Hàng chục bộ tộc ở Libya hợp tác ngăn chặn nạn di cư trái phép

Nhiều bộ tộc đối địch nhau ở miền Nam Libya đã nhất trí hợp tác trong nỗ lực đảm bảo an ninh biên giới của nước này, với mục tiêu ngăn chặn làn sóng di cư trái phép vào châu Âu.
Hàng chục bộ tộc ở Libya hợp tác ngăn chặn nạn di cư trái phép ảnh 1Tàu của lực lượng cứu hộ giải cứu người di cư ngoài khơi bờ biển Libya. (Ảnh: EPA/TTXVN)

Nhiều bộ tộc đối địch nhau ở miền Nam Libya đã nhất trí hợp tác trong nỗ lực đảm bảo an ninh biên giới của nước này, với mục tiêu ngăn chặn làn sóng di cư trái phép vào châu Âu.

Sau các cuộc đàm phán bí mật tại Rome do Italy làm trung gian, 60 thủ lĩnh các bộ tộc, đặc biệt là bộ tộc Tuareg ở vùng Tây Nam, Toubou ở Đông Nam và bộ tộc Awlad Suleiman ở miền Nam Libya, đã đạt được thỏa thuận hợp tác gồm 12 điểm.

Các cuộc đàm phán cũng có sự tham gia của đại diện Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) Libya do Liên hợp quốc bảo trợ. Một đơn vị tuần tra biên giới Libya sẽ được giao nhiệm vụ giám sát khu vực biên giới phía Nam Libya có chiều dài 5.000 km. Việc đảm bảo an ninh vùng biên phía Nam Libya cũng có nghĩa là đảm bảo an ninh biên giới phía châu Âu.

Khu vực biên giới phía Nam Libya đã trở thành tuyến đường trung chuyển của các hoạt động buôn người, buôn lậu vũ khí và ma túy. Kể từ sau cuộc chính biến mùa Xuân 2011 lật đổ nhà lãnh đạo Muammer Gaddafi, xung đột đã nổ ra giữa nhiều nhóm chiến binh thuộc các bộ tộc và lực lượng các bộ lạc thiểu số ở Libya để giành quyền kiểm soát các mỏ dầu cũng như hoạt động buôn bán bất hợp pháp tại khu vực này.

Trong khi lực lượng của bộ tộc Tuaregs kiểm soát vùng biên giới giáp miền Nam Algeria, các chiến binh của bộ tộc Toubou hoạt động ở dọc biên giới giáp với Chad và Sudan.

Các bộ tộc Arab ở khu vực miền Nam ủng hộ chính quyền ở miền tây Libya nhưng họ cũng duy trì quan hệ với chính quyền đối địch, hiện kiểm soát miền Đông và thường xuyên có giao tranh với lực lượng của bộ tộc Toubou. Mặc dù nhận được sự ủng hộ của nhiều thủ lĩnh chính trị và quân sự ở Libya, Thủ tướng GNA Fayez al-Sarraj vẫn đang chật vật trong nỗ lực xác lập quyền điều hành đất nước.

Thỏa thuận nói trên, vẫn chưa được công bố chi tiết, là văn bản mới nhất trong một loạt thỏa thuận mà các quốc gia châu Âu nỗ lực tìm kiếm nhằm hạn chế nạn di cư trái phép từ Libya, vốn đã tăng mạnh trong những tháng gần đây.

Theo thỏa thuận, các bộ tộc cũng nhất trí thúc đẩy các chương trình đào tạo nghề nhằm giúp thanh niên tránh xa các hoạt động bất hợp pháp.

Theo Bộ Nội vụ Italy, khoảng 24.200 người di cư đã được giải cứu trên Địa Trung Hải kể từ đầu năm đến nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục