Hàn Quốc coi việc điều trị tại nhà là yếu tố quan trọng

Thủ tướng Kim Boo-kyum lưu ý thêm rằng vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người cao tuổi và tiêm chủng đủ 2 mũi cho thanh thiếu niên.
Hàn Quốc coi việc điều trị tại nhà là yếu tố quan trọng ảnh 1Ảnh minh họa (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, phát biểu tại cuộc họp của Ủy ban Phòng chống tai nạn và quản lý an toàn trung ương ngày 8/12, Thủ tướng Hàn Quốc Kim Boo-kyum cho biết số ca nhiễm COVID-19 mới ở nước này lần đầu tiên đã vượt 7.000 ca, cho thấy tốc độ lây lan chóng mặt của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng nhấn mạnh tình trạng thiếu giường điều trị cho bệnh nhân COVID-19 nặng là "rất cấp bách." Theo đó, các cơ quan chức năng cần tích cực phối hợp với ngành y tế để bổ sung thêm giường bệnh tại khu vực thủ đô Seoul và vùng phụ cận (tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon), nơi hiện chiếm 80% số ca nhiễm mới trên cả nước.

Chính phủ sẽ tập trung cải thiện hệ thống y tế, tập trung vào bệnh nhân điều trị tại nhà đồng thời rút ngắn thời gian quản lý người cách ly cùng một nhà với bệnh nhân từ 10 ngày xuống còn 7 ngày, giảm thiểu bất tiện và gánh nặng cho bệnh nhân điều trị tại nhà bằng cách như hỗ trợ sinh hoạt bổ sung dựa theo số lượng thành viên gia đình.

Thủ tướng Kim Boo-kyum lưu ý thêm rằng vấn đề cấp bách hiện nay là cần nhanh chóng đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine mũi thứ 3 cho người cao tuổi và tiêm chủng đủ 2 mũi cho thanh thiếu niên (từ 12-17 tuổi) vì thực tế cho thấy số ca nhiễm mới là người trên 60 tuổi chiếm 35% và 84% bệnh nhân COVID-19 nặng cũng là những người trên 60 tuổi.

Ngoài ra, các cơ quan y tế Hàn Quốc sẽ củng cố hệ thống điều trị tại nhà bằng cách mở rộng nhân sự hỗ trợ hành chính ở từng thành phố, quận, huyện cũng như mở rộng cơ sở y tế quản lý bệnh nhân điều trị tại nhà từ cấp bệnh viện đến các trung tâm y tế.

Nhằm giảm bớt lo lắng của bệnh nhân trong quá trình điều trị, cơ quan y tế Hàn Quốc cũng có kế hoạch tăng cường hệ thống vận chuyển cấp cứu, bổ sung triệt để các dịch vụ y tế như: hệ thống điều trị ngắn hạn, điều trị ngoại trú và hỗ trợ tư vấn về sức khỏe tinh thần... Bên cạnh đó, kể từ đầu năm 2022 tới, những bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà có nguy cơ chuyển biến nặng sẽ được kê đơn thuốc điều trị dạng uống.

Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng bày tỏ chia sẻ với những bất tiện mà các bệnh nhân COVID-19 và các thành viên gia đình gặp phải khi thực hiện điều trị tại nhà, đồng thời mong muốn rằng người nhà bệnh nhân sẽ hiểu và hỗ trợ việc thiết lập hệ thống điều trị tại nhà an toàn nhằm góp phần giảm bớt một phần gánh nặng cho hệ thống y tế.

[Số ca mắc COVID-19 tại Hàn Quốc lần đầu vượt mức 7.000 ca một ngày]

Trong bối cảnh biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có nguy cơ tiếp tục lây lan rộng trong cộng đồng, Thủ tướng Kim Boo-kyum cũng yêu cầu các cơ quan, ban, ngành từ trung ương đến địa phương cần tích cực hợp tác với các cơ sở y tế để đẩy mạnh triển khai các chương trình điều trị tại nhà.

Số liệu thống kê của Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho thấy hiện có tổng cộng 17.362 bệnh nhân COVID-19 đang điều trị tại nhà trong khi vẫn còn 860 người tại thủ đô Seoul và vùng phụ cận đã chờ hơn một ngày để có giường điều trị.

Tính đến 17h ngày 7/12, công suất giường bệnh dành cho bệnh nhân COVID-19 nhẹ tại thủ đô Seoul là 88,6%, thành phố Incheon là 91,1% và tỉnh Gyeonggi là 78,9%.

Số liệu cũng cho thấy đã có 988/1.255 giường điều trị tích cực trên cả nước đang được sử dụng, tương đương 78,7%. Công suất sử dụng giường tại bệnh viện chuyên điều trị bệnh truyền nhiễm trên toàn quốc là 70,9%, còn trống 3.470/11.947 giường. Tỷ lệ vận hành giường bệnh tại trung tâm điều trị dành cho bệnh nhân nhẹ là 66,8%.

Theo thống kê của một bệnh viện tại thủ đô Seoul, trong số 298 bệnh nhân COVID-19 do bệnh viện này phụ trách chữa trị tại nhà có 93% (278 ca) đã khỏi bệnh và chỉ có 6,7% (20 ca) phải di chuyển đến bệnh viện để điều trị do sau 3 ngày không thuyên giảm, với các triệu chứng chủ yếu vẫn là viêm họng, ho và sốt; chỉ có duy nhất 1 trường hợp lây chéo trong gia đình (giữa mẹ và con).

Hiện tất cả các bệnh viện ở Hàn Quốc đều thực hiện nhiệm vụ chữa trị cho bệnh nhân COVID-19 và mỗi bệnh viện cũng có Trung tâm quản lý chữa bệnh tại nhà. Các trung tâm này luôn có nhân viên, chuyên gia y tế thường trực 24/7, thực hiện tư vấn bằng điện thoại, bằng video trực tuyến và luôn sẵn sàng điều động nhân lực tham gia cấp cứu bệnh nhân mọi lúc.

Phát biểu với báo giới mới đây, quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Park Hyang đã nhấn mạnh rằng thành công của kế hoạch "Sống chung với COVID-19" mà Hàn Quốc đang triển khai phụ thuộc vào chương trình điều trị tại nhà. Ông nói thêm: "Để có thể trở lại bình thường, yếu tố quan trọng nhất là cho phép nhiều bệnh nhân được tự chăm sóc và điều trị tại nhà"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục