuật của Sân khấu Lệ Ngọc đã được mời tham gia nhiều liên hoan sân khấu quốc tế ở các nước Nhật Bản, Trung Quốc, Philippines, Hàn Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục