Hàn Quốc: Số mắc mới tăng nhanh, giường chăm sóc đặc biệt gần hết

Hàn Quốc: Giường chăm sóc đặc biệt gần hết do số mắc mới tăng nhanh

Trả lời phỏng vấn, người phát ngôn Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Son Young-rae cho biết nhu cầu điều trị của các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện "đang tăng nhanh hơn so với dự đoán trước đây."
Hàn Quốc: Giường chăm sóc đặc biệt gần hết do số mắc mới tăng nhanh ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 22/11 cho biết tình trạng bùng phát COVID-19 ở nước này đã chuyển từ "nguy cơ thấp" sang "nguy cơ cao" trong 3 tuần đầu của tháng 11.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Giám đốc KDCA Jeong Eun-kyeong nhấn mạnh "các giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện ở khu vực thủ đô Seoul đã gần hết" trong khi các chỉ số khác đang có chiều hướng tồi tệ hơn trên khắp Hàn Quốc.

Theo đó, Chính phủ Hàn Quốc sẽ xem xét tái áp đặt một số biện pháp giãn cách xã hội đã gỡ bỏ từ ngày 1/11 vừa qua sau khi tham khảo ý kiến các bộ ngành liên quan. 

Trả lời phỏng vấn của báo giới, người phát ngôn Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc Son Young-rae cho biết nhu cầu điều trị của các bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện "đang tăng nhanh hơn so với dự đoán trước đây."

Số liệu thống kê cho thấy tính đến nửa đêm 21/11 vừa qua, trên cả nước có tới 907 người đã phải chờ hơn 1 ngày để được nhập viện và 137 người trong số đó phải chờ tới 4 ngày hoặc lâu hơn. 

Theo người phát ngôn Son Young-rae, các bước đang được thực hiện để cắt giảm thời gian nằm viện của bệnh nhân COVID-19 và tối đa hóa số giường bệnh.

[Tình hình dịch COVID-19 sáng 21/11: Hơn 232.3 triệu ca khỏi bệnh]

Các bệnh viện sẽ được yêu cầu đánh giá "mức độ phù hợp" đối với những bệnh nhân cần chăm sóc đặc biệt và chuyển một số bệnh nhân sang khu vực chăm sóc ít cấp tính hơn hoặc cho họ xuất viện để hồi phục tại nhà. 

Ông Park Hyang, một quan chức cấp cao của Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc, cho rằng thành công của kế hoạch "Sống chung với COVID-19" mà Hàn Quốc đang triển khai "phụ thuộc chủ yếu vào chương trình điều trị tại nhà."

Theo quan chức này, để có thể trở lại bình thường, yếu tố quan trọng nhất là cho phép nhiều bệnh nhân được tự chăm sóc và điều trị tại nhà.

Hiện Hàn Quốc đang cho phép các bệnh nhân COVID-19 dưới 70 tuổi có triệu chứng nhẹ hoặc không có triệu chứng tại thời điểm chẩn đoán được tự điều trị tại nhà.

Kể từ thời điểm Hàn Quốc nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội, số lượng người nhập viện và tử vong được coi là yếu tố để đánh giá mức độ nghiêm trọng của đại dịch COVID-19, khác với trước đây đánh giá mức độ đại dịch theo số ca nhiễm mới./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục