Hàn và Thái cảnh báo về chính sách tiền tệ "lỏng"

Hàn Quốc đang xem xét áp một mức thuế giao dịch tài chính còn Thái Lan lo ngại đồng baht mạnh lên sẽ ảnh hưởng tới nhà xuất khẩu.
Hàn Quốc vừa cảnh báo nước này có thể xem xét áp một mức thuế giao dịch tài chính trong lúc Thái Lan cho biết họ lo ngại việc đồng baht mạnh lên sẽ tác động tiêu cực tới các nhà xuất khẩu, trong bối cảnh các hành động làm tràn ngập các thị trường với lượng tiền dễ dàng của những nước phát triển đang lan ngày càng rộng sang các nước khác.

Hai tuần trước khi hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm 20 nền kinh tế lớn và mới nổi (G20) nhóm họp tại Mátxcơva (Nga), các quan chức chính phủ của hai trong bốn nền kinh tế mạnh ở châu Á - vốn là nạn nhân của luồng tiền đầu cơ ồ ạt trong những năm cuối thập niên 1990 - tỏ ý lo ngại về các tác động tiêu cực của chính sách tiền tệ siêu lỏng.

Các nhà hoạch định chính sách ở các nước phát triển, nhất là Nhật Bản và Mỹ, đã hành động một cách quyết liệt để in thêm tiền và khôi phục nền kinh tế trong nước kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính-tiền tệ toàn cầu.

Điều này đã tác động làm suy yếu đồng nội tệ của họ trong khi làm tăng giá các đồng tiền của những quốc gia khác, từ Hàn Quốc đến Mexico, khiến hàng hoá xuất khẩu của các nước đó kém cạnh tranh hơn, tác động xấu tới thị trường tài chính của họ.

Theo Thứ trưởng Tài chính Hàn Quốc Choi Jung-ku, môi trường bên ngoài và những biến động của thị trường ngoại hối kể từ quý 4/2012 đã dẫn tới một tình thế rất đáng lo ngại. Làn sóng chính sách tiền tệ nới lỏng định lượng mới đây đã tạo ra một tình hình chưa có tiền lệ và khiến các nước bị ảnh hưởng cần chấp nhận một sự chuyển đổi mô hình để đối phó.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ yêu cầu các công ty do nhà nước kiểm soát hạn chế vay mượn nước ngoài và sẽ tiếp tục thắt chặt các quy định đối với các công cụ tiền tệ phái sinh của hệ thống ngân hàng được mua bán để giảm bớt sự biến động trên các thị trường ngoại hối.

Hàn Quốc vấp phải sự phản đối về việc áp dụng một mức thuế ngay lập tức đối với các giao dịch tài chính như thuế Tobin gây tranh cãi ở châu Âu, có thể không khuyến khích hoạt động đầu cơ nhưng cũng có thể làm giảm bớt các hoạt động đầu tư bình thường, thậm chí có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài tháo chạy ồ ạt.

Trong khi đó, tại Thái Lan, Bộ trưởng Tài chính Kittirat Na Ranong cho biết Thủ tướng Yingluck Shinawatra lo ngại về ảnh hưởng của các chính sách tiền tệ nới lỏng của các nước phát triển và yêu cầu các nhà hoạch định chính sách nước này thảo luận các cách thức để giải quyết vấn đề trên.

Ông Kittirat Na Ranong cho hay các nhà chức trách Thái Lan sẽ sử dụng các biện pháp tài chính bình thường để kiểm soát các luồng tiền chảy vào và chảy ra nước này nhưng nói thêm rằng hiện không có các kế hoạch sử dụng việc kiểm soát vốn hoặc áp dụng các mức thuế.

Đồng baht của Thái Lan đã dao động quanh mức cao nhất trong 17 tháng qua và từ đầu năm đến nay đã tăng gần 3% so với USD.

Hồi tuần trước, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng cho rằng Nhật Bản là một nhân tố gây lo ngại sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (BOJ) gần đây đã đẩy nhanh tốc độ in tiền.

Đồng yen đã giảm 10% so với USD chỉ trong quý 4/2012, mức giảm mạnh nhất hàng quý trong 17 năm qua, trước những dự đoán BOJ và chính phủ mới của Nhật Bản sẽ tung ra các gói kích cầu mới.

Vấn đề cuộc chiến tiền tệ hoặc việc phá giá đồng nội tệ để giúp các nhà xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh trong việc định giá hàng hoá bán ở nước ngoài đã là chủ đề nổi bật trong các cuộc thảo luận tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới diễn ra ở Davos tuần trước. Tại đó, nhiều nhà lãnh đạo Ngân hàng trung ương các nước và doanh nhân đã chất vấn tính khôn ngoan của chính sách nới lỏng tiền tệ./.

Anh Quân (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục