Hàng chất lượng cao bất lực với hàng giá rẻ

Hàng Việt Nam hoàn toàn có thể cạnh tranh với hàng chất lượng tốt nhưng lại không thể cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ, kém chất lượng.
Nhiều doanh nghiệp tỏ ra bất lực trước thực tế hàng Việt Nam có thể cạnh tranh với hàng chất lượng tốt nhưng lại không thể cạnh tranh nổi với hàng giá rẻ, kém chất lượng.

Những nguy hại của hàng giá rẻ, kém chất lượng đang khiến người Việt quay lại với hàng Việt? Nhưng liệu các doanh nghiệp trong nước có tận dụng được cơ hội này để chiếm lĩnh “sân nhà”?

Hàng thật… thua hàng giả

Theo tiến sĩ  Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, với chất lượng sống của đại bộ phận người dân Việt Nam hiện nay, nghịch lý hàng có chất lượng bị lép vế trước hàng giá rẻ, kém chất lượng là điều dễ hiểu.

Tuy nhiên, ông Thiên cho rằng, người tiêu dùng trong nước đang dần từ bỏ thói quen sử dụng hàng giá rẻ và tìm đến những mặt hàng “Made in VietNam” có chất lượng hơn, đồng thời giá cả cũng không đến nỗi quá cao như trước đây.

Song, ông Nguyễn Bắc Sơn, Giám đốc Kinh doanh Công ty Điện Quang lại cho biết, thực tế người tiêu dùng vẫn chọn hàng giá rẻ ngoại nhập, mặc dù họ biết nguy hiểm luôn rình rập. Ông Sơn cho biết thêm, hiện nhiều sản phẩm của Điện Quang có thể cạnh tranh được với những mặt hàng cùng loại trên thế giới, nhưng lại không thể cạnh tranh được với hàng ngoại nhập giá rẻ.

“Điện Quang luôn chú trọng thị trường nội địa, do đó giá sản phẩm đã giảm 50% so với 2 - 3 năm trước, tuy nhiên vẫn không thể cạnh tranh với giá quá rẻ của hàng ngoại nhập”, ông Sơn nói.

Trong khi đó, ông Đoàn Đình Quốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Kính Đình Quốc cho rằng, phần lớn doanh nghiệp Việt Nam phải nhập hàng gia công từ các nước trong khu vực về sản xuất. Chính vì thế, hàng Việt Nam khó cạnh tranh lại hàng Trung Quốc, đặc biệt là sản phẩm kính.

Ở một góc độ khác, ông Lữ Trung Đạt, Thành viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Giấy tập Lệ Hoa cho rằng, cả 7 nhãn hiệu của công ty đều bị nước ngoài làm giả, khiến Lệ Hoa lâm vào cảnh “dở khóc, dở cười”, vì hàng thật thua hàng giả.

Bi quan hơn, ông Nguyễn Viết Toàn, Giám đốc Công ty Etec cho rằng, hiện tại lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trong lĩnh vực máy móc thiết bị gần như bằng không. Theo ông Toàn, các doanh nghiệp chế tạo máy hầu hết phải nhập khẩu thiết bị, linh kiện, sắt thép… từ nước ngoài với mức thuế 5%.

Trong khi đó, các doanh nghiệp nhập khẩu máy móc nguyên chiếc chỉ là 3%, thậm chí 0%. Ông Toàn cho rằng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu nguyên liệu về sản xuất máy móc thiết bị, với hàm lượng chất xám khoảng 15% thì không thể cạnh tranh được với hàng của Trung Quốc ngay tại thị trường nội địa, chứ đừng nói đến xuất khẩu.

“Doanh nghiệp nào có thể cho ra một sản phẩm với hàm lượng chất xám trong nước cao thì doanh nghiệp đó được hưởng những chính sách ưu đãi như các doanh nghiệp nhập khẩu. Có như vậy, cuộc chơi mới cân bằng được”, ông Toàn đề nghị.

Sân nhà hay sân khách? 

Với kinh nghiệm nhiều năm chủ động tiếp cận thị trường nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, ông Đỗ Long, Tổng giám đốc Công ty Bitas cho rằng, với chất lượng và giá cả cạnh tranh như hiện nay, hàng Việt hoàn toàn có thể lấn sân sang những thị trường trong khu vực, kể cả Trung Quốc.

Theo ông Long, nếu sản xuất tại Việt Nam, rồi bán hàng tại Việt Nam để cạnh tranh với hàng giá rẻ thì lợi thế sẽ rất lớn. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp Việt Nam chưa thể làm được điều này, bởi đa số nguyên liệu phải nhập khẩu. Do đó, doanh nghiệp nên nghiên cứu xem công đoạn nào có thể làm ở nước ngoài, sau đó bán ở chính nước đó thì sẽ có lợi hơn.

Để có được 70% nguyên liệu sản xuất tại Việt Nam, Bitas phải mất 5 tháng, trong khi đó nếu tìm nguyên liệu tại Trung Quốc và sản xuất tại Trung Quốc, thời gian sẽ được rút ngắn đáng kể, đồng thời giảm được khá nhiều chi phí.

Theo ông Long, muốn trụ được ở thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp phải kiên trì. Bởi, khi đã xây dựng được thương hiệu thì hàng vào thị trường này rất dễ dàng. Ông Long chia sẻ, sau một thời gian dài, Bitas chỉ bán hàng ở biên mậu, giờ đây hàng của công ty đã bán được ở 12 tỉnh thành của Trung Quốc. Trong khi đó, tại thị trường Việt Nam, hàng Bitas lại khó bán vì phí vận chuyển quá cao.

Mặt khác, ông Long cũng cho rằng, để hàng giá rẻ, kém chất lượng của Trung Quốc làm mưa làm gió trên thị trường nội địa còn là do thiếu sự liên kết của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. “Chúng tôi muốn đem một phần công đoạn chia sẻ cho các doanh nghiệp trong nước nhưng lại không thể đàm phán được về giá, thời gian, thanh toán…”, ông Long cho biết.

“Doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội to lớn tại đất nước hơn 1 tỷ dân này, bởi Trung Quốc có nhu cầu cao đối với nhiều mặt hàng mà Việt Nam có thế mạnh như rau quả, thủy sản, cao su, đồ gỗ, than đá… Vậy tại sao chúng ta không lấn sang sân Trung Quốc?”, ông Long nói.

Vừa qua, Bộ công Thương cũng đã có những động thái bước đầu nhằm xúc tiến thương mại vào thị trường Trung Quốc, thúc đẩy xuất khẩu để hạn chế nhập siêu. Những mặt hàng được xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều là thủy sản, than đá, đồ gỗ, cao su… Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc của doanh nghiệp Việt Nam đạt 1,97 tỷ USD./.

Bài viết này được đăng tải theo thỏa thuận bằng văn bản giữa Tạp chí Doanh nhân thuộc VCCI và Vetnam+
(Doanh nhân/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục