Hạn chế cao nhất sự trùng lặp nội dung chương trình mục tiêu quốc gia

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định Chính phủ sẽ hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa nội dung ba chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai hiện nay.
Hạn chế cao nhất sự trùng lặp nội dung chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 1Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Tiếp tục chương trình làm việc, sáng 27/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định Chính phủ sẽ hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa nội dung ba chương trình mục tiêu quốc gia (về giảm nghèo bền vững; phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi; xây dựng nông thôn mới) đang triển khai hiện nay.

Xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, nhà nước. Trong thời gian qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự nỗ lực của toàn dân, công tác giảm nghèo đã đạt được những thành tựu nổi bật. Chính sách pháp luật ngày càng hoàn thiện, ngân sách nhà nước huy động nguồn lực xã hội ngày càng tăng. Ý chí vươn lên của người dân được nâng lên; các tấm gương thoát nghèo và các điển hình ngày càng nhiều...

[Giảm nghèo bền vững: Quan tâm đến các hộ nghèo mới do COVID-19]

Trải qua 6 lần điều chỉnh tiêu chí, với việc áp dụng chuẩn nghèo đa chiều hiện nay, Việt Nam là một trong 30 quốc gia trên thế giới, là nước đầu tiên trong khu vực châu Á áp dụng phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau.”

“Chúng ta đi từ việc ngân sách nhà nước phải đảm bảo hoàn toàn để triển khai giảm nghèo, sang nhà nước giữ vai trò chủ đạo, dẫn dắt; còn người dân, hộ nghèo là chủ thể. Đây là những bước đi rất dài về tư duy, nhận thức, hành động trong công cuộc chống đói nghèo. Chúng ta đã sớm hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng về giảm nghèo trên thế giới,” Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội nêu rõ.

Theo Bộ trưởng, giai đoạn 2021-2025 sẽ đặt ra mục tiêu, yêu cầu cao hơn, giảm nghèo đa chiều nhưng thực chất và bền vững, giảm bình quân 1-1,5%/năm.

Trong khi đó, chuẩn nghèo được nâng lên (tiêu chí thu nhập tăng từ 700 nghìn đồng lên 1,5 triệu đồng ở khu vực nông thôn; 900 nghìn đồng lên 2 triệu đồng ở khu vực thành thị) sẽ dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo đầu kỳ tăng rất cao.

Cùng với tiêu chí về thu nhập, nhiều nội dung thiếu hụt đòi hỏi phải có nguồn lực lớn như tái định cư, xóa nhà tạm, chống suy dinh dưỡng trẻ em, hạn chế trẻ em thể trạng thấp còi...

“Giai đoạn 2021-2025 cần đầu tư thỏa đáng để mức sống tối thiểu của người dân tăng dần, gắn với mục tiêu phát triển bao trùm bền vững và tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Chúng ta phải lo vừa giảm tỷ lệ, nhưng đồng thời phải quan tâm hơn giảm nghèo một cách thực chất và bền vững. Giảm nghèo bao trùm có nghĩa là phải giảm, phải xóa bỏ đói nghèo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi, mọi thời điểm và mọi chiều thiếu hụt,” Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Hạn chế trùng lặp ba chương trình mục tiêu quốc gia

Về xử lý trùng lặp giữa ba chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, đối tượng của Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững là các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên phạm vi toàn quốc, trong đó bao gồm đối tượng nghèo mới phát sinh vì các lý do khác nhau như ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Cụ thể, đối tượng nghèo ở cả khu vực nông thôn và thành thị, chú trọng các địa bàn còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, phạm vi của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tập trung vào địa bàn nông thôn các huyện, xã.

Hạn chế cao nhất sự trùng lặp nội dung chương trình mục tiêu quốc gia ảnh 2Mô hình chăn nuôi bò sinh sản theo hướng tập trung của người dân tại xã Nậm Lạnh, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. (Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN)

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định: “Trong giai đoạn 2016-2020, hai Chương trình này đã chạy song song với các nội dung tương đối tách bạch.”

Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã tách một phần đối tượng, địa bàn từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững; phạm vi tập trung đầu tư cho các địa bàn đặc biệt khó khăn trong vùng dân tộc thiểu số và miền núi, nên hai chương trình cũng tương đối tách bạch.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Chính phủ sẽ chỉ đạo các chương trình đề xuất, ban hành tiêu chí; xác định cụ thể đối tượng, địa bàn, nội dung hỗ trợ đầu tư; xây dựng báo cáo nghiên cứu khả thi nhằm hạn chế cao nhất sự trùng lặp, giao thoa; đồng thời đề xuất cơ chế lồng ghép, tích hợp các nguồn lực, đem lại hiệu quả cao nhất trong đầu tư.

Về tách các hộ nghèo không có khả năng thoát nghèo khỏi chương trình, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thông tin hiện có khoảng 160.000 hộ với 608.000 người không có khả năng thoát nghèo nhưng theo chuẩn mới sẽ có khoảng 400.000 hộ với 1,5 triệu người.

Theo tiêu chí này, Chính phủ sẽ nghiên cứu, tiếp tục cân nhắc thời điểm, cách tiến hành để vừa đạt mục tiêu theo ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, vừa đảm bảo khả năng ngân sách cân đối trong thời gian thực tế.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, khi hoàn thiện chương trình, Chính phủ sẽ trình Quốc hội ban hành nghị quyết làm căn cứ để Chính phủ chỉ đạo xây dựng báo cáo, nghiên cứu khả thi và tổ chức thực hiện theo đúng quy định của pháp luật, triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục