Hàng hóa Tết - Dịch chuyển nhu cầu tiêu dùng

Các siêu thị tại Hà Nội cho biết, phần lớn khách hàng vào sắm Tết đều lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao thay vì hàng nhập ngoại.
Theo ghi nhận của phóng viên, Tết Nguyên đán năm nay nhu cầu tiêu dùng của người dân Hà Nội và chiến lược kinh doanh của các doanh nghiệp thương mại có sự thay đổi đáng kể, nhất là sau cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và đợt kích cầu đưa hàng về nông thôn.

Hàng nội chiếm lĩnh trong thị trường Tết

Trong khi Việt Nam rất có ưu thế sản xuất các mặt hàng tiêu dùng thì những năm qua diễn ra một nghịch lý, người tiêu dùng chuộng hàng ngoại giá vừa cao, chất lượng chưa hẳn tốt hơn hàng nội. Tết năm nay, nghịch lý này đã cơ bản thay đổi dựa trên sự thay đổi ý thức của cả nhà kinh doanh và người tiêu dùng.

Trong cơ cấu hàng hóa phục vụ Tết, hàng Việt Nam chiếm từ 70-80% trong các siêu thị. Đặc biệt, các mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống hàng ngày của người dân như hàng thực phẩm, thủy hải sản, rau củ quả, bánh mứt kẹo, đồ uống… chiếm tỷ trọng cao hơn.

Qua khảo tại các siêu thị trên địa bàn Hà Nội, hàng tiêu dùng Việt Nam đa phần có mẫu mã đẹp, chất lượng không thua kém hàng nhập ngoại. Các siêu thị cũng cho biết, phần lớn khách hàng vào sắm Tết đều lựa chọn hàng Việt Nam chất lượng cao thay vì lựa chọn hàng nhập ngoại như trước đây.

Tết Canh Dần 2010, thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Tổng công ty Thương mại Hà Nội và các đơn vị thành viên nâng cao cơ cấu hàng Việt Nam trong hệ thống kinh doanh của mình.

Đối với những mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, tổng công ty chuẩn bị 650 tấn gạo các loại; 630 tấn thịt gia súc, gia cầm; 840 tấn thực phẩm chế biến các loại; 338 tấn thủy hải sản; 1.200 lít dầu ăn; 26,6 triệu quả trứng gia cầm, đều được khai thác từ các nhà sản xuất trong nước. Các mặt hàng tiêu dùng khác như quần áo, đồ gia dụng, hóa mỹ phẩm… hầu hết có xuất xứ từ Việt Nam.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (sở hữu chuỗi siêu thị Fivimart) cũng khẳng định: “Dịp Tết này, chúng tôi kích cầu tiêu thụ hàng hóa nội địa, bởi thời gian qua hàng nội địa trong chuỗi siêu thị Fivimart tiêu thụ khá tốt”.

Bà Hậu cho biết, Tết năm nay, Công ty cổ phần Nhất Nam là một trong 12 doanh nghiệp được thành phố cho vay vốn ưu đãi, là cơ hội để công ty tăng cường dự trữ hàng Việt Nam phục vụ Tết Nguyên đán. Hiện nay, tỷ trọng hàng Việt Nam trong hệ thống siêu thị Fivimart chiếm trên 80% hàng Việt Nam trong tổng số 25.000 mặt hàng đang kinh doanh.

Hướng về thị trường nông thôn

Hiệu quả từ chương trình đưa hàng về nông thôn trong khoảng thời gian tháng 9-12 vừa qua do Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức đã tạo tiền đề tốt để các doanh nghiệp thương mại triển khai bán hàng tại các huyện ngoại thành dịp Tết này.

Nhiều doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư phát triển hệ thống phân phối ra các vùng nông thôn với quy mô hiện đại cùng chính sách bán hàng ưu đãi nhằm chiếm lĩnh thị phần.

Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, sức mua của thị trường nông thôn bước đầu khá tốt do xu hướng tiêu dùng của bà con đã tiệm cận dần tới hệ thống thương mại hiện đại.

Ông Phan Bội Ngọc, Giám đốc Công ty LanChi cho biết, công ty đã phát triển 5 siêu thị ra các huyện phía Tây Hà Nội, kịp phục vụ bà con nông thôn dịp Tết Canh Dần. Cơ cấu mặt hàng tại các siêu thị khá phong phú, 53.000 mã hàng cùng với quy mô đầu tư hạ tầng hiện đại.

Chiến lược kinh doanh của công ty là lấy thị trường nông thôn làm trọng yếu vì thế ngoài phát triển hệ thống bán lẻ bằng chuỗi siêu thị LanChimart, công ty thực hiện bán buôn, cung cấp hàng hóa cho các đại lý.

Để thu hút khách hàng vùng nông thôn, công ty điều chỉnh giá bán tới mức thấp nhất; do vậy giá hàng hóa ở đây thấp khoảng 10% so với mức trung bình trên thị trường. Mục tiêu đầu tư hệ thống siêu thị vùng ngoại thành của công ty là ngoài trở thành nơi mua sắm lớn, mỗi siêu thị còn là nơi vui chơi, giải trí của người dân nông thôn.

Công ty cổ phần thương mại-đầu tư Long Biên (thuộc Tổng công ty Thương mại Hà Nội) là doanh nghiệp chiếm lĩnh thị trường phía Đông Hà Nội. Sức mua của khu vực này rất tốt do đời sống kinh tế của người dân phát triển.

Bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Giám đốc công ty nhẩm tính, sức mua Tết năm nay của bà con tăng từ 15-18% so với năm trước. Do vậy, công ty đã chuẩn bị lượng hàng phục vụ bà con ăn Tết tăng hơn 20%, chất lượng cao, giá thấp hơn so với thị trường tối thiểu 3% trở lên.

Bà Hà cũng cho biết, nếu hai năm trước đây, hàng Trung Quốc chiếm tỷ lệ lớn thì hai năm trở lại đây công ty chuyển hướng sang hàng nội địa làm chủ yếu; ngay cả nhu cầu mua sắm hàng nội địa của bà con ngoại thành cũng tăng lên rõ rệt.

Nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của bà con nông dân và kích cầu tiêu dùng vùng nông thôn, vào những ngày giáp Tết, Sở Công thương Hà Nội sẽ tổ chức cho các doanh nghiệp đưa hàng về các huyện ngoại thành, nhất là các huyện xa trung tâm và các xã miền núi./.

Đinh Thị Thuận (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục