Hàn Quốc muốn phát triển vũ khí hạt nhân: Vấn đề ngày càng nóng

Tại Hàn Quốc, cuộc thảo luận về phát triển vũ khí hạt nhân đang ngày càng mở rộng. Từng là một lĩnh vực ngoài lề, giờ đây, vấn đề này ngày càng được bàn tán nhiều hơn.
Hàn Quốc muốn phát triển vũ khí hạt nhân: Vấn đề ngày càng nóng ảnh 1(Ảnh: Yonhap/TTXVN)(Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Theo trang mạng 19fortyfive.com, tại Hàn Quốc, cuộc thảo luận về phát triển vũ khí hạt nhân đang ngày càng mở rộng. Từng là một lĩnh vực ngoài lề, giờ đây, vấn đề này ngày càng được bàn tán nhiều hơn.

Tại hội nghị các nhà lãnh đạo châu Á vừa diễn ra ở Seoul, các cuộc thảo luận về việc Hàn Quốc nên phát triển năng lực hạt nhân đã lan rộng chưa từng có. Nếu Triều Tiên thực hiện thêm một vụ thử vũ khí hạt nhân trong năm nay, cuộc tranh luận sẽ lại thay đổi.

Nhận thức về việc sở hữu vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc đang dần chuyển sang cánh hữu. Các quan chức Mỹ, vốn phản đối việc Hàn Quốc phát triển hạt nhân, sẽ cần xem xét các cuộc thảo luận nêu trên trước khi khẳng định rằng Seoul không làm điều này bất chấp lợi ích của công chúng.

Liên minh Hàn-Mỹ

Mỹ là đồng minh hiệp ước duy nhất của Hàn Quốc. Mặc dù Hàn Quốc có nhiều đối tác dân chủ, nhưng quan hệ của Hàn Quốc với Nhật Bản - một nền dân chủ lớn khác ở khu vực lân cận - lại không được tốt.

Liên minh châu Âu (EU) thì ở rất xa. Do đó, Hàn-Mỹ trở thành một mối quan hệ đặc biệt. Sự gần gũi về mặt địa lý của Hàn Quốc với các chế độ chuyên quyền như Trung Quốc và Triều Tiên đồng nghĩa với việc liên minh Hàn-Mỹ đóng một vai trò quan trọng đối với an ninh của nước này. Điều đó đã mang lại cho Mỹ một đòn bẩy đáng kể đối với chính sách đối ngoại của Hàn Quốc.

Vào những năm 1970, Mỹ đã sử dụng đòn bẩy này để ngăn cản ý đồ phát triển vũ khí hạt nhân của Hàn Quốc. Khi đó, Hàn Quốc đang ở dưới thời nhà độc tài Park Chung-hee.

[Hàn Quốc nêu khả năng Triều Tiên thử hạt nhân trong tuần này]

Park lo ngại rằng Hàn Quốc thua kém Triều Tiên, và Mỹ có thể rút khỏi Đông Á sau khi đầu hàng trong Chiến tranh Việt Nam vào đầu thập niên 1970. Trên thực tế, Tổng thống Jimmy Carter đã cố gắng rút các lực lượng của Mỹ khỏi Hàn Quốc vào cuối những năm 1970.

Carter coi trọng và tìm cách thúc đẩy nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Mỹ, trong khi Park thiết lập một bộ máy cảnh sát chuyên đàn áp người dân.

Nỗ lực của Carter đã bị Quốc hội và chính phủ quan liêu phản đối. Tuy nhiên, chính quyền của Tổng thống Gerald Ford đã buộc Park phải từ bỏ tham vọng hạt nhân. Bằng cách này, Mỹ đã buộc Hàn Quốc ký kết Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). NPT yêu cầu các nước thành viên không phát triển vũ khí hạt nhân.

Triều Tiên cũng từng là thành viên của NPT từ năm 1985-2003. Trong suốt thời gian Hàn Quốc không có vũ khí hạt nhân, việc nước này yêu cầu Mỹ cho phép tự phát triển vũ khí hạt nhân đều bị phớt lờ.

Tại sao lại là lúc này?

Sự lạnh nhạt đó dường như đang thay đổi. Năm nay, theo các cuộc thăm dò và tranh luận của giới học giả, vấn đề này ngày càng trở nên nổi bật, cùng với đó là việc dư luận sẵn sàng thách thức sự tham gia của Hàn Quốc trong NPT.

Theo cuộc thăm dò, có 64% người dân Hàn Quốc ủng hộ việc nước này tự phát triển hạt nhân ngay cả khi phải rời khỏi NPT.

Đến nay, các luận điểm cốt lõi ủng hộ Seoul tự phát triển hạt nhân đã khá rõ ràng. Có 2 tác động chính mà Mỹ khó có thể bỏ qua:

Thứ nhất, kể từ năm 2017, Triều Tiên đã có khả năng tấn công đất liền Mỹ bằng một tên lửa hạt nhân. Điều này có nghĩa nếu Mỹ can thiệp, Triều Tiên có thể tấn công Mỹ bằng một vũ khí hạt nhân. Do đó, Mỹ sẽ ngần ngại trong việc hỗ trợ trực tiếp cho Hàn Quốc theo yêu cầu của hiệp ước. Uy tín trong cam kết là một vấn đề thường trực trong các quan hệ đồng minh.

Trong Chiến tranh Lạnh, Pháp và Anh đã hoài nghi về việc Mỹ sẽ thay họ tham gia một cuộc chiến tranh hạt nhân (chống Liên Xô) nên họ đã tự chế tạo các tên lửa hạt nhân. Hàn Quốc (và Nhật Bản) đang ngày càng rơi vào một tình thế tương tự trước các vũ khí hạt nhân của Trung Quốc và đặc biệt là Triều Tiên.

Thứ hai, Donal Trump có thể trở lại làm tổng thống Mỹ vào năm 2025. Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông tỏ ra lạnh nhạt với các đồng minh của Mỹ, đặc biệt là Hàn Quốc. Trump đã đe dọa sẽ rút các lực lượng Mỹ khỏi Hàn Quốc nếu tái đắc cử. Điều này gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy Hàn Quốc phát triển hạt nhân ngay lập tức.

Hai mối đe dọa kể trên đối với việc phát triển hạt nhân đã tồn tại trong nhiều năm, do đó vẫn chưa rõ vì sao việc phát triển hạt nhân bỗng trở thành một vấn đề nóng ở Hàn Quốc trong năm nay. Khả năng cao có lẽ là do cuộc xâm lược Ukraine của Nga.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã rất thành công trong việc đe dọa leo thang hạt nhân để hạn chế sự can dự của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) vào cuộc xung đột Nga-Ukraine. Hàn Quốc lo ngại các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên có thể dẫn đến điều tương tự.

Các lựa chọn

Câu trả lời rõ ràng nhất đối với vấn đề này là Hàn Quốc tự phát triển một kho vũ khí hạt nhân nhỏ để trực tiếp răn đe Triều Tiên. Tuy nhiên, đây sẽ là một bước đi có nhiều kịch tính. Sẽ có sự phản đối từ Mỹ và Trung Quốc.

Các lựa chọn khác bao gồm “chia sẻ hạt nhân” với Mỹ, giới thiệu lại các loại vũ khí hạt nhân chiến thuật của Mỹ hoặc cũng có thể Hàn Quốc sẽ chỉ phát triển các loại vũ khí chiến thuật.

Hiện tại, Mỹ kiên quyết phản đối và các quan chức Hàn Quốc không công khai ủng hộ lựa chọn này. Cuộc thảo luận chỉ giới hạn ở những “tiếng nói hàng thứ 2” - các học giả, nhà nghiên cứu và các cựu quan chức quân đội. Tuy nhiên, đó cũng là nơi mà những ý tưởng mới thường xuất hiện trước khi thâm nhập vào bộ máy quan liêu.

Nếu Triều Tiên tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân, dư luận Hàn Quốc có thể sẽ lại chuyển sang cánh hữu và cuộc tranh luận về phát triển hạt nhân sẽ lại trở nên phổ biến.

Do Triều Tiên không có ý định dừng chương trình hạt nhân của họ nên điều này sớm muộn cũng sẽ xảy ra. Các quan chức Mỹ nên bắt đầu xem xét cách phản ứng với cuộc tranh luận này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục