Hàn Quốc: Đảng đối lập trì hoãn thông qua dự luật chống khủng bố

Đảng đối lập chính “Dân chủ đồng hành” (Minjoo) ở Hàn Quốc đã khởi động chiến dịch nhằm trì hoãn việc thông qua dự luật chống khủng bố được đệ trình từ nhiều năm qua.
Hàn Quốc: Đảng đối lập trì hoãn thông qua dự luật chống khủng bố ảnh 1Trụ sở Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc. (Nguồn: businesskorea.co.kr)

Theo hãng tin Yonhap, trong phiên họp toàn thể ngày 23/2 tại quốc hội, đảng đối lập chính “Dân chủ đồng hành” (Minjoo) đã khởi động chiến dịch nhằm trì hoãn việc thông qua dự luật chống khủng bố được đệ trình từ nhiều năm qua.

Sau khi Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Chung Ui-hwa sử dụng quyền lực của mình quyết định đưa dự luật trên ra biểu quyết, bất chấp sự phản đối của phe đối lập, 108 nghị sỹ của đảng Minjoo đã cùng nhất trí đệ trình một bản kiến nghị nhằm kéo dài vô thời hạn thời gian thảo luận thay vì tiến hành biểu quyết thông qua.

Theo Luật Quốc hội sửa đổi của Hàn Quốc ban hành vào tháng 5/2012, nếu có trên 1/3 số nghị sỹ tại quốc hội nhất trí yêu cầu tiến hành thảo luận thêm về một dự luật đã được đệ trình thì Chủ tịch Quốc hội buộc phải tiến hành thảo luận vô thời hạn về dự luật đó.

Tuy nhiên, việc thảo luận này chỉ có hiệu lực trong kỳ họp hiện hành và sẽ tự động được đưa ra biểu quyết vào kỳ họp kế tiếp của quốc hội.

Kỳ họp lần này của quốc hội Hàn Quốc sẽ kết thúc vào ngày 11/3 tới.

Tại Hàn Quốc, dự luật trên được đệ trình lên quốc hội lần đầu tiên vào năm 2001 sau khi xảy ra vụ tấn công khủng bố 11/9 nhằm vào nước Mỹ và đã qua nhiều lần sửa đổi song luôn bị trì hoãn thông qua.

Theo dự thảo, một trung tâm chống khủng bố sẽ được thiết lập trực thuộc Văn phòng Thủ tướng nhưng Cơ quan Tình báo quốc gia Hàn Quốc (NIS) sẽ có thêm nhiều quyền hạn trong việc thu thập các thông tin có liên quan đến các đối tượng bị tình nghi là khủng bố cũng như các cuộc tấn công khủng bố.

Sau khi xảy ra vụ khủng bố đẫm máu tại Paris (Pháp) hồi cuối năm ngoái, dự luật này một lần nữa được Quốc hội Hàn Quốc đưa ra để biểu quyết song tiếp tục vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phe đối lập do lo ngại sẽ tăng thêm quyền cho NIS và có thể bị lạm dụng để xâm hại các quyền cơ bản của công dân.

Tổng thống và đảng cầm quyền Thế giới mới, vốn chiếm đa số ghế trong quốc hội, đề nghị Chủ tịch Quốc hội đưa dự luật ra biểu quyết với lý do nhằm bảo vệ an toàn tốt hơn cho người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục