Ngày 15/5, Pakistan đã chính thức được mời tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO trong bối cảnh nước này tiến gần hơn đến việc mở lại tuyến tiếp vận của NATO sang Afghanistan, những dấu hiệu cho thấy quan hệ giữa Pakistan với Mỹ và NATO vốn sóng gió thời gian qua đang dần được hàn gắn.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã điện đàm mời Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức trong hai ngày 20-21/5 tới tại thành phố Chicago (Mỹ).
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar tuyên bố đã đến lúc "tiến bước" và hằn gắn các quan hệ với Mỹ và NATO đồng thời nội các Pakistan họp thảo luận việc mở lại tuyến tiếp vận của NATO sang Afghanistan.
Người phát ngôn NATO, Oana Lungescu nhấn mạnh Pakistan giữ "một vai trò quan trọng" trong tương lai của Afghanistan và NATO đang hợp tác chặt chẽ với Islamabad nhằm sớm mở lại tuyến tiếp vận. Trong phản ứng của mình, người phát ngôn của Đại sứ quán Pakistan tại Mỹ nói rằng "rất nhiều khả năng" Tổng thống Zardari sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Sự can dự của Pakistan tại hội nghị này được chờ đợi sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng của Islamabad đối với tương lai của nước láng giềng Afghanistan khi các lực lượng NATO dự kiến sẽ rút quân hoàn toàn vào năm 2014. Lời mời của NATO cũng đánh dấu một bước thay đổi lớn khi mà Pakistan từng tẩy chay hội nghị quốc tế gần đây nhất về Afghanistan, diễn ra tại Thụy Sĩ hồi tháng 12 năm ngoái.
Các quan hệ giữa Pakistan với Mỹ và NATO căng thẳng trong những tháng qua sau một loạt sự cố. Islamabad đã phong tỏa tuyến tiếp vận của NATO nhằm phản đối vụ không kích của Mỹ tại biên giới giáp với Afghanistan làm 24 người Pakistan thiệt mạng. Tối 15/5, Ủy ban quốc phòng của nội các Pakistan (DCC) đứng đầu là Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã nhóm họp thảo luận về việc mở lại tuyến tiếp vận này.
Tân Hoa xã dẫn một nguồn tin giấu tên thân cận với cuộc họp trên cho biết Pakistan "đã nhất trí trên nguyên tắc" về việc mở lại tuyến đường tiếp vận và quyết định này dự kiến sẽ được chính thức công bố tại hội nghị thượng đỉnh của NATO. Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng Thông tin Pakistan Qamar Zaman Kaira nói rằng "chưa có quyết định cuối cùng" và còn cần tham vấn thêm.
Trong một tuyên bố chính thức, DCC ủy quyền cho các quan chức của bộ ngành liên quan hoàn tất đàm phán về những điều kiện mới cho việc nối lại tuyến tiếp vận. Các điều kiện này cần kết hợp thành một điều khoản như Quốc hội Pakistan đề xuất, theo đó chỉ hàng hóa, trang thiết bị phi sát thương được vận chuyển qua Pakistan tới Afghanistan. Đồng thời, tuyên bố cũng nhấn mạnh giới chức quân đội Pakistan cần đàm phán các quy định mới với NATO về khu vực biên giới để bảo đảm rằng những vụ "tấn công nhầm" sẽ không tái diễn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 15/5 xác nhận Washington và Islamabad vẫn đang đàm phán về việc mở lại tuyến tiếp vận và dù đạt được những tiến triển, một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được hoàn tất./.
Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen đã điện đàm mời Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO dự kiến tổ chức trong hai ngày 20-21/5 tới tại thành phố Chicago (Mỹ).
Động thái này diễn ra một ngày sau khi Ngoại trưởng Pakistan Hina Rabbani Khar tuyên bố đã đến lúc "tiến bước" và hằn gắn các quan hệ với Mỹ và NATO đồng thời nội các Pakistan họp thảo luận việc mở lại tuyến tiếp vận của NATO sang Afghanistan.
Người phát ngôn NATO, Oana Lungescu nhấn mạnh Pakistan giữ "một vai trò quan trọng" trong tương lai của Afghanistan và NATO đang hợp tác chặt chẽ với Islamabad nhằm sớm mở lại tuyến tiếp vận. Trong phản ứng của mình, người phát ngôn của Đại sứ quán Pakistan tại Mỹ nói rằng "rất nhiều khả năng" Tổng thống Zardari sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh NATO.
Sự can dự của Pakistan tại hội nghị này được chờ đợi sẽ giúp nâng tầm ảnh hưởng của Islamabad đối với tương lai của nước láng giềng Afghanistan khi các lực lượng NATO dự kiến sẽ rút quân hoàn toàn vào năm 2014. Lời mời của NATO cũng đánh dấu một bước thay đổi lớn khi mà Pakistan từng tẩy chay hội nghị quốc tế gần đây nhất về Afghanistan, diễn ra tại Thụy Sĩ hồi tháng 12 năm ngoái.
Các quan hệ giữa Pakistan với Mỹ và NATO căng thẳng trong những tháng qua sau một loạt sự cố. Islamabad đã phong tỏa tuyến tiếp vận của NATO nhằm phản đối vụ không kích của Mỹ tại biên giới giáp với Afghanistan làm 24 người Pakistan thiệt mạng. Tối 15/5, Ủy ban quốc phòng của nội các Pakistan (DCC) đứng đầu là Thủ tướng Yousuf Raza Gilani đã nhóm họp thảo luận về việc mở lại tuyến tiếp vận này.
Tân Hoa xã dẫn một nguồn tin giấu tên thân cận với cuộc họp trên cho biết Pakistan "đã nhất trí trên nguyên tắc" về việc mở lại tuyến đường tiếp vận và quyết định này dự kiến sẽ được chính thức công bố tại hội nghị thượng đỉnh của NATO. Tuy nhiên, sau đó Bộ trưởng Thông tin Pakistan Qamar Zaman Kaira nói rằng "chưa có quyết định cuối cùng" và còn cần tham vấn thêm.
Trong một tuyên bố chính thức, DCC ủy quyền cho các quan chức của bộ ngành liên quan hoàn tất đàm phán về những điều kiện mới cho việc nối lại tuyến tiếp vận. Các điều kiện này cần kết hợp thành một điều khoản như Quốc hội Pakistan đề xuất, theo đó chỉ hàng hóa, trang thiết bị phi sát thương được vận chuyển qua Pakistan tới Afghanistan. Đồng thời, tuyên bố cũng nhấn mạnh giới chức quân đội Pakistan cần đàm phán các quy định mới với NATO về khu vực biên giới để bảo đảm rằng những vụ "tấn công nhầm" sẽ không tái diễn.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland ngày 15/5 xác nhận Washington và Islamabad vẫn đang đàm phán về việc mở lại tuyến tiếp vận và dù đạt được những tiến triển, một thỏa thuận cuối cùng vẫn chưa được hoàn tất./.
(TTXVN)