Hàn Quốc: Nạn nhân lao động cưỡng bức đòi thu tài sản của công ty Nhật

Đại diện các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động tại Nhật Bản trong Thế chiến II đã đệ đơn kiện, yêu cầu tịch thu một phần tài sản của tập đoàn sản xuất thép Nippon Steel & Sumitomo Metal.
Hàn Quốc: Nạn nhân lao động cưỡng bức đòi thu tài sản của công ty Nhật ảnh 1Logo của Nippon Steel & Sumitomo Metal. (Nguồn: Reuters)

Theo hãng tin Yonhap, đại diện các nạn nhân Hàn Quốc bị cưỡng bức lao động tại Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai đã đệ đơn kiện, yêu cầu tịch thu một phần tài sản của tập đoàn sản xuất thép Nippon Steel & Sumitomo Metal (NSSM) của Nhật Bản do công ty này chưa thực hiện bồi thường cho họ theo phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc.

Một nhóm luật sư đại diện cho 4 nạn nhân và gia đình họ mới đây đề nghị một tòa án tại Seoul tịch thu số cổ phần của NSSM trong PNR - công ty liên doanh với tập đoàn sản xuất thép hàng đầu của Hàn Quốc POSCO.

Hiện NSSM nắm giữ khoảng 30% cổ phần trong công ty PNR có trụ sở tại Hàn Quốc, với trị giá ước khoảng 11 tỷ won (9,8 triệu USD).

[Hàn Quốc: Người dân đòi tiền bồi thường lao động thời chiến]

Chưa rõ yêu cầu tịch thu tài sản nói trên có được tòa án ở Seoul chấp thuận hay không.

Trước đó, nhóm luật sư đã đến trụ sở của NSSM tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản để trao văn bản đề nghị tập đoàn này công bố chi tiết việc thực hiện phán quyết của Tòa án tối cao Hàn Quốc. Hạn chót để NSSM hồi đáp là ngày 24/12/2018, song đến nay lãnh đạo tập đoàn này vẫn chưa có phản hồi.

Cuối tháng 10 vừa qua, Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết NSSM phải bồi thường cho các nạn nhân bị cưỡng bức lao động thời chiến tranh.

Phán quyết này đã khép lại cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài 21 năm, trong đó 4 công dân Hàn Quốc khởi kiện NSSM đã ép buộc họ làm việc trong các lò cán thép của công ty này từ năm 1941-1943 và không trả lương. Hiện chỉ còn một người trong số này còn sống.

Theo phán quyết, mỗi người bên nguyên đơn được bồi thường 100 triệu won (90.000 USD). Tháng 11 vừa qua, Tòa án Tối cao Hàn Quốc đưa ra phán quyết tương tự đối với tập đoàn công nghiệp Mitsubishi của Nhật Bản, theo đó tập đoàn này phải bồi thường cho 10 nạn nhân bị cưỡng bức lao động.

Từ trước tới nay, Nhật Bản kiên quyết giữ quan điểm rằng vấn đề bồi thường đã được giải quyết "hoàn toàn và dứt điểm" trong một thỏa thuận song phương đi kèm với hiệp định bình thường hóa quan hệ giữa Nhật Bản-Hàn Quốc năm 1965.

Tokyo cho rằng phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc là vi phạm luật pháp quốc tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục