Tìm hiểu về Hoàng Sa

Hàng nghìn người đến tìm hiểu tư liệu về Hoàng Sa

Hàng nghìn người đã bày tỏ sự ủng hộ với sự thật thông qua các tư liệu chân thực về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa.
Sau một tháng tổ chức, triển lãm các tư liệu có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng đã thu hút hàng nghìn lượt người đến xem.

[Triển lãm lớn về chủ quyền Việt Nam với Hoàng Sa]

Triển lãm đã nhận được sự hưởng ứng, đồng tình ủng hộ, khích lệ của nhân dân cả nước, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, trong đó có gần 300 người Trung Quốc, hơn 300 người Hàn Quốc, gần 100 người Nhật Bản và gần 500 người đến từ các nước Tây Âu.

Hàng nghìn lượt người đã tìm đến triển lãm để được tận mắt tìm hiểu các tài liệu chân thực về chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa. Hàng triệu người khác, do không có điều kiện đến xem triển lãm, thì tìm đọc các thông tin về triển lãm trên báo chí và mạng thông tin toàn cầu.

Công chúng đã bày tỏ sự ủng hộ đối với sự thật và công lý thông qua các tư liệu hết sức quý giá này.

Ông Đặng Công Ngữ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa cho biết qua hàng trăm ý kiến ghi trong sổ ghi cảm tưởng khách tham quan cho thấy cuộc triển lãm đã được dư luận nhân dân thành phố, du khách trong và ngoài nước đánh giá cao.

Có rất nhiều ý kiến bày tỏ ủng hộ quan điểm bảo vệ chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, đồng thời phản đối hành động chiếm đóng bất hợp pháp của Trung Quốc đối với Hoàng Sa.

Triển lãm các tư liệu có liên quan đến chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa do Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa, Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng phối hợp với Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng, Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng và Báo Tuổi Trẻ tổ chức tại Bảo tàng Đà Nẵng, khai mạc từ ngày 20/1 và kéo dài trong suốt một tháng.

Đây là lần đầu tiên Ủy ban Nhân dân huyện Hoàng Sa phối hợp với các cơ quan tổ chức triển lãm các tài liệu liên quan đến chủ quyền Hoàng Sa. Hoạt động này nhằm tuyên truyền, khẳng định Việt Nam là nước duy nhất thụ đắc lãnh thổ và thực hiện quyền quản lý một cách hòa bình qua các thời kỳ lịch sử đối với huyện đảo Hoàng Sa.

Nội dung triển lãm có bốn phần tài liệu gồm tài liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế-Xã hội là kết quả đề tài nghiên cứu "Font tư liệu về chủ quyền của Việt Nam đối với huyện đảo Hoàng Sa-thành phố Đà Nẵng" với các thư mục tư liệu văn bản, tư liệu hình ảnh, tư liệu bản đồ và tư liệu nghe nhìn.

Tài liệu thứ hai là 30 trong số 150 bản đồ và 3 tập bản đồ của Trung Quốc. Đây là những bản đồ được xuất bản ở các nước và vùng lãnh thổ Anh, Đức, Australia, Canada, Mỹ và Hong Kong trong thời gian từ năm 1626-1980, trong đó có nhóm bản đồ ghi nhận cực Nam của Trung Quốc là đảo Hải Nam; nhóm bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa nằm sát lãnh thổ Việt Nam; nhóm bản đồ thương mại và hàng hải châu Á và Đông Nam Á thể hiện Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Việt Nam.

Đặc biệt, ba tập bản đồ do chính quyền Trung Quốc xuất bản trong các năm 1908, 1919, 1933 rất có giá trị trong việc phản biện đòi hỏi vô lý của Trung Quốc về chủ quyền đối với Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Tài liệu thứ ba do Công an thành phố Đà Nẵng cung cấp để triển lãm, gồm bốn bản đồ thể hiện Hoàng Sa và Trường Sa thuộc Việt Nam. Tài liệu thứ tư là kết quả nghiên cứu Đề tài khoa học: "Quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam qua các tư liệu lưu trữ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa(1954-1975).”/.

Phương Mai

Tin cùng chuyên mục