Hàng giả đội lốt mác Việt: Hải quan gặp khó vì doanh nghiệp "thờ ơ"

Tình trạng hàng giả vẫn rất phức tạp vì còn quá ít doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề này, nhiều lô hàng bị hải quan bắt giữ không chỉ giả nhãn mác "Made in Việt Nam" mà còn giả cả giấy bảo hành.
Hàng giả đội lốt mác Việt: Hải quan gặp khó vì doanh nghiệp "thờ ơ" ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Nhiều lô hàng bị hải quan bắt giữ không chỉ giả nhãn mác "Made in Việt Nam" mà còn giả cả… giấy bảo hành. Tình trạng này, theo lãnh đạo Tổng cục Hải quan, vẫn phức tạp vì số lượng doanh nghiệp quan tâm tới vấn đề này chỉ "đếm trên đầu ngón tay."

Đưa ra thông tin này trong buổi họp báo về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại sáng 28/8, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn thừa nhận, cơ quan chức năng bắt giữ nhiều vụ hàng giả, hàng nhái nhưng tình hình vẫn còn phức tạp.

"Có trường hợp, lực lượng chức năng bắt 5-7 xe ôtô trong đó hàng tiêu dùng ở Việt Nam từ tăm, bông, quần áo, mỹ phẩm,… các đối tượng đều làm giả được," ông Cẩn nói.

Thậm chí, theo ông, thương hiệu Việt Nam được làm giả không chỉ nhãn mác mà còn giấy bảo hành để qua mắt người tiêu dùng trong nước.

Khẳng định cơ quan chức năng đang chỉ đạo xử lý nghiêm với hành vi trên nhưng ông Cẩn cũng nêu lên thực tế theo ông là "đáng buồn" khi không nhiều doanh nghiệp quan tâm tới hàng gắn giả gắn mác Việt Nam.

"Một năm, riêng với hàng giả, lực lượng chức năng bắt khoảng 19.000 vụ vi phạm nhưng buồn là số doanh nghiệp quan tâm chỉ đếm trên đầu ngón tay," lãnh đạo ngành hải quan chia sẻ.

Theo ông, ở nước ngoài, các doanh nghiệp khi bị làm giả hàng thì sẽ cố gắng bảo vệ quyền lợi của mình bằng cách phối hợp với cơ quan chức năng để cung cấp thông tin. Tuy nhiên, hành xử của doanh nghiệp nội về vấn đề theo ông là "thờ ơ."

Nguyên nhân theo tổng kết của đại diện ngành hải quan bởi chính các doanh nghiệp sợ ảnh hưởng tới doanh thu của thương hiệu mình. Ngoài ra, một bộ phận cấp dưới ở chi nhánh, đại lý vẫn đang tiếp tay đặt hàng giả ở nước ngoài để "trộn" vào hàng Việt Nam kiếm chênh lệch giá cũng là thực tế được ông Cẩn chỉ ra.

"Nguyên nhân khác là các lực lượng chức năng chưa thực sự vào cuộc để hợp tác với doanh nghiệp," Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan thừa nhận thêm.

Trả lời thêm cho nghi vấn về sự "bao che" từ phía lực lượng chức năng với hàng lậu, hàng giả, ông Cẩn khẳng định, một số vụ chưa công khai do yêu cầu điều tra. Với những vụ việc khác, ông cho biết, cơ quan chức năng "khi đã công khai sẽ điều tra xử lý nghiêm, không bao che, cho qua."

"Quan điểm của ngành là không bao che, không có vùng cấm," ông Cẩn nhấn mạnh./.

Trong 7 tháng năm nay, ngành hải quan đã chủ trì, phối hợp phát hiện, bắt giữ 11.498 vụ buôn lậu, gian lận thương mại. Trị giá hàng hóa vi phạm ước tính là 118,9 tỷ đồng, thu nộp ngân sách Nhà nước hơn 90 tỷ đồng. Cơ quan hải quan cũng đã khởi tố 9 vụ án hình sự, chuyển cơ quan khác khởi tố 42 vụ án hình sự.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục