Hàn Quốc hỗ trợ tiền mặt khẩn cấp cho các gia đình đối phó COVID-19

Tổng thống Moon Jae-in cho biết các khoản hỗ trợ tiền mặt sẽ được thực hiện đối với tất cả các hộ gia đình ngoại trừ những người thuộc nhóm 30% có thu nhập cao nhất.
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới một bệnh viện ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)
Nhân viên y tế chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới một bệnh viện ở thành phố Daegu, Hàn Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo Reuters, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 30/3 cho biết chính phủ sẽ hỗ trợ khoản trợ cấp khẩn cấp bằng tiền mặt cho nhiều gia đình và phác thảo một gói ngân sách bổ sung thứ hai để sớm giảm bớt tác động kinh tế từ dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Các khoản hỗ trợ tiền mặt này sẽ được thực hiện đối với tất cả các hộ gia đình ngoại trừ những người thuộc nhóm 30% có thu nhập cao nhất.

Tổng thống Moon Jae-in cho biết gói ngân sách bổ sung này sẽ được Quốc hội phê chuẩn vào tháng Tư tới.

Các nguồn tin Chính phủ Nhật Bản ngày 30/3 cho biết nước này có kế hoạch mở rộng áp dụng cấm nhập cảnh đối với người nước ngoài đến từ Mỹ và hầu hết các nước châu Âu, cũng như các khu vực còn lại của Trung Quốc và Hàn Quốc, nhằm ngăn chặn dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 lây lan.

Trước đó, Nhật Bản đã áp dụng cấm nhập cảnh đối với những người đến từ một số khu vực ở Trung Quốc và Hàn Quốc như tỉnh Hồ Bắc và thành phố Daegu, cũng như hơn 20 quốc gia châu Âu. Trong khi đó, báo Asahi của Nhật Bản đưa tin nước này có thể cũng cấm đi và đến từ một số quốc gia ở khu vực Đông Nam Á và châu Phi.

Cùng ngày, tập đoàn sản xuất ôtô Toyota cho biết hãng này sẽ tạm thời ngừng hoạt động tất cả các nhà máy ở châu Âu và Nga. Nhà máy ở Nga sẽ ngừng sản xuất trong năm ngày, từ ngày 30/3, trong khi các nhà máy tại sáu quốc gia châu Âu khác, bao gồm Anh và Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ ngừng hoạt động ít nhất đến ngày 19/4.

Toyota đã đình chỉ hoạt động sản xuất tại các nhà máy ở Mỹ, Mexico và Canada đến ngày 17/4 và sẽ ngừng một số nhà máy tại Nhật Bản từ ngày 3/4 tới do nhu cầu giảm. Trong khi đó, bốn nhà máy của hãng ở Trung Quốc đang trở lại hoạt động bình thường.

[Hàn Quốc lần đầu có hơn 5.000 ca bình phục, cách ly người nhập cảnh]

Tại Nepal, chính phủ nước này ngày 29/3 đã quyết định kéo dài lệnh phong tỏa thêm tám ngày, đến ngày 7/4 tới, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 vẫn đang có chiều hướng gia tăng.

Nepal đã ban bố lệnh phong tỏa từ ngày 24/3 sau khi ghi nhận ca thứ hai mắc COVID-19, theo đó người dân không được ra khỏi nhà trừ khi đi mua thực phẩm và thuốc men. Tất cả các phương tiện giao thông cá nhân hay công cộng đều không được lưu thông trên đường, trừ các xe dành cho nhân viên y tế, an ninh và các xe được cấp phép mới có thể ra đường.

Nepal hiện đã ghi nhận năm ca mắc COVID-19. Theo Bộ Y tế Nepal, nước này đã tiến hành xét nghiệm 917 trường hợp trong đó 912 ca âm tính với virus SARS-CoV-2.

Cũng trong ngày 29/3, sân bay quốc tế Yangon của Myanmar thông báo nhà chức trách nước này tạm thời cấm tất cả các chuyến bay chở khách quốc tế hạ cánh xuống các sân bay ở Myanmar từ ngày 30/3-13/4 nhằm ngăn chặn dịch COVID-19 lây lan. Những chuyến bay được cấp phép hạ cánh trước đó cũng tạm thời bị đình chỉ.

Tuy nhiên, lệnh cấm này không áp dụng đối với các chuyến bay cứu trợ, chở hàng hay sơ tán y tế và các chuyến bay đặc biệt được Bộ Hàng không dân dụng cấp phép.

Bộ Ngoại giao Myanmar cũng thông báo tạm thời ngừng cấp tất cả các loại thị thực cho người nước ngoài đến từ những quốc gia có dịch từ ngày 29/3 đến 30/4.

Tại Australia, các bang đông dân nhất nước này ra quy định hạn chế tập trung quá hai người nơi công cộng. Quy định này sẽ có hiệu lực từ đêm 30/3. Đây là một trong số những biện pháp mới nhất mà nhà chức trách Australia thực hiện nhằm làm giảm tốc độ lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở nước này.

Đến nay Ausrralia đã ghi nhận hơn 4.000 người mắc COVId-19. Trong đó, bang New South Wales, nơi ghi nhận số ca mắc cao nhất ở Australia với 1.918 người, quy định người dân ở trong nhà, trừ các trường hợp đặc biệt mới được ra khỏi nhà.

Bang Victoria, nơi có số ca nhiễm bệnh cao thứ hai với 821 người, quy định phạt 1.600 AUD (984 USD) đối với các trường hợp vi phạm lệnh không tụ tập quá hai người, trừ các thành viên trong một gia đình. Bang Tasmania, nơi vừa xác nhận ca tử vong đầu tiên do COVID-19, cũng áp đặt quy định không tụ tập quá hai người từ đêm 30/3./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục