Hàn Quốc nỗ lực quốc tế hóa chữ viết Hangeul

Dân tộc thiểu số ở Indonesia chọn bộ chữ Hangeul làm chữ viết chính thức để ghi lại ngôn ngữ riêng của họ, vốn chỉ có tiếng nói.
Một bộ tộc thiểu số ở Indonesia đã chọn sử dụng bộ chữ Hangeul (bảng chữ cái tiếng Hàn) làm chữ viết chính thức.

Đây là lần đầu tiên, Hangeul trở thành công cụ giao tiếp chính thức của một cộng đồng bên ngoài lãnh thổ Hàn Quốc.

Theo báo chí địa phương, dân tộc thiểu số ở thành phố Bauer & Bauer ở Sulawesi đã chọn chữ Hàn làm chữ viết chính thức để ghi lại ngôn ngữ riêng của họ, vốn chỉ có tiếng nói mà không chữ viết. Dân tộc có khoảng 60.000 dân này đang đối mặt với nguy cơ mất tiếng mẹ đẻ bởi không có hệ thống chữ viết.

Theo Viện Nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Quốc, bắt đầu từ tháng 7, những học sinh đầu tiên của bộ tộc trên đã bắt đầu học đánh vần, ghép chữ từ bảng chữ cái Hangeul trong bộ tài liệu do Viện cung cấp. Căn cứ theo quyết định mới, khoảng 140 học sinh trung học phổ thông của bộ tộc này sẽ bắt đầu học tiếng Hàn.

Chính quyền thành phố Bauer & Bauer đang khuyến khích những bộ tộc thiểu số khác trong vùng cũng sử dụng tiếng Hàn như một ngôn ngữ viết chính thức. Các tổ chức hàn lâm của Hàn Quốc đã đóng vai trò quan trọng trong việc đưa chữ Hàn trở thành chữ viết chính thức của bộ tộc Indonesia.

Vào tháng 7 năm ngoái, Viện nghiên cứu ngôn ngữ Hàn Quốc đã ký một thỏa thuận với chính quyền thành phố Bauer & Bauer của Indonesia về việc sử dụng Hangeul là công cụ giao tiếp chính thức. Tiếp theo, tổ chức này đã xuất bản một cuốn sách giáo khoa để giúp bộ tộc nói trên học tiếng Hàn.

Đối với Hàn Quốc, việc một bộ tộc Indonesia chọn Hangeul làm chữ viết chính thức mang ý nghĩa tượng trưng rất lớn, thúc đẩy tham vọng biến tiếng Hàn thành một ngôn ngữ quốc tế.

Năm 1997, UNESCO đưa Hangeul vào danh sách Ký ức thế giới. Trường đại học Oxford của Anh đã xếp hạng chữ cái Hangeul là một trong những hệ thống chữ viết tốt nhất trên thế giới.

Hangeul có thể vào máy tính nhanh hơn 7 lần so với chữ Nhật Bản và chữ Trung Quốc, và nét đẹp thư pháp của chữ Hàn cũng được công nhận. Do đó, chữ Hàn được coi là hệ thống chữ cái thích hợp nhất và tốt nhất trong “kỷ nguyên công nghệ thông tin”.

Theo các chuyên gia ngôn ngữ, Hangeul được cho là bộ chữ cái khoa học bởi các chữ cái được hình thành từ các nguyên âm và phụ âm, không phải dạng chữ tượng hình, khiến người học dễ tiếp thu. Các chuyên gia cho rằng một ngôn ngữ có thể biến mất trong vòng dưới một thế kỷ nếu không có hệ thống chữ viết.

Trên thực tế, Chính phủ Hàn Quốc, các học giả và các tổ chức liên quan đã nỗ lực rất lớn để toàn cầu hóa tiếng Hàn. Để phát triển tiếng Hàn như một thương hiệu quốc gia, chính phủ đã hợp nhất các viện nghiên cứu ngôn ngữ Hàn thành “Viện Hàn lâm Sejong”.

Sejong là tên vị vua thứ 4 của triều đại Joseon, người đã sáng tạo ra chữ cái Hangeul. Chính phủ Hàn Quốc cũng đã nỗ lực đưa tiếng Hàn trở thành ngôn ngữ thứ 2 tại các trường học ở nước ngoài. Việc quảng bá tiếng Hàn ra nước ngoài cũng như mở rộng ảnh hưởng của trào lưu văn hóa Hàn (Hallyu) đang là một trong những mục tiêu được Chính phủ Hàn Quốc chú trọng./.
(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục