Hàn Quốc với những bất cập về y tế do biến thể Omicron

Các chuyên gia bày tỏ lo ngại do xuất hiện thiếu sót nghiêm trọng trong các biện pháp duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe, dịch vụ xã hội thiết yếu, hệ thống quản lý bệnh nhân COVID-19 tại Hàn Quốc.
Hàn Quốc với những bất cập về y tế do biến thể Omicron ảnh 1Người dân xếp hàng chờ xét nghiệm COVID-19 tại Seoul, Hàn Quốc. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Sau khi Chính phủ Hàn Quốc phát tín hiệu sẽ nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội trong tuần này, số ca nhiễm mới mỗi ngày của nước này đã tăng bất ngờ lên vượt ngưỡng 100.000 ca vào cuối ngày 17/2 vừa qua. Đây cũng là số ca nhiễm hàng ngày cao nhất kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát ở Hàn Quốc.

Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, số ca nhiễm COVID-19 mới hàng ngày ở Hàn Quốc đã tăng gấp đôi mỗi tuần, từ mức 20.000 ca vào đầu tháng này tăng lên hơn 100.000 ca hôm 17/2.

Với xu hướng này, số ca nhiễm COVID-19 mới được dự báo sẽ lên tới 180.000 ca/ngày vào tuần tới. Số ca nhiễm mới dự kiến cũng sẽ tăng nhanh chóng và lập đỉnh mới vào cuối tháng này, cao hơn nhiều so với mức mà chính phủ dự đoán là chỉ từ 130.000 đến 170.000 ca/ngày.

Mặc dù Cơ quan y tế Hàn Quốc nhấn mạnh rằng số ca nhiễm COVID-19 nặng và nguy kịch vẫn ổn định, song các chuyên gia được tờ nhật báo The Hankyoreh (Hàn Quốc) số ra ngày 18/2 dẫn lời vẫn bày tỏ lo ngại do xuất hiện những thiếu sót nghiêm trọng trong các biện pháp duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe, các dịch vụ xã hội thiết yếu cũng như trong hệ thống quản lý bệnh nhân COVID-19 điều trị tại nhà.

Quy định giãn cách xã hội nên dựa trên tỷ lệ tử vong và tỷ lệ ca nặng

Chính phủ Hàn Quốc sẽ công bố những điều chỉnh đối với kế hoạch giãn cách xã hội trong ngày 18/2. Theo đó, các biện pháp hiện tại có thể sẽ được nới lỏng để cho phép các cuộc tụ họp riêng tư lên đến 8 người và các doanh nghiệp vẫn mở cửa cho đến 22 giờ.

Tuy nhiên, nhiều người đang bày tỏ lo ngại về những nỗ lực của chính phủ trong việc nới lỏng các quy tắc giãn cách xã hội. Mối quan tâm của họ xuất phát từ kinh nghiệm có được từ thực tiễn. Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Hàn Quốc đã bị tê liệt sau khi chính phủ bỏ qua số lượng bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch ngày càng tăng và chuyển sang dần dần khôi phục cuộc sống thường nhật vào tháng 11/2021.

[Số ca mắc mới tại Hàn Quốc tăng mạnh, lên hơn 90.000 ca mỗi ngày]

Do đó, một số nhà phân tích cho rằng Chính phủ Hàn Quốc cần xem xét kỹ lưỡng các chỉ số như số bệnh nhân COVID-19 nhập viện và số bệnh nhân trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch trước khi điều chỉnh các biện pháp giãn cách xã hội.

Hiện số lượng bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nghiêm trọng hoặc nguy kịch đã duy trì trên ngưỡng 300 ca trong 4 ngày liên tiếp. Số giường bệnh ở đơn vị chăm sóc đặc biệt dành cho bệnh nhân nặng chiếm 28,5% toàn quốc và hiện cả nước có khả năng điều trị cho khoảng 2.000 bệnh nhân COVID-19 trong tình trạng nguy kịch.

Tỷ lệ tử vong do COVID-19 đang gia tăng cùng với số lượng bệnh nhân nặng. Tỷ lệ tử vong theo trường hợp đối với biến thể Omicron đã tăng từ 0,15% (ngày 31/1) lên 0,44% ngày 17/2. Tỷ lệ người nhiễm COVID-19 ở độ tuổi 60 trở lên mặc dù đã được tiêm chủng đầy đủ cũng đang có dấu hiệu tăng mỗi ngày.

Với số lượng bệnh nhân lớn hơn và các chỉ số về bệnh nhân nặng, các chuyên gia y tế Hàn Quốc đang thận trọng với ý tưởng nới lỏng các quy định về giãn cách xã hội.

Jung Jae-hun, Giáo sư về Y tế dự phòng tại Đại học Gachon (Hàn Quốc), cho rằng: "Điều quan trọng là phải nới lỏng các hạn chế kiểm soát dịch bệnh theo cách giảm thiểu rủi ro. Để giữ an toàn, không nên đưa ra bất kỳ tín hiệu nào (chẳng hạn như nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội) cho đến khi số lượng ca nhiễm đạt đỉnh để duy trì hệ thống chăm sóc sức khỏe."

73% khu chăm sóc đặc biệt còn trống nhưng thiếu nhân lực y tế

Một vấn đề khác là các ổ lây nhiễm tập thể tiếp tục xuất hiện ở những khu vực cần thiết cho hoạt động của xã hội, bao gồm cả bệnh viện và các cơ sở y tế rất quan trọng khác.

Ngày 16/2 vừa qua, Hàn Quốc ghi nhận thêm 16 trường hợp nhiễm COVID-19 tại một cơ sở y tế ở quận Boseong, tỉnh Nam Jeolla, nâng tổng số lên 97 ca. Ngoài ra, cũng có tới 51 trường hợp nhiễm mới tại một cơ sở y tế ở quận Seo, phía Tây thành phố Busan.

Hôm 27/1, Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) đã cung cấp cho các bệnh viện hướng dẫn về kế hoạch hoạt động liên tục trong trường hợp bùng phát dịch bệnh.

Theo đó, khi Hàn Quốc đã bước vào giai đoạn "khủng hoảng" với số ca nhiễm mới hàng ngày vượt ngưỡng 50.000 ca, các nhân viên y tế đã được tiêm chủng đầy đủ, có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 vẫn có thể trở lại làm việc sau 3 ngày kiểm dịch và xét nghiệm kháng nguyên nhanh, miễn là không có triệu chứng hoặc chỉ có các triệu chứng nhẹ. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng những biện pháp như vậy sẽ khó thực hiện trên thực tế.

Eom Joong-sik, Giáo sư về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm Y tế Gil thuộc Đại học Gachon, nhận định: "Nếu những bệnh nhân khác bị lây nhiễm bởi chính từ một nhân viên y tế khi bệnh viện đang hoạt động với thời gian cách ly giảm (đối với nhân viên y tế) thì ai sẽ chịu trách nhiệm? Các bệnh viện hiện cũng đang do dự vì họ vẫn đang ở trong tình trạng khó khăn."

Theo Giáo sư Eom Joong-sik, mặc dù các khu chăm sóc đặc biệt mới chỉ sử dụng 28,5% công suất vào ngày 17/2 song vấn đề đặt ra là thiếu nhân lực y tế. Giáo sư nhấn mạnh thêm rằng: "Khoảng 20% y tá đã rời bỏ vị trí của họ tại các bệnh viện trong thời gian tạm lắng ngay trước khi làn sóng Omicron bùng phát."

Một vấn đề khác là thực tế hệ thống điều trị tại nhà sẽ được định hướng lại với khái niệm "nhóm quản lý chuyên sâu." Nhóm đó bao gồm những bệnh nhân từ 60 tuổi trở lên và những bệnh nhân trẻ hơn đang sử dụng thuốc uống mà chính quyền địa phương cho là cần được quản lý đặc biệt, bao gồm những người bị suy giảm miễn dịch và những người từ 50 tuổi trở lên có các bệnh lý cơ bản. Theo đó, những người thuộc "nhóm quản lý chung," cơ quan y tế sẽ không còn đủ điều kiện để giám sát thường xuyên.

Tính đến ngày 17/2 Hàn Quốc ghi nhận có 314.565 bệnh nhân COVID-19 đang được điều trị tại nhà và có khoảng hơn 200.000 người trong số họ sẽ không còn được theo dõi bởi các cơ quan y tế.

Giáo sư Kim Yoon của Đại học Quốc gia Seoul cho rằng: "Nên có các video trên YouTube hoặc một số hướng dẫn giải thích mọi người nên làm gì khi họ gặp các triệu chứng nhất định. Mọi người cần sử dụng phương tiện riêng của họ (khi họ bị ốm) và tôi nghĩ chúng ta sẽ cần tăng số lượng phương tiện di chuyển (chẳng hạn như taxi kiểm dịch)"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục