Hàn Quốc ''tiến thoái lưỡng nan" trong mối quan hệ với Nga và Mỹ

Căng thẳng Nga-Mỹ vẫn tiếp diễn, Hàn Quốc đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa các chiến lược cạnh tranh để đối phó với Triều Tiên.
Hàn Quốc ''tiến thoái lưỡng nan" trong mối quan hệ với Nga và Mỹ ảnh 1(Nguồn: amazon)

Trang mạng eastasiaforum.org đưa tin, Nga đang tái can dự vào bán đảo Triều Tiên sau khi chính sách ngoại giao thường là tích cực của Moskva tại khu vực này đã bị ngừng đột ngột hồi năm 2020 và Hàn Quốc là đối tượng chính thu hút sự chú ý trong bối cảnh Triều Tiên đang tự cô lập mình.

Tuy nhiên, khi căng thẳng Nga-Mỹ vẫn tiếp diễn, Hàn Quốc đang phải đối mặt với những lựa chọn khó khăn giữa các chiến lược cạnh tranh để đối phó với Triều Tiên.

Các chính sách của Nga đối với cuộc khủng hoảng an ninh trên bán đảo Triều Tiên ngày càng phù hợp với các chính sách của Trung Quốc, song quan hệ của nước này với Seoul vẫn đáng để Moskva cân nhắc. Tuy quan hệ Nga-Hàn Quốc có thể không bền chặt như quan hệ Trung-Hàn, song tại Hàn Quốc, người Nga không phải đối mặt với mức độ nghi ngại tương tự như đối với người Trung Quốc.

Trong vấn đề Triều Tiên, Hàn Quốc có thể sẽ phải tìm cách cân bằng giữa chính sách dựa trên việc gây áp lực từ Washington với cách tiếp cận theo hướng đối thoại nhiều hơn từ Moskva. Điểm khác biệt chính giữa hai biện pháp này sẽ là vai trò của các đòn trừng phạt.

Trên thực tế, sự can dự của Nga diễn ra trong bối cảnh việc Hàn Quốc liên tục phải "vò đầu bứt tai" khi đứng giữa Trung Quốc và Mỹ làm dấy lên lo ngại rằng việc Moskva theo đuổi các lợi ích của mình trên bán đảo Triều Tiên có thể gây ra thêm căng thẳng cho lập trường ngoại giao vốn đã rất mong manh của Seoul.

Tuy nhiên, so với căng thẳng Trung-Mỹ, mối quan hệ lạnh nhạt giữa Nga và Mỹ lại gây ra thách thức ít hơn đáng kể đối với Hàn Quốc. Hàn Quốc đang có được ảnh hưởng lớn hơn ở Nga so với ở Trung Quốc - bằng chứng là cách phản ứng tương đối ôn hòa của Moskva trong cuộc khủng hoảng liên quan tới việc triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên bán đảo Triều Tiên - và Mỹ cũng coi Nga là chủ thể ít đáng gờm hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Dù vậy, những thách thức mà Nga đặt ra đối với quan hệ Mỹ-Hàn không phải là không đáng kể.

Một loạt chuyến thăm nối tiếp nhau gần đây của giới chức cấp cao Nga tới Seoul đã nhấn mạnh "thế tấn công ngoại giao" của Điện Kremlin.

[Mỹ, Hàn Quốc thông báo thời điểm tiến hành cuộc gặp thượng đỉnh]

Vào cuối tháng Ba vừa qua, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã đến thăm Seoul để hội đàm với người đồng cấp Chung Eui-yong. Ngoại trưởng Lavrov than vãn rằng dịch COVID-19 gần như đã đóng băng các mối liên hệ Nga-Hàn, đồng thời bày tỏ hy vọng nối lại  đối thoại về phi hạt nhân hóa Triều Tiên có sự tham gia của những thành viên trong các cuộc đàm phán 6 bên trước đây.

Hai nhà ngoại giao cấp cao này cũng thảo luận về khả năng Tổng thống Nga Vladimir Putin thực hiện chuyến thăm cấp nhà nước tới Hàn Quốc khi tình hình y tế cho phép và ông Chung Eui-yong đã ca ngợi vai trò của Nga trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Lavrov, các thứ trưởng quốc phòng của Nga và Hàn Quốc cũng đã gặp nhau tại Seoul, nơi họ ký một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng song phương và quyết tâm hợp tác trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

Việc gần đây hai nước đặt trọng tâm vào vấn đề an ninh đã giúp cân bằng lại cán cân trước đây vốn nghiêng hẳn về vấn đề kinh tế trong quan hệ Nga-Hàn - mối quan hệ vốn gần đây đã được thúc đẩy bởi sự kết hợp giữa chính sách "Hướng Đông" của Nga với Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc. Thật vậy, việc tập trung vào an ninh là điều phù hợp vì một loạt các cuộc gặp cấp cao nói trên gần như trùng khớp với thời điểm diễn ra các vụ thử tên lửa gần đây nhất của Triều Tiên.

Điện Kremlin đã hạ thấp mức độ nghiêm trọng của mối đe dọa mà các vụ thử nghiệm đó gây ra và tuyên bố rằng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với Triều Tiên sẽ phản tác dụng, bất chấp một số lo ngại rằng những sai sót về công nghệ trong các vật thể bay được phóng đi của Triều Tiên có thể khiến chúng rơi xuống lãnh thổ Nga.

Phản đối các biện pháp trừng phạt đã là một nét nổi bật trong chính sách ngoại giao của Nga đối với bán đảo Triều Tiên kể từ năm 2017, khi Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên để đáp trả một loạt các hành động khiêu khích của nước này.

Hàn Quốc ''tiến thoái lưỡng nan" trong mối quan hệ với Nga và Mỹ ảnh 2Một vụ phóng thử tên lửa do Triều Tiên thực hiện. (Nguồn: AP)

Viện dẫn việc Triều Tiên đã không có các vụ thử nghiệm vũ khí lớn kể từ đó đến nay, Moskva cho rằng các biện pháp trừng phạt kinh tế đã không còn hiệu quả trong việc theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Theo quan điểm hiện tại của Nga, các lệnh trừng phạt làm trầm trọng thêm tình hình nhân đạo vốn đã rất tồi tệ ở Triều Tiên và tước đi cơ hội thúc đẩy các lợi ích kinh tế của nước này trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời góp phần gây ra tình trạng thiếu hụt lòng tin giữa Triều Tiên và Mỹ.

Trong suốt năm 2020, Nga liên tục tăng cường kêu gọi dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống lại Triều Tiên và cho rằng chiến dịch "gây sức ép tối đa" của Mỹ không có hiệu quả. Việc Moskva thúc đẩy nới lỏng các biện pháp trừng phạt chắc chắn bắt nguồn một phần từ việc nước này cho rằng Mỹ đang cố tình phá hoại các lợi ích của Nga trên bán đảo Triều Tiên.

Do Nga có lợi ích lớn trong việc theo đuổi các dự án kinh tế hợp tác liên quan đến cả Triều Tiên và Hàn Quốc, đặc biệt là theo Chính sách phương Bắc mới của Hàn Quốc, thách thức lớn nhất mà Seoul phải đối mặt liên quan đến căng thẳng Nga-Mỹ sẽ là việc đáp lại những đề nghị ngoại giao của Nga có liên quan tới các dự án và sáng kiến đi ngược lại cơ chế trừng phạt hiện hành.

Về phần mình, các quan chức cấp cao của Nga bày tỏ nghi ngờ về việc Mỹ sẽ ủng hộ Hàn Quốc tham gia vào hợp tác ba bên với Triều Tiên và Nga. Trong khi Hàn Quốc đang tăng cường chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2022, cần phải chờ xem liệu người kế nhiệm ông Moon Jae-in sẽ duy trì Chính sách Phương Bắc mới, khởi động một dự án mới tương tự, hay sẽ từ bỏ hoàn toàn các triển vọng về hợp tác ba bên như vậy.

Nếu Seoul cho rằng Nga có thể đóng một vai trò hữu ích trong tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua hợp tác kinh tế, thì việc Nga phản đối các lệnh trừng phạt (đối với Triều Tiên) - trong khi Mỹ nhất quyết duy trì các lệnh trừng phạt này - sẽ làm gia tăng căng thẳng trong quá trình đưa ra các quyết sách đối ngoại của Hàn Quốc. Đây có thể không phải là một vấn đề quá cấp bách như việc Seoul ngày càng không thể tiếp tục duy trì "sự nhập nhằng chiến lược" giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng đó là một vấn đề mà Hàn Quốc chắc chắn sẽ phải đối mặt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục