Hàn Quốc loạn quảng cáo đồ chống cúm H1N1

Tại Hàn Quốc, bất chấp cảnh báo của cơ quan chức năng, nhiều công ty vẫn bán các sản phẩm liên quan đến phòng cúm H1N1.
Bất chấp các cảnh báo của cơ quan chức năng, nhiều công ty, thậm chí cả các bệnh viện vẫn tập trung vào việc tìm kiếm lợi nhuận cao thông qua việc đầu cơ, tích trữ và bán các sản phẩm liên quan đến phòng chống cúm A/H1N1 như khẩu trang phẫu thuật, khẩu trang thông thường, nước vệ sinh tay, thực phẩm tăng cường hệ miễn dịch và hàng loạt các sản phẩm liên quan đến dịch cúm khác.

Cho dù Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDI) đã ra quy định cấm các công ty, bệnh viện quảng cáo sai về chức năng của các sản phẩm, dịch vụ mà họ cung cấp, song xem ra cuộc chiến trên lĩnh vực đang nóng bỏng này còn lắm gian nan.

Kể từ khi dịch cúm A/H1N1 bùng phát tại Hàn Quốc, mặt nạ và nước vệ sinh tay diệt khuẩn bỗng chốc lọt vào tốp các mặt hàng bán chạy và chiếm một lượng đáng kể trong giao dịch mua bán trên mạng Internet.

Theo quy định của cơ quan chức năng Hàn Quốc, chỉ những loại khẩu trang và các loại túi bịt mặt có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn KF94 của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) mới được phép quảng cáo là có tác dụng phòng ngừa sự lây nhiễm dịch bệnh.

Còn các loại mặt nạ thông thường, không có màng chống khuẩn, cho dù cũng có tác dụng ít nhiều giảm bớt sự lây truyền dịch bệnh nhưng không có tác dụng phòng ngừa lây nhiễm không được phép quảng cáo.

Quy định là vậy nhưng dường như những điều này không có tác dụng với không gian giao dịch mạng và các nhà sản xuất thì tùy ý khua môi múa mép rằng các sản phẩm của họ, cho dù chỉ được dệt bằng vài thông thường, cũng được "bốc" lên là "khẩu trang chống cúm A".

Người tiêu dùng cũng được cảnh báo với việc mua các sản phẩm vệ sinh tay khi mà nhiều công ty tùy tiện gọi sản phẩm nước rửa tay thông thường thành sản phẩm nước vệ sinh tay diệt khuẩn. Nước rửa tay thông thường có thành phần chính là xà phòng và được liệt vào danh mục hóa mỹ phẩm, không phải dược phẩm.

Luật của Hàn Quốc cấm các công ty sản xuất nước rửa tay thông thường quảng bá sản phẩm của mình thành nước rửa vệ sinh tay có chức năng diệt khuẩn.

Theo một quan chức của KFDI, mặc dù xà phòng cũng có tác dụng loại trừ vi khuẩn nhưng không có tác dụng chống virus. Với nhu cầu tăng đột biến, nhiều công ty cố tình lập lờ trong quảng bá sản phẩm nước rửa tay thông thường thành nước vệ sinh tay chống khuẩn.

Cũng không nằm ngoài xu hướng này, nhiều bệnh viện cũng tìm cách kiếm tiền của bệnh nhân khi chỉ định bệnh nhân thực hiện các xét nghiệm kháng nguyên (antigen test) nhằm xác định xem có nhiễm virus H1N1 hay không..../.

Khánh Vân/Seoul (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục