Hàn Quốc "lấy làm tiếc" về kế hoạch tái triển khai quân của Triều Tiên

Bộ Thống nhất Hàn Quốc bày tỏ "lấy làm tiếc sâu sắc" về việc Triều Tiên lên kế hoạch đưa binh lính tới các khu vực kinh doanh liên Triều gần biên giới đã được giải giáp theo các thỏa thuận trước đó.
Trạm gác của Triều Tiên (phía trên) nhìn từ thành phố biên giới Paju (Hàn Quốc) ngày 16/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Trạm gác của Triều Tiên (phía trên) nhìn từ thành phố biên giới Paju (Hàn Quốc) ngày 16/6. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Yonhap đưa tin, Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 17/6 đã bày tỏ "lấy làm tiếc sâu sắc" về việc Triều Tiên lên kế hoạch đưa binh lính tới các khu vực kinh doanh liên Triều gần biên giới đã được giải giáp theo các thỏa thuận liên Triều trước đó, đồng thời kêu gọi Bình Nhưỡng tránh làm leo thang căng thẳng.

Phát biểu họp báo, Thứ trưởng Bộ Thống nhất Hàn Quốc Suh Ho nhấn mạnh: "Chúng tôi bày tỏ lấy làm tiếc sâu sắc về thông báo của người phát ngôn Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên về việc biến khu du lịch Núi Kumgang và Khu công nghiệp chung Kaesong thành các khu quân sự."

Ông Suh nói thêm rằng: "Thông báo hôm nay của Triều Tiên là hành động quay ngược thời gian trước Tuyên bố chung ngày 15/6/2000 và cho thấy sự vi phạm rõ ràng về quyền sở hữu tài sản của nhân dân chúng tôi," đề cập đến thỏa thuận thượng đỉnh liên Triều đầu tiên.

[Triều Tiên tái triển khai quân đội tại thành phố Kaesong, núi Kumgang]

Theo đó, quan chức này nhấn mạnh: "Triều Tiên sẽ phải chịu trách nhiệm cho việc này và chúng tôi kêu gọi Bình Nhưỡng đừng làm xấu thêm tình hình."

Trước đó, ngày 17/6, Triều Tiên tuyên bố sẽ tái triển khai quân đội tại các khu vực biên giới của thành phố Kaesong và Núi Kumgang, vốn được giải giáp trước đó theo các thỏa thuận liên Triều.

Đây là hành động mới nhất nhằm vào Hàn Quốc sau vụ rải truyền đơn chống Bình Nhưỡng tại khu vực biên giới chung giữa hai miền.

Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Triều Tiên cho biết Bình Nhưỡng cũng sẽ nối lại “mọi hình thức diễn tập quân sự thường xuyên” gần biên giới liên Triều - một động thái rõ ràng nhằm hủy bỏ thỏa thuận giảm căng thẳng được hai miền Triều Tiên ký kết vào năm 2018./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục