Hàn Quốc khép lại vụ bê bối Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2

Hàn Quốc đã quyết định miễn tội danh cho hai cựu quan chức Phủ Tổng thống nước này từng bị cáo buộc đã tiến hành tiêu hủy các biên bản liên quan đến nội dung cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần hai.
Hàn Quốc khép lại vụ bê bối Hội nghị thượng đỉnh liên Triều lần 2 ảnh 1Ông Baek Jong-cheon và ông Cho Myoung-gyun. (Ảnh: Yonhap)

Ngày 6/2, Hàn Quốc đã quyết định miễn tội danh cho hai cựu quan chức Phủ Tổng thống nước này từng bị cáo buộc đã tiến hành tiêu hủy các biên bản liên quan đến nội dung cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần hai vào năm 2007, trong đó phe bảo thủ tố cáo cố Tổng thống Roh Moo-hyun đã đồng ý xem xét lại đường biên giới trên biển Hoàng Hải giữa hai miền Triều Tiên.

Theo cáo buộc trước đó, ông Baek Jong-cheon và ông Cho Myoung-gyun, hai cựu quan chức làm việc tại Phủ Tổng thống dưới thời chính quyền cố Tổng thống Roh Moo-hyun đã tiêu hủy các bản thảo trên hệ thống máy tính của Phủ Tổng thống (được gọi là hệ thống E-Jiwon) vào năm 2008.

Hai người này cũng bị buộc tội đã không chuyển giao các biên bản đã được chỉnh sửa cho Cơ quan lưu trữ quốc gia Hàn Quốc theo lệnh của người đứng đầu Văn phòng Phủ Tổng thống.

Các hành động trên được cho là nhằm cố tình che đậy những gì cố Tổng thống Roh Moo-hyun thực sự đã nói tại cuộc gặp thượng đỉnh với cố Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Il tại thủ đô Bình Nhưỡng vào tháng 10/2007. Cơ quan công tố cũng đã đề nghị mức án hai năm tù giam cho cả hai cựu quan chức nói trên.

Tuy nhiên, trong phiên xét xử ngày 6/2, Tòa án quận trung tâm Seoul đã bãi bỏ những cáo buộc nói trên vì cho rằng các bản thảo không được coi là tài liệu chính thức của Tổng thống và vì vậy nó không phải là đối tượng chịu sự điều chỉnh của các quy định liên quan đến việc quản lý hồ sơ của Tổng thống.

Trong phán quyết tại tòa, thẩm phán Lee Dong-geun nói: “Cố Tổng thống Roh Moo-hyun đã không thông qua bản thảo đồng thời chỉ thị họ xem xét lại và chỉnh sửa một số nội dung, điều đó có nghĩa rằng bản thảo trên không bao giờ trở thành một tài liệu chính thức của Tổng thống.”

Tòa án cũng cho biết việc tiêu hủy các bản thảo cũng đã được dự kiến vào thời điểm đó và vì vậy hai người trên không vi phạm các quy định pháp luật về hồ sơ điện tử công cộng.

“Do các bản dự thảo sẽ không bao giờ được sử dụng độc lập với bản chính thức nên việc tiêu hủy chúng là hợp pháp và nếu không làm như vậy thì thậm chí có thể còn gây ra những sự nhầm lẫn,” thẩm phán Lee Dong-geun cho biết.

Các nhà quan sát cho rằng, cùng với việc không thể tìm thấy phiên bản cuối cùng (bản chính thức) của biên bản trên, phán quyết trên của tòa án Seoul lần này sẽ giúp khép lại những tranh cãi dai dẳng giữa các phe phái xung quanh những gì mà cố Tổng thống Roh Moo-hyun thực sự đã nói tại cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần hai.

Vụ bê bối trên nổ ra khi một nghị sỹ thuộc phe bảo thủ tại Hàn Quốc bị cáo buộc đã đọc một số nội dung trong bản dự thảo nói trên tại chiến dịch tranh cử tại thành phố cảng Busan, ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào năm 2012.

Nghị sỹ này tuyên bố rằng cố Tổng thống Roh Moo-hyun đã đề nghị bỏ đường Ranh giới phía Bắc (được coi là đường biên giới trên biển giữa hai miền Triều Tiên, gọi tắt là NLL) trong cuộc hội đàm thượng đỉnh với cố Chủ tịch Triều tiên Kim Jong-il và làm bùng phát các cuộc tranh cãi khốc liệt giữa các phe phái xung quanh những gì cố Tổng thống Roh Moo-hyun thực sự đã phát biểu.

Được bộ chỉ huy các lực lượng của Liên hợp quốc do Mỹ đứng đầu xác lập khi kết thúc cuộc chiến tranh Triều Tiên 1950-1953, NLL được coi là đường biên giới biển trên thực tế giữa hai miền Triều Tiên. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng không công nhận tính hợp pháp của NLL vì cho rằng nó nằm sâu hơn vào phần lãnh thổ của Triều Tiên so với đường biên giới trên biển mà nước này tuyên bố. Do đó việc xem xét lại NLL (nếu xảy ra) cũng đồng nghĩa với việc Triều Tiên sẽ có chủ quyền lớn hơn trên biển Hoàng Hải.

Khu vực xung quanh đường NLL cũng là nơi đã từng xảy ra một số cuộc đụng độ đẫm máu giữa hai miền Triều Tiên vào các năm 1999, 2000 và 2002. Lần gần nhất vào tháng 11/2010, Triều Tiên đã pháo kích vào đảo tiền tiêu Yeongpyong của Hàn Quốc khiến bốn người thiệt mạng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục