Mặc dù Lễ khai mạc Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội đã kết thúc từ 9 giờ sáng nhưng đến trưa nay, dòng người đổ về khu vực Hồ Hoàn Kiếm vẫn nườm nượp. Cờ hoa phấp phới trên tay, đầu đội băng rôn đỏ với dòng chữ “1000 năm Thăng Long – Hà Nội”, “Tôi yêu Hà Nội”… nét mặt ai cũng tươi vui, hớn hở.
Một bầu không khí thực sự sôi động của lễ hội chào mừng nghìn năm Thăng Long đã bắt đầu.
Hồ Gươm hôm nay như lung linh hơn với hàng nghìn trái tim yêu thương cùng hướng về. Người say sưa chụp ảnh, người trầm trồ chỉ trỏ, nhóm khác lại ngồi lặng yên ngắm nhìn những Đài Nghiên Tháp Bút mà cảm như hồn thiêng của Thủ đô thấm vào lòng mình.
Tháp Hòa Phong với rêu phong cỏ mọc càng trở nên thầm trầm và cổ kính giữa những náo nhiệt tưng bừng của cờ hoa, của tiếng nói cười rộn rã. Đây là nơi đặc biệt thu hút các bạn trẻ đến chụp ảnh, ghi hình kỷ niệm.
Ở một góc khác, nơi sân khấu của Lễ Khai mạc, cũng trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho việc lưu lại những khoảng khắc thiêng liêng của Đại lễ nghìn năm. Ai ai cũng đeo băng rôn đỏ với dòng chữ chào mừng, má dán lá cờ Tổ quốc cách điệu hình trái tim. Niềm hân hoan bừng lên trên từng nét mặt.
“Vui, háo hức, thấy tự hào và vô cùng hạnh phúc là cảm xúc của em lúc này,” Nguyễn Thị Ngoan, lớp K37B, sinh viên trường Đại học Y tế Công cộng chia sẻ.
Hôm nay, Ngoan dậy từ sớm để cảm nhận thật trọn vẹn không khí ngày trọng đại của Thủ đô. Cô cho biết, buổi sáng, đi trên những con đường Hà Nội dưới những bóng cây, giữa không khí mát mẻ, trong lành, được nghe hát vang các ca khúc cách mạng hào hùng, đặc biệt là bài Hà Nội – Niềm tin và hy vọng, Ngoan thấy tim mình như nghẹn lại. Một cảm xúc rất khó diễn đạt thành lời trào dâng trong lòng, vừa tự hào, vừa háo hức, cảm thấy mình hạnh phúc khi được sống trong hòa bình và thấy mình phải sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông.
Không có điều kiện để lên với Hồ Gươm sớm như Ngoan, phải 10 giờ, nhóm bạn Mai, Khoa, Phượng, Hồng của trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương mới tới Hồ Hoàn Kiếm. Vừa mải mê ngắm những cành liễu rủ mềm mại ven hồ, Mai vừa vui vẻ cho biết kế hoạch của cả nhóm: “Tụi em quyết định sẽ dành trọn một ngày chỉ để ngắm Hồ Gươm. Chưa bao giờ em thấy hồ đẹp như hôm nay.” Và để thực hiện kế hoạch, nhóm bạn trẻ này đã chuẩn bị sẵn một bữa trưa rất… sinh viên với một bịch bánh mì gối, hộp patê, nước và kẹo.
Trong khi nhóm bạn sinh viên rôm rả chuyện trò thì ở ghế đá kế bên, có hai cụ bà cũng đang say sưa ngắm dòng người tấp nập lại qua. Mặc dù năm nay đã 80 tuổi nhưng cụ bà Lê Thị Phương Mai (nhà số 33, tổ 12, phường Định Công) vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Cụ xúc động chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 70 tuổi, năm nào tôi cũng cầu mong Trời Phật cho khỏe mạnh để có thể sống tới ngày Đại lễ. Năm nay đã 80 mà vẫn có thể tự mình đi lên Hồ Gươm để cảm nhận được hào khí Thăng Long, tôi thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc. Hà Nội hôm nay đã rất khác. Mọi người đều phấn khởi và ý thức hơn, có tới hàng nghìn hàng vạn người nhưng ai nấy đều ý thức rất tốt về giữ gìn vệ sinh đường phố.”
Cùng đi chơi Đại lễ với cụ Mai là cụ bà Bùi Thị Dung, ở phường Mai Dịch. “Chúng tôi sẽ chơi tới tối luôn. Có bánh chưng ăn trưa đây rồi,” cụ Dung vừa cười vừa nói rất hào hứng. Không khí Đại lễ đã thực sự làm cho lòng người trẻ lại./.
Một bầu không khí thực sự sôi động của lễ hội chào mừng nghìn năm Thăng Long đã bắt đầu.
Hồ Gươm hôm nay như lung linh hơn với hàng nghìn trái tim yêu thương cùng hướng về. Người say sưa chụp ảnh, người trầm trồ chỉ trỏ, nhóm khác lại ngồi lặng yên ngắm nhìn những Đài Nghiên Tháp Bút mà cảm như hồn thiêng của Thủ đô thấm vào lòng mình.
Tháp Hòa Phong với rêu phong cỏ mọc càng trở nên thầm trầm và cổ kính giữa những náo nhiệt tưng bừng của cờ hoa, của tiếng nói cười rộn rã. Đây là nơi đặc biệt thu hút các bạn trẻ đến chụp ảnh, ghi hình kỷ niệm.
Ở một góc khác, nơi sân khấu của Lễ Khai mạc, cũng trở thành sự lựa chọn lý tưởng cho việc lưu lại những khoảng khắc thiêng liêng của Đại lễ nghìn năm. Ai ai cũng đeo băng rôn đỏ với dòng chữ chào mừng, má dán lá cờ Tổ quốc cách điệu hình trái tim. Niềm hân hoan bừng lên trên từng nét mặt.
“Vui, háo hức, thấy tự hào và vô cùng hạnh phúc là cảm xúc của em lúc này,” Nguyễn Thị Ngoan, lớp K37B, sinh viên trường Đại học Y tế Công cộng chia sẻ.
Hôm nay, Ngoan dậy từ sớm để cảm nhận thật trọn vẹn không khí ngày trọng đại của Thủ đô. Cô cho biết, buổi sáng, đi trên những con đường Hà Nội dưới những bóng cây, giữa không khí mát mẻ, trong lành, được nghe hát vang các ca khúc cách mạng hào hùng, đặc biệt là bài Hà Nội – Niềm tin và hy vọng, Ngoan thấy tim mình như nghẹn lại. Một cảm xúc rất khó diễn đạt thành lời trào dâng trong lòng, vừa tự hào, vừa háo hức, cảm thấy mình hạnh phúc khi được sống trong hòa bình và thấy mình phải sống tốt hơn để xứng đáng với cha ông.
Không có điều kiện để lên với Hồ Gươm sớm như Ngoan, phải 10 giờ, nhóm bạn Mai, Khoa, Phượng, Hồng của trường Cao đẳng Sư phạm Mẫu giáo Trung ương mới tới Hồ Hoàn Kiếm. Vừa mải mê ngắm những cành liễu rủ mềm mại ven hồ, Mai vừa vui vẻ cho biết kế hoạch của cả nhóm: “Tụi em quyết định sẽ dành trọn một ngày chỉ để ngắm Hồ Gươm. Chưa bao giờ em thấy hồ đẹp như hôm nay.” Và để thực hiện kế hoạch, nhóm bạn trẻ này đã chuẩn bị sẵn một bữa trưa rất… sinh viên với một bịch bánh mì gối, hộp patê, nước và kẹo.
Trong khi nhóm bạn sinh viên rôm rả chuyện trò thì ở ghế đá kế bên, có hai cụ bà cũng đang say sưa ngắm dòng người tấp nập lại qua. Mặc dù năm nay đã 80 tuổi nhưng cụ bà Lê Thị Phương Mai (nhà số 33, tổ 12, phường Định Công) vẫn rất khỏe mạnh và minh mẫn.
Cụ xúc động chia sẻ: “Bắt đầu từ năm 70 tuổi, năm nào tôi cũng cầu mong Trời Phật cho khỏe mạnh để có thể sống tới ngày Đại lễ. Năm nay đã 80 mà vẫn có thể tự mình đi lên Hồ Gươm để cảm nhận được hào khí Thăng Long, tôi thấy mình thật sự may mắn và hạnh phúc. Hà Nội hôm nay đã rất khác. Mọi người đều phấn khởi và ý thức hơn, có tới hàng nghìn hàng vạn người nhưng ai nấy đều ý thức rất tốt về giữ gìn vệ sinh đường phố.”
Cùng đi chơi Đại lễ với cụ Mai là cụ bà Bùi Thị Dung, ở phường Mai Dịch. “Chúng tôi sẽ chơi tới tối luôn. Có bánh chưng ăn trưa đây rồi,” cụ Dung vừa cười vừa nói rất hào hứng. Không khí Đại lễ đã thực sự làm cho lòng người trẻ lại./.
Phạm Mai (Vietnam+)