Hàng lậu và gian lận: Càng chống, càng "nóng"

Buôn lậu, gian lận thương mại diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, với nhiều mặt hàng nhập lậu chủ yếu là may mặc, điện lạnh...
Trong 6 tháng đầu năm 2009, theo số liệu chưa đầy đủ của Ban Chỉ đạo 127/TW,  47 tỉnh, thành đã xử lý 78.307 vụ vi phạm pháp luật, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2008. Tổng số tiền thu được từ xử phạt là 1.137 tỷ đồng.

Đây là những con số được công bố trong cuộc họp sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo 127/TW.

Ông Nguyễn Hùng Dũng, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết, tình hình buôn lậu và gian lận thương mại nửa đầu năm 2009 vẫn diễn biến phức tạp trên các tuyến trọng điểm, đặc biệt là tuyến biên giới Việt-Trung. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là hàng may mặc, hàng tiêu dùng, điện tử, điện lạnh...

Cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu, buôn bán, vận chuyển, khai thác khoáng sản trái phép, nạn buôn xuất lậu xăng dầu qua biên giới Campuchia.

Theo ông Dũng, nguyên nhân của hiện tượng này là do một số đơn vị, cá nhân đã lợi dụng kẽ hở của Quyết định 254/2006/QĐ-TTg đối với cư dân biên giới để vận chuyển hàng hóa, hợp thức hóa hàng lậu.

Bên cạnh đó, hàng sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, khiến hàng hóa với giá rẻ của Trung Quốc và các nước khác đã bằng mọi cách nhập lậu vào Việt Nam qua nhiều hình thức khác nhau, gây rất nhiều khó khăn cho sự phát triển của nền kinh tế trong nước.

Trong khi định mức hàng hóa miễn thuế nhập khẩu mà phía Việt Nam qui định không quá 2 triệu đồng/người/ngày thì phía Trung Quốc đã nâng mức miễn thuế nhập khẩu đối với cư dân nước ngoài vùng biên giới từ 3.000 nhân dân tệ lên mức 8.000 nhân dân tệ/người/ngày đồng thời thành lập văn phòng đại diện tại biên giới để nhanh chóng đưa hàng hóa sang Việt Nam, xây dựng đại lý bán hàng trả chậm cho đối tác.

Ông Lê Xuân Đài, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: Do chưa có bộ tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam nên không thể có cơ sở tiêu chuẩn để kiểm nghiệm chất lượng và cũng không biết hàng hóa đó có chất lượng như thế nào, mức độ an toàn ra sao nên quản lý thị trường chỉ kiểm tra về hóa đơn chứng từ mua bán và quy định về nhãn hàng hóa.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, Phó Trưởng ban chỉ đạo 127 nhận định: Nếu ngay từ bây giờ, các bộ, ban, ngành không có những biện pháp tích cực để phòng ngừa, ngăn chặn “dòng chảy” hàng ngoại nhập lậu, thì các doanh nghiệp trong nước sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt từ hàng nhập lậu.

Để giảm bớt áp lực cho sản xuất trong nước trước nguy cơ hàng ngoại nhập lậu tấn công, theo ông Tú, lực lượng quản lý thị trường cần phải duy trì sự phối hợp với các lực lượng công an, hải quan tăng cường kiểm soát chống đầu cơ, găm hàng, dự trữ hàng hóa quá mức, nâng giá và kinh doanh không đúng ngành nghề, mặt hàng.

"Vận động quần chúng và doanh nghiệp không tham gia hoặc tiếp tay cho buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả và gian lận thương mại, nhất là ở các tỉnh biên giới. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 127 của các địa phương cần thực hiện kế hoạch cao điểm kiểm tra, kiếm soát phục vụ các giải pháp kích cầu của Chính phủ", Thứ trưởng Nguyễn Cẩm Tú nói.

Tuy nhiên, theo ông Phan Thế Ruệ, nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc chống hàng lậu, hàng giả là rất khó khăn do lợi nhuận đem lại từ việc buôn bán các mặt hàng này quá lớn, "một vốn nhưng thu lời hàng chục lần" nên các chủ hàng sẵn sàng dùng mọi hình thức để buôn lậu.

Do vậy, muốn đạt hiệu quả cao trong công tác chống buôn lậu phải xuất phát từ cơ sở. "Chúng ta phải có chế tài khen thưởng và xử phạt thích đáng đối với những cán bộ chống buôn lậu từ địa phương," ông Ruệ đề xuất./.

Đức Duy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục