Hàn Quốc nâng cấp cảng tại các đảo trên Hoàng Hải

10 cảng ở năm hòn đảo trên Hoàng Hải sẽ được nâng cấp từ các cảng nhỏ để cho phép các tàu hải quân có trọng tải 5.000 tấn cập cảng.
Đài KBS, Hàn Quốc ngày 27/12 dẫn nguồn tin Bộ Địa chính và hải dương Hàn Quốc, cho biết Luật Hải cảng hiện hành của nước này sẽ được sửa đổi vào năm tới, theo đó nâng cấp các cảng nhỏ để cho phép các tàu hải quân có trọng tải 5.000 tấn cập cảng.

Như vậy, 10 cảng ở năm hòn đảo trên Hoàng Hải gần Đường ranh giới phía Bắc (NLL), được xác lập sau cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1953, sẽ được nâng cấp từ các cảng chỉ dành cho các tàu dưới 1.000 tấn thành các hải cảng cho phép tàu 5.000 tấn neo đậu.

Theo bộ trên, nếu luật sửa đổi được thông qua, việc mở rộng này sẽ giúp Hàn Quốc đối phó hiệu quả khi xảy ra khủng hoảng quốc gia, tạo thuận lợi cho việc sơ tán dân, đồng thời tránh lặp lại trường hợp các tàu lớn của hải quân hoặc cảnh sát biển không thể cập cảng như đã xảy ra sau vụ đấu pháo giữa hai miền trên đảo Yeonpyeong hồi tháng trước.

Trong năm 2011, Mỹ sẽ triển khai tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan đến khu vực Đông Bắc Á sau khi Triều Tiên cảnh báo sẵn sàng phát động "một cuộc chiến tranh thần thánh" dựa trên khả năng răn đe hạt nhân vào bất cứ thời điểm nào. Đây sẽ là tàu sân bay thứ ba gia nhập hạm đội của Mỹ ở khu vực Tây Thái Bình Dương.

Hiện quân đội Mỹ đã có tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS George Washington đang neo đậu ở Nhật Bản và chiếc thứ hai là USS Carl Vinson vừa đến đảo Guam.

Trong một diễn biến liên quan, thông báo ngày 27/12 của Lầu Năm Góc cho biết Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates sẽ dừng chân tại Hàn Quốc sau khi công du Trung Quốc và Nhật Bản vào tháng tới.

Trong khi đó, nhiều khả năng Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg cũng sẽ tới Seoul vào đầu tháng 1/2011 để trao đổi các điều kiện nối lại đàm phán sáu bên về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Trước đó, đầu tháng này, ông Steinberg cũng đã tới Trung Quốc, thảo luận về các diễn biến mới trên Bán đảo Triều Tiên.

Triều Tiên, Trung Quốc và Nga đều có chung quan điểm kêu gọi các nước sớm nối lại cơ chế đàm phán sáu bên. Tuy nhiên, Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản lại không tán thành đề xuất đó, đồng thời yêu cầu Triều Tiên trước hết phải thể hiện thiện chí từ bỏ vũ khí hạt nhân thông qua các hành động cụ thể./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục