Hầm bộ hành...chợ chiều

Hầm đường bộ ở Hà Nội rơi vào cảnh... chợ chiều

Hà Nội đã đầu tư hàng triệu USD xây dựng một số hầm bộ hành, tuy nhiên lượng người đi bộ chịu "chui" vào hầm vẫn rất khiêm tốn.
Cùng với việc triển khai xây dựng cầu đường bộ, Hà Nội cũng đã đầu tư hàng triệu USD làm một số hầm bộ hành để người dân băng sang đường không phải đối mặt với nguy cơ tai nạn giao thông. Khi dự án được triển khai rất nhiều người kỳ vọng nó sẽ phát huy được tối đa chức năng của mình.

Thế nhưng, sau một thời gian dài đưa vào sử dụng, lượng người đi bộ chịu "chui" vào hầm vẫn rất khiêm tốn. Điều này bắt nguồn từ ý thức tự giác của người dân, nhưng cũng phải nói tới việc nhiều người sợ bị "hành ở trong hầm"...

Hầm bộ xây để... "đóng cửa cài then"

Theo ghi nhận của Vietnam+, rất nhiều hầm đi bộ hiện nay đang trong tình trạng xây ra rồi "đắp chiếu". Trên tuyến đường Phạm Hùng (Cầu Giấy) và tuyến đường Khuất Duy Tiến (Thanh Xuân) có nhiều hầm nằm rải rác, nhưng thực tế, chỉ 4 điểm được đưa vào sử dụng, gồm: khu vực gần bến xe Mỹ Đình,  khu vực đường Trần Duy Hưng số còn lại đều bị khóa kín cửa, bỏ hoang cỏ mọc um tùm, thành nơi để đồ…, khiến người dân vẫn phải “băng” trên mặt đường để qua.

Hệ thống đường hầm trên đường Phạm Hùng trước bến xe Mỹ Đình có số lượng người tham gia nhiều hơn. Đường hầm này ngắn, 2 cửa hầm nằm ở vị trí thuận lợi cho người đi bộ qua đường bắt xe khách hay đi xe bus, người đi bộ xuống xe là có thể bước xuống đường hầm. Tuy nhiên, khung cảnh dưới hầm cũng không khá gì. Rất nhiều vũng nước bốc mùi. Những dòng chữ phản cảm được viết khắp nơi với mật độ khá dày trông rất mất mỹ quan.

Thậm chí trước cửa hầm được trưng dụng làm nơi bán trà đá. Ghế nhựa, cốc chén, đồ đạc để ngổn ngang, chắn hết lối đi. Một người dân ở khu vực này cho biết: "Quán nước này mọc lên khá lâu, chắn ngang lối đi của người đi bộ mà vẫn không thấy bị xử lý..."

Chị Chu Thị Hằng, ở Mỹ Đình thường xuyên phải đi ngang qua đường Phạm Hùng mỗi ngày phàn nàn: "Tôi thường xuyên đi ngang qua đường nhưng chưa bao giờ dám xuống đến hầm đường bộ. Lúc thì hầm ‘cửa đóng then cài’, khi cửa được mở thì lại biến thành nơi tụ tập của các ở nhóm chơi bời, thậm chí còn là nơi để bán...trà đá."

Trên đường Khuất Duy Tiến cũng có một đường hầm dành cho người đi bộ nhưng từ khi xây xong đến nay vẫn chưa đi vào hoạt động. Hiện, người ta đã rào kín căn hầm này do không phát huy tác dụng. Dù đã được che chắn nhưng đoạn đường này hiện đang trở thành nhà vệ sinh công cộng và là chỗ lý tưởng cho những quảng cáo rao vặt.

Ngay tại hầm đường bộ Ngã Tư Sở, công trình có mức đầu tư tới  hơn 1.400 tỷ đồng và dài 500m. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng được một thời gian, rất nhiều người vẫn không còn hào hứng trong việc đi qua đường bằng hầm.

Chị Đào Tuyết Mai nhà ở Tây Sơn - Hà Nội cho biết: "Trước đây, tôi cũng đi xuống hầm để sang đường nhưng không ít lần phải loay hoay để tìm lối lên. Nhìn những biển chỉ dẫn chỗ nào cũng giống chỗ nào chẳ biết đâu mà lần..."

Chưa khai thác đồng bộ đường hầm

Câu hỏi đặt ra là tại sao hầm đường bộ hiện đại như thế lại bị bỏ hoang, hoặc nếu có sử dụng thì hiệu quả không cao, gây lãng phí tiền của, công sức xây dựng? Trong khi mỗi ngày, ở Hà Nội có không ít những vụ tai nạn giao thông mà thủ phạm và cũng có thể là nạn nhân chính là người đi bộ sang đường.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lưu Tuấn Cường, Trưởng phòng Quản lý Dự án 3-Ban Quản lý Dự án Thăng Long, chủ đầu tư của hệ thống hầm đường bộ trên đường vành đai 3 - Hà Nội cho biết: “Ban quản lý dự án Thăng Long thi công hầm đường bộ trên tuyến đường vành đai 3 giai đoạn I Mai Dịch – Linh Đàm triển khai thi công 18 hầm đường bộ trong đó cơ bản đã thi công xong 17 hầm. Nhiều hầm trên tuyến dù đã hoàn thiện nhưng chưa bàn giao bởi nhiều lý do khác nhau.”

Tính cả 2 hầm Kim Liên và hầm Ngã Tư Sở thì hiện nay, Hà Nội có tất cả 20 hầm đường bộ.

Ông Cường cũng cho hay: “Cụ thể, 6 hầm trên đường Phạm Hùng, đoạn từ Trung Hòa đến Mai Dịch, đã hoàn thành từ rất lâu nhưng chỉ có 4 hầm được bàn giao cho Sở Giao thông vận tải Hà Nội, 2 hầm còn lại đang phát sinh một số hoàn thiện hạ tầng bên trong hầm. Do chưa được bàn giao nên nhiều hầm đang phải “cửa đóng then cài” để chống mất mát hoặc hư hỏng tài sản trong hầm, dù tại các hầm này đều có lực lượng bảo vệ thường xuyên túc trực...”

Theo ông Cường, vốn đầu tư để xây dựng 1 chiếc hầm rơi vào khoảng từ 3 đến 7 tỷ đồng vì trong quá trình xây dựng  và hoàn thiện phụ thuộc vào rất nhiều các yếu tố như: Giá nguyên vật liệu, gia công nền móng, chống thấm, trong hầm, vị trí đất của từng nơi để đặt hầm.

“Theo kế hoạch của Ban Quản lý Dự án tất cả các hầm sẽ hoàn thiện trong tháng 8 và chậm nhất là trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long- Hà Nội,” ông Cường cho hay.

Đề cập đến vấn đề này, ông Nguyễn Nguyên Huy, Trưởng phòng Giao thông đô thị, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội cho rằng, khi bàn giao các hầm cho Sở sẽ chuyển cho các công ty trực thuộc quản lý và vận hành. Hiện tại Sở mới quản lý 6 hầm gồm: Hầm đường bộ Kim Liên, Ngã Tư Sở và 4 hầm trên đường Phạm Hùng.

Ông Huy cũng cho biết: “Nhiều hầm đường bộ tại khu vực Thành phố Hà Nội được đầu tư xây dựng ở nhiều thời điểm khác nhau. Đến nay nhiều hầm vẫn chưa được bàn giao để khai thác sử dụng vì thủ tục hoặc các hạ tầng kèm theo chưa xong. Cả hệ thống đường hoặc hầm phải hoàn thiện đồng bộ thì việc khai thác mới có hiệu quả.”

Trong khi đó, ông Khuất Việt Hùng, Phó viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông Vận tải) cho rằng, các công trình giao thông, đặc biệt là hầm đường bộ phải có giải pháp quản lý giao thông tiếp cận hợp lý. Vị trí hầm đường bộ không đặt sai nhưng trong chừng mực nào đó người đi bộ khó tiếp cận.

Ông Hùng cũng cho biết thêm: “Công trình cơ sở hạ tầng hầm đường bộ nằm trong dự án mạng lưới giao thông và tầm nhìn chiến lược là đúng nhưng chính việc tổ chức quản lý khai thác chưa hợp lý kéo theo những hệ lụy và khiến cho chức năng của hầm đường bộ không phát huy hết được nhiệm vụ của nó.”/.

Hùng Cương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục