Hạn chế ngoại binh nhập tịch trong bóng đá VN

Ngày 13/11, VFF và đại diện 28 câu lạc bộ ở V-League và hạng Nhất họp về những vấn đề liên quan tới ngoại binh nhập tịch Việt Nam.
Ngày 13/11, cuộc họp giữa Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) với đại diện 28 câu lạc bộ ở giải V-League và hạng Nhất đã diễn ra rất nóng bỏng và quyết liệt, đặc biệt là những vấn đề liên quan tới các ngoại binh nhập tịch Việt Nam.

Trước tình trạng các đội bóng ở Việt Nam đua nhau nhập tịch cho các ngoại binh, VFF đã kiến nghị ở mùa giải tới mỗi trận đấu ở giải V-League và giải hạng Nhất chỉ cho ra sân 1 cầu thủ ngoại binh nhập tịch, thay vì không giới hạn như hiện nay.

Tuy nhiên, chỉ một số ít câu lạc bộ ủng hộ chủ trương này, còn đa phần đều phản đối và yêu cầu VFF trước khi đưa ra quyết định chính thức về việc giới hạn số lượng ngoại binh nhập tịch thì cần phải xin ý kiến chỉ đạo của Chính phủ.

Thế nhưng, sau khi thảo luận, về cơ bản, giữa VFF và các câu lạc bộ đã đạt được sự đồng thuận tương đối xung quanh vấn đề này.

Theo đó, ở mỗi trận đấu tại V-League, các đội bóng được phép đăng ký 5 ngoại binh và cho ra sân 3 ngoại binh, riêng các ngoại binh nhập tịch thì tỉ lệ sẽ là 2-1, đăng ký 2 và đưa ra sân 1.

Như vậy, số lượng cầu thủ không phải gốc Việt Nam trên sân ở mỗi trận đấu sẽ là 3 ngoại binh và 1 ngoại binh nhập tịch. Công thức được áp dụng ở giải hạng Nhất, là đăng ký 3 ngoại binh, cho ra sân 2, cộng với 1 ngoại binh nhập tịch.

3 mùa nữa, sẽ giảm cả ngoại binh!

Cũng liên quan tới vấn đề ngoại binh, VFF đưa ra lộ trình từ mùa bóng 2012-2013 sẽ giảm tỷ lệ ngoại binh trên sân ở mỗi trận theo hướng đăng ký 4 thi đấu 3 và từ mùa bóng 2014 sẽ là đăng ký 3 thi đấu 2. Thế nhưng, chỉ một số ít câu lạc bộ tỏ ra tán thành với chủ trương này còn đa phần đều bày tỏ sự băn khoăn.

Về lộ trình chuyển đổi mô hình hoạt động câu lạc bộ, sau khi lắng nghe các ý kiến đóng góp, Phó chủ tịch Phạm Ngọc Viễn xác định năm 2011, các câu lạc bộ bóng đá chuyên nghiệp phải được tổ chức theo mô hình doanh nghiệp nhưng không bắt buộc chủ câu lạc bộ phải là doanh nhân.

Tiến tới năm 2013, các câu lạc bộ tham gia giải hạng Nhất cũng phải hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Trường hợp các câu lạc bộ hạng Nhất được thăng hạng V-League 2011 sẽ có quỹ thời gian 1 năm để hoàn tất lộ trình, nhưng từ 2013 lên 2014 bắt buộc phải theo mô hình chuyên nghiệp chuẩn.

Song một số câu lạc bộ lại chưa nhất trí vì cho rằng VFF phải dựa vào tình hình thực tế của bóng đá cũng như xã hội Việt Nam và không phải lúc nào cũng nhất nhất tuân thủ theo khuyến cáo của FIFA và AFC.

Do chưa thể đưa ra quyết định chính thức trong ngày nên VFF sẽ tiến hành thăm dò ý kiến của 28 câu lạc bộ rồi trình ra trước Đại hội Ban chấp hành VFF khóa VI sẽ diễn ra vào hạ tuần tháng 11 năm nay.

Một thông tin khác, liên quan đến vấn đề giấy phép chuyển nhượng quốc tế (ITC) cũng đã được đưa ra Hội nghị. Theo đó, FIFA sẽ áp dụng hệ thống quản lý chuyển nhượng điện tử (TMS).

Các Liên đoàn bắt buộc phải áp dụng từ tháng 10/2010, các hình thức cấp ITC bằng fax, thư… như hiện tại sẽ không hợp lệ.

Mùa 2010, ban tổ chức giải sẽ có đại diện câu lạc bộ

Phó Tổng thư ký Dương Nghiệp Khôi cho biết, tại mùa giải 2010, VFF sẽ mời một số đại diện câu lạc bộ tham gia ban tổ chức giải để cùng làm công tác quản lý và điều hành, tạo sự chuẩn bị thuận lợi cho kế hoạch thành lập ban tổ chức V-League chuyên nghiệp.

Bên cạnh đó, với sự góp sức của các nhà tài trợ, cơ cấu giải thưởng cũng sẽ được tăng lên. Riêng các câu lạc bộ giành quyền tham dự AFC Champions League và AFC Cup sẽ được VFF và các nhà tài trợ hỗ trợ một phần kinh phí, cũng như sẽ đưa ra những mức thưởng xứng đáng tùy theo thành tích đạt được trong từng vòng đấu tại đấu trường châu lục.

Việt Kiều được tính như cầu thủ nội

Theo Phó chủ tịch phụ trách chuyên môn VFF Phạm Ngọc Viễn, VFF sẽ đưa ra phương án để hạn chế việc nhập tịch ồ ạt ngoại binh theo hướng ưu tiên cho những ngoại binh có khả năng hoặc có nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam.

Chẳng hạn, cầu thủ nước ngoài muốn nhập quốc tịch Việt Nam phải dưới 25 tuổi và có tối thiểu 5 năm chơi bóng ở Việt Nam. Hiện tại, luật Quốc tịch Việt Nam cho phép người nước ngoài nhập quốc tịch sau 5 năm sinh sống tại Việt Nam và không có quy định tuổi tác.

Mặt khác, để động viên các cầu thủ Việt kiều ở xa xứ về đóng góp cho Tổ quốc, VFF dự tính sẽ coi những cầu thủ Việt kiều như Lee Nguyễn, Đặng Văn Robert như nội binh, ngay cả trong trường hợp họ vẫn mang quốc tịch gốc là nước ngoài và quy định này có thể được áp dụng ngay từ mùa bóng 2010./.

(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục