Ngày 1/11, hàng chục nghìn công nhân ở Indonesia vẫn tiếp tục đình công trong ngày thứ hai liên tiếp đòi tăng lương tối thiểu, cải thiện điều kiện làm việc và đời sống theo lời kêu gọi của Liên đoàn các nghiệp đoàn lao động Indonesia (KSPI).
Số người tham gia cuộc tổng đình công này thấp hơn so với KSPI tuyên bố trước đó.
Khi bắt đầu cuộc tổng đình công kéo dài hai ngày, từ ngày 31/10, Chủ tịch KSPI, ông Said Iqbal cho biết gần ba triệu người lao động đã tham gia bãi công ở 20 trong tổng số 34 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó số lượng người tham gia đông nhất là tại trung tâm công nghiệp ở Bekasi và thủ đô Jakarta.
Ông Iqbal cho rằng người lao động-lực lượng đóng góp quan trọng cho sự tăng trưởng kinh tế của đất nước đang phải đối mặt với cuộc sống khó khăn do tình trạng lạm phát, giá sinh hoạt và nhiên liệu tăng cao. Họ có quyền được đòi hỏi quyền lợi và cải thiện cuộc sống của mình.
Cũng theo ông Iqbal, mặc dù mức lương tối thiểu của người lao động ở thủ đô Jakarta nhận được trong năm nay đã tăng 44%, lên 2,2 triệu rupiah (khoảng 200 USD)/tháng, nhưng KSPI vẫn đề nghị giới chủ tăng lên 3,7 triệu rupiah (khoảng 331 USD)/tháng.
Trong khi đó giới chủ lao động Indonesia cho rằng tăng lương sẽ làm giảm lợi nhuận, do đó có thể khiến các nhà đầu tư nước ngoài chuyển vốn đầu tư sang các nước châu Á khác, và chỉ đồng ý tăng 11% vào năm tới. Tuy nhiên, mức lương của công nhân trong các nhà máy ở Indonesia vẫn nằm trong mức thấp nhất khu vực châu Á.
Các cuộc bãi công diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng cao của Indonesia đang có dấu hiệu giảm trong những tháng gần đây do những lo ngại liên quan việc Mỹ có thể cắt giảm chương trình kích thích kinh tế và nền kinh tế của Indonesia đang được mở rộng quá mức./.