Hàng không nội địa: Người tiêu dùng hưởng lợi

Trong 2 năm trở lại đây, thị trường hàng không nội địa sôi động với sự tham gia của một số hãng hàng không tư nhân. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền.

Trong 2 năm trở lại đây, thị trường hàng không nội địa sôi động với sự tham gia của một số hãng hàng không tư nhân. Người tiêu dùng ngày càng có nhiều lựa chọn phù hợp với nhu cầu và túi tiền.

Nhu cầu đi lại bằng đường hàng không tăng nhanh

Ngay sau khi biết tin Jestar Pacific Airlines (JPA) tung ra chương trình khuyến mãi lớn bán 50.000 vé máy bay rẻ với mức giá từ 250.000 đồng trở lên (khởi hành từ 3/3 đến 21/5/2009), chị Phạm Minh Ngọc, đang làm tại hãng Nokia, liền đăng ký 2 “suất” đi tuyến Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với mức giá hơn 1,5 triệu đồng/người/vé 2 chiều. Chị Ngọc cho biết, đi chơi vào Nam theo kiểu du lịch “bụi” với việc mua được giá vé rẻ đợt này, chị đã tiết kiệm được khoảng 1,7 triệu đồng so với bay thông thường.

Chính vì vậy, chỉ sau 2 ngày mở bán, JPA đã bán được hơn 30.000 vé giá rẻ. Trong khi đó, Vietnam Airlines (VNA) cũng “bắt tay” với 16 công ty du lịch phía Nam giảm hơn 60% giá vé máy bay nội địa, nhờ đó, các giá tour từ Nam ra Bắc giảm ít nhất 35%. Đại diện Indochina Airlines cho biết, hãng dành khoảng 3.000 chỗ trên các chuyến bay Thành phố Hồ Chí Minh-Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh-Hà Nội với giá giảm ít nhất 40% so với giá bình thường cho các hãng lữ hành để thiết kế tour giá rẻ cho hành khách.

Dự kiến trong vào quý II/2009, hãng hàng không tư nhân Vietjet Air sẽ khai trương đường bay mới và hành khách còn được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.

Theo nhận định của nhiều chuyên gia hàng không, mặc dù mới đây, JPA vừa đề xuất tăng giá vé máy bay lên mức cao nhất 4 triệu đồng, thay cho mức 1,7 triệu đồng hiện hành, nhưng VNA đã khẳng định, tại thời điểm này, hãng không có kế hoạch tăng giá vé trên toàn mạng bay nội địa.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách trong dịp cao điểm 30/4 và 1/5 sắp tới, VNA cam kết sẽ tăng chuyến, đảm bảo cung ứng đủ chỗ và không tăng giá vé. Chính vì vậy, theo nhận định, JPA sẽ khó mà áp dụng ngay giá vé đã đề xuất với Bộ Giao thông Vận tải.

Tổng giám đốc JPA, ông Lương Hoài Nam cho biết biểu giá mới của hãng có 26 loại giá cơ bản và vẫn duy trì loại vé siêu rẻ có giá khoảng 15.000 đồng/chiều bay. Do vậy, đề xuất tăng trần giá vé máy bay của hãng là phù hợp với cơ chế thị trường và Thông tư 103 do Liên bộ Tài chính-Giao thông Vận tải mới ban hành. Các loại vé này cũng được xây dựng trên nguyên tắc mua vé càng xa thời điểm khởi hành càng rẻ.

Vấn đề người tiêu dùng đang đặt ra hiện nay là nếu việc tăng giá vé máy bay có thành hiện thực thì chất lượng dịch vụ có được nâng lên, tình trạng chậm hủy chuyến có được cải thiện?

Thị trường hàng không phân khúc: Truyền thống và giá rẻ

Hiện thị trường hàng không nội địa do 4 hãng trong nước là VNA, JPA, Indochina Airlines và Vasco khai thác. Tuy nhiên VNA vẫn chiếm phần lớn thị phần và sự cạnh tranh chỉ xuất hiện trên đường bay trục Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng-Thành phố Hồ Chí Minh.

Thời gian tới, sự cạnh tranh sẽ càng gay gắt hơn với sự xuất hiện của VietJet Air (dự kiến kế hoạch bay vào tháng 4/2009); trong khi đó, Cục Hàng không cũng đã hoàn tất việc thẩm định hồ sơ của Công ty cổ phần hàng không Mekong (Aviation) và dự kiến sẽ khai thác từ năm 2010 nếu được cấp phép.

Thị trường hàng không nội địa đang phân khúc rõ nét theo 2 hướng: hãng hàng không truyền thống (có dịch vụ chất lượng cao) với 2 đại diện là VNA, Indochina Airlines và hãng hàng không giá rẻ với đại diện là JPA và Vietjet Air.

Theo Cục Hàng không, thị trường hàng không nội địa vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển bởi tỉ lệ đi lại bằng đường hàng không của người Việt Nam còn quá thấp so với nhu cầu đi lại thực tế. Theo thống kê, khách nội địa hàng năm của Việt Nam chỉ vào khoảng 6 triệu lượt và có không quá nửa triệu người Việt Nam đã từng đặt chân lên máy bay. Nếu so sánh với các nước trong khu vực thì nhu cầu phát triển hàng không nội địa của Việt Nam sẽ còn rất lớn. Tốc độ tăng trưởng đạt 18- 20%/năm và sự tăng trưởng khá nhanh này cho thấy nhu cầu đi lại của người dân khá cao.

Tuy nhiên, vận hành một hãng hàng không cũng không phải dễ. Theo ông Lương Hoài Nam, vấn đề nan giải hiện nay của tất cả các hãng hàng không đang hoạt động và sắp ra đời ở Việt Nam là không đủ thị trường lao động chuyên ngành. Khoảng 1/3 số phi công của VNA vẫn là phi công nước ngoài, chưa kể số kỹ sư nước ngoài; JPA có khoảng 50 phi công thì chỉ có... một phi công Việt Nam, kỹ sư nước ngoài phải thuê cũng không ít.

Kinh doanh hàng không là lĩnh vực đặc thù nên ngoài những quy định chung về thành lập doanh nghiệp, yêu cầu về tài chính thì sự am hiểu của đội ngũ lãnh đạo công ty cũng là yếu tố quan trọng, nhằm đảm bảo bay an toàn và kinh doanh không lỗ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục