Hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán tại Hà Nội dồi dào

Theo các nhà sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng phục vụ Tết, lượng hàng dự trữ năm nay tăng từ 10-15%, giá cả không tăng cao.

Mặc dù gần hai tháng nữa mới tới Tết Nguyên đán, sức mua trên thị trường chưa cao nhưng thời điểm này hàng hóa dự trữ phục vụ Tết tại Hà Nội bắt đầu dồi dào.

Theo các nhà sản xuất và phân phối hàng tiêu dùng phục vụ Tết, lượng hàng dự trữ năm nay tăng từ 10-15%, giá cả không tăng cao.


Lượng hàng phong phú

Sau khi nắm bắt diễn biến thị trường trong năm và dự báo sức mua dịp Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Sở Công Thương Hà Nội đề nghị các doanh nghiệp chủ động dự trữ hàng hóa tăng khoảng 10-15% so với các tháng trong năm, tổ chức bán ra thị trường đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết của nhân dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, đứt hàng hoặc tình trạng tồn đọng hàng hóa sau Tết.

Đến thời điểm này, cả doanh nghiệp sản xuất và thương mại, cả những làng nghề của Hà Nội đang tất bật chuẩn bị cho cái Tết sắp tới với lượng hàng phong phú, hợp với thị hiếu của đại bộ phận người tiêu dùng.

Khảo sát một số trung tâm thương mại, siêu thị, các doanh nghiệp sản xuất cho thấy, lượng hàng Tết đang dự trữ khá lớn, các đơn vị bắt đầu đẩy mạnh bán ra với nhiều phương thức quảng bá mạnh mẽ.

Bà Dương Thị Quỳnh Trang, Giám đốc quan hệ công chúng và đối ngoại, hệ thống siêu thị Big C cho biết để đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Ngọ, Big C đã xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa, tăng cường tìm kiếm các nhà cung cấp.

90% lượng bánh kẹo Tết là hàng Việt thuộc các hãng Kinh Đô, Trung Nguyên, Vinamit, Bibica, Hải Hà… Riêng thịt gia súc, gia cầm tươi sống được chuẩn bị với số lượng 400 tấn, cùng lượng lớn trái cây tươi bày Tết, bánh Tết truyền thống, đồ trang trí nhà cửa, lịch, tranh ảnh…

Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) dự trữ hàng phục vụ Tết lên tới 1.095 tỷ đồng, tăng 10% so với Tết Quý Tỵ 2013. Bắt đầu từ ngày 10/12/2013-14/2/2014, Hapro tập trung bán các mặt hàng lương thực, thực phẩm, điện máy, thời trang, đồ gia dụng, đặc biệt là các mặt hàng thực phẩm truyền thống và thiết yếu như giò, chả, bánh chưng, gà ta, thịt gia súc, bánh mứt kẹo...

Ngoài nguồn hàng của các nhà cung cấp có uy tín, dịp Tết Nguyên đán cũng là cơ hội để Hapro đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm do Tổng công ty trực tiếp sản xuất.

Công ty Cổ phần Tràng An bước vào đợt cao điểm sản xuất hàng bánh kẹo phục vụ Tết nguyên đán Giáp Ngọ từ ngày 1/10. Năm nay, công ty chuẩn bị 2.000 tấn bánh kẹo các loại phục vụ thị trường Tết, trong đó có hai dòng kẹo mới là Toffee và kẹo dừa Bến Tre (kẹo do nhà máy công ty sản xuất tại Bến Tre).

Ông Trịnh Sỹ, Tổng giám đốc công ty, cho biết: “Hiện các dây chuyền sản xuất bánh kẹo của công ty hoạt động hết công suất, công nhân phải tăng ca mới đủ giao hàng cho nhà cung cấp.”


Giá cả không tăng cao

Theo đánh giá của các nhà quản lý thương mại, trong thời gian tới còn nhiều nguyên nhân tạo sức ép tăng giá như, giá cả thế giới có xu hướng tăng trở lại cuối năm, tình hình mưa bão, dịch bệnh làm ảnh hưởng đến nguồn cung hàng hóa, đặc biệt đối với nhóm hàng thực phẩm và rau củ.

Dự kiến quý 4/2013, giá cả các mặt hàng sẽ có sự gia tăng do chi phí đầu vào tăng, chỉ số giá tiêu dùng trong tháng diễn Tết Nguyên đán Giáp Ngọ 2014 (cuối tháng 1 và đầu tháng 2 dương lịch năm 2014) sẽ tăng cao hơn so với các tháng trong năm.

Tuy nhiên, mức tăng này được dự báo không cao, không có tình trạng tăng đột biến.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra, sức mua trên thị trường năm nay không tốt. Mặc dù chi phí đầu vào tăng nhưng để kích cầu tiêu dùng, các doanh nghiệp chấp nhận mức lợi nhuận thấp để giữ giá bán hoặc tăng nhẹ.

Trước Tết nhiều tháng, thậm chí từ giữa năm, các nhà phân phối đẩy mạnh khai thác nguồn hàng, ký hợp đồng cung ứng để ổn định giá cả trong dịp Tết. Một mặt, nhiều doanh nghiệp phân phối áp dụng các chính sách khuyến mại nhằm chia sẻ với khách hàng và tăng khả năng bán ra.

Cũng để ổn định giá cả một số mặt hàng thiết yếu nhằm ổn định cung cầu, giá cả hàng hóa trong dịp Tết nguyên đán, cấp quản lý thành phố Hà Nội chỉ đạo các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đảm bảo đầy đủ số lượng hàng hóa tương ứng số vốn được tạm ứng, thường xuyên quay vòng vốn để tăng lượng háng hóa cung ứng ra thị trường liên tục, kịp thời.

Thành phố cũng yêu cầu các doanh nghiệp niêm yết giá, bán đúng giá đối với các nhóm hàng bình ổn đã được Sở Tài chính chấp thuận, đảm bảo ổn định giá đối với một số nhóm hàng có nguy cơ tăng cao trong dịp Tết.

Dự kiến, từ cuối tháng 12, lượng hàng Tết bán ra sẽ tăng mạnh./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục