Hàng hóa tiếp tục ứ đọng tại cảng Sài Gòn

Tình hình ứ đọng hàng hóa tại cảng Sài Gòn đang diễn ra khá trầm trọng với hàng chục con tàu phải nằm chờ chực. Và cảnh này sẽ còn tiếp diễn. Vì sao?

Tình hình ứ đọng hàng hóa tại cảng Sài Gòn đang diễn ra khá trầm trọng với hàng chục con tàu phải nằm chờ chực. Và cảnh này sẽ còn tiếp diễn. Vì sao?

Tàu ứ hàng

Ngày 13/5, tại cảng Sài Gòn, hàng loạt chiếc tàu vẫn đang nằm chờ các chủ hàng đưa xe đến để bốc dỡ hàng hóa. Tiến độ bốc dỡ một số tàu rất chậm chạp. Rất nhiều tàu hàng đã cập cảng nhưng phải nằm chờ xe đến nhận trong khi công nhân bốc xếp cũng chỉ biết ngồi chơi.

Tàu Sông Ngân chở cám dừa, có trọng tải 4.500 tấn, dù đã được bốc 3.000 tấn từ ngoài phao, còn lại 1.500 tấn nhưng trong 3 ngày qua chỉ mới bốc được hơn 240 tấn. Tính ra tàu này nằm cảng đã hơn một tuần và không biết đến bao giờ, tàu này mới bốc xong hàng.

Tương tự, tàu Vinashinship của Công ty Việt Hóa Nông chở phân bón, cũng đã cập cảng Sài Gòn khoảng một tuần nhưng vẫn chưa thể dỡ hết hàng. Thỉnh thoảng chỉ có một vài chiếc xe tải đến lấy hàng.

Trao đổi với phóng viên Phó ban điều hành phụ trách bốc dỡ hàng hóa tại cảng Sài Gòn Lê Văn Hóa cho biết cảng Sài Gòn cũng không thể có biện pháp nào hơn để thúc đẩy nhanh việc bốc dỡ hàng hóa. Phần lớn, các công ty làm dịch vụ vận chuyển cho chủ hàng, việc điều động xe cũng phụ thuộc vào các đơn vị trên. Do đó mình cũng không thể nào ràng buộc trách nhiệm với họ.

Theo ông Hóa, vấn đề là các mặt hàng này dồn về cảng cùng lúc; trong khi đó, chủ hàng không chỉ một mà nhiều người. Người này mua hàng về rồi bán lại cho nhiều người, nên phụ thuộc vào phương tiện vận chuyển.

Quá tải vì đâu?

Tổng Giám đốc Công ty Cảng Sài Gòn Lê Công Minh cho biết, khả năng tiếp nhận tàu và bốc xếp hàng của cảng Sài Gòn có giới hạn 25 tàu tại cầu và các bến phà, nhưng có thời điểm, lượng tàu đang làm hàng và tàu chờ vào cảng lên đến 50 tàu.

Theo lý giải của ông Minh, việc hàng hóa quá tải tại cảng là do sự thay đổi đột ngột của cơ cấu hàng hóa vào cảng. Các loại hàng hóa giải phóng nhanh như hàng hóa container, sắt thép giảm mạnh như lượng container giảm hơn 30%, sắt thép giảm 2 - 3 lần so với cùng kỳ; trong khi đó, các mặt hàng rời như khoai mì lát, cát xuất khẩu; cám, thức ăn gia súc nhập khẩu, giải phóng chậm lại tăng đột biến, chiếm đến 80%.

Bốn tháng đầu năm nay, trong số 6,3 triệu tấn hàng vào cảng Sài Gòn có đến 3,6 triệu tấn hàng rời, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ. Lý do là hiện các doanh nghiệp phía Nam đẩy mạnh nhập phân bón và thức ăn gia súc cung ứng cho nhu cầu nuôi cá và sản xuất lúa sau hiệu quả của gói kích cầu.

Theo ông Minh, thời gian tới cảng sẽ tiếp xúc với chủ tàu, chủ hàng, đại lý để bàn biện pháp đẩy nhanh giải phóng tàu. Trước mắt sẽ không thu phí lưu kho bãi nếu tàu hàng nào chưa kịp giải phóng hàng.

Đồng thời, cảng cũng yêu cầu các chủ hàng, đại lý cung cấp thông tin chính xác về lịch trình tàu đến cảng và phương án nhận hàng để có phương án chủ động bốc xếp ngay khi tàu cập cảng. Trong trường hợp bất khả kháng, đề nghị các chủ hàng, đại lý liên hệ với các cảng trong khu vực như cảng Bến Nghé, Rau Quả, Lotus, Phú Mỹ, Cát Lái và các bến phao tiếp nhận tàu.

Tuy nhiên, những giải pháp mà lãnh đạo cảng Sài Gòn đưa ra chỉ mang tính chất tình thế và không có chiến lược lâu dài giải quyết triệt để tình trạng này. Vấn đề là các cảng không “mặn mà” với các loại hàng rời vì chi phí thấp, bốc dỡ lâu và phức tạp hơn so với việc bốc dỡ hàng container.

Trong khi đó, cảng Sài Gòn không được quyền từ chối bất cứ loại tàu nào, nghĩa là cảng Sài Gòn phải nhận nhiều việc “xương xẩu” nhất. Để giải quyết tình trạng này, cần phải có sự can thiệp của các cơ quan chức năng để nhiều cảng cùng tham gia giải phóng lượng hàng hóa này.

Ông Trần Hữu Chiều, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty hàng hải Việt Nam cho biết đã báo cáo tình hình ùn ứ hàng hóa tại cảng Sài Gòn ra Bộ Giao thông Vận tải; đồng thời sẽ kiến nghị Bộ làm việc với Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Công Thương và một số bộ, ngành khác đề nghị các cơ quan chủ quản của các cảng yêu cầu các cảng cùng tiếp nhận hàng rời, nhằm giảm áp lực cho cảng Sài Gòn.

Theo kế hoạch, ngày hôm nay (14/5) lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải trực tiếp làm việc với các đơn vị liên quan để giải quyết vấn đề này.  
 



(Tin tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục