Hàn Quốc: Các nhà đầu tư cá nhân đặt cược lớn vào Samsung Electronics

Các nhà đầu tư nhỏ lẻ của Hàn Quốc đặt cược lớn vào “gã khổng lồ” Samsung Electronics trong năm nay, nhưng chưa thu được kết quả khả quan do giá cổ phiếu của công ty này sụt giảm thời gian gần đây.
Hàn Quốc: Các nhà đầu tư cá nhân đặt cược lớn vào Samsung Electronics ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: BBC)

Theo số liệu được công bố ngày 8/2 của Sàn giao dịch chứng khoán Hàn Quốc, các nhà đầu tư nhỏ lẻ của nước này đã đặt cược lớn vào “gã khổng lồ” công nghệ Samsung Electronics trong năm nay, nhưng chưa thu được kết quả khả quan do giá cổ phiếu của công ty này đã sụt giảm trong thời gian gần đây.

Cụ thể, các nhà đầu tư cá nhân Hàn Quốc đã mua ròng lượng cổ phiếu trị giá 13.400 tỷ won (khoảng 11,9 tỷ USD)  của nhà sản xuất chip nhớ và điện thoại thông minh hàng đầu thế giới này trong năm nay, chiếm hơn 50% trong tổng giá trị mua ròng 23.600 tỷ won cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán chính của các nhà đầu tư cá nhân.

Vì vậy, Samsung Electronics, “con cưng” của Tập đoàn Samsung, đã trở thành công ty phát hành cổ phiếu được các nhà đầu tư cá nhân trong nước mua vào nhiều nhất trong năm nay. Các nhà đầu tư cá nhân vẫn là nhóm người mua ròng cổ phiếu của Samsung Electronics đến hết tháng Một, và cổ phiếu của “ông lớn” này đã được mua vào nhiều nhất tuần thứ năm liên tiếp.

[Samsung Electronics đề nghị Mỹ giảm thuế để mở rộng hoạt động]

Dù mạnh tay đầu tư như vậy, nhưng các nhà đầu tư cá nhân đã ghi nhận lợi nhuận âm do sự sụt giảm trong giá cổ phiếu của Samsung Electronics. Cụ thể, lợi nhuận của các nhà đầu tư cá nhân từ cổ phiếu của Samsung Electronics chỉ ở mức âm 3,5% tính đến ngày 5/2, với giá mua vào trung bình ở mức 86.500 won/cổ phiếu.

Tuy nhiên, một tin vui đối với các nhà đầu tư cá nhân là nhiều công ty chứng khoán trong nước đang nâng giá mục tiêu đối với Samsung Electronics nhờ triển vọng lạc quan của ngành bán dẫn.

Giới quan sát cho rằng giá chip DRAM (Bộ nhớ truy cập ngẫu nhiên động) có thể tăng cao hơn nhiều so với dự đoán nhờ nhu cầu gia tăng trước xu hướng làm việc từ xa do dịch COVID-19 và các yếu tố tích cực khác./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục