Ngày 10/5, Ông Lê Quang Phúc, Phó giám đốc Nhà máy bột và giấy Tân Mai cho biết, hơn 5 năm qua, hàng nghìn tấn máy móc, thiết bị để dùng cho nhà máy bột và giấy Tân Mai đành phải bỏ hoang, phơi nắng phơi sương bởi vì nhà máy không hoạt động.
Để duy trì, bảo vệ số thiết bị này, nhà máy phải sử dụng 9 nhân viên túc trực 24/24.
Theo quan sát của phóng viên, hiện nay, toàn bộ các thiết bị nhập về được chủ đầu tư bỏ ngổn ngang cả một khu vực rộng lớn. Một số thiết bị đã bị rỉ sét, hư hỏng, cỏ dại mọc vây kín.
Nhìn từ ngoài vào nhà máy, hệ thống nhà xưởng, hạng mục xây dựng dở dang đang xuống cấp trầm trọng.
Theo tìm hiểu của phóng viên TTXVN, dự án này được chấp thuận chủ trương đầu tư từ năm 2008, được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 3/2009, dự kiến hoàn thành năm 2011.
Dự án được khởi công từ tháng 7/2010 nhưng đến năm 2012 phải tạm dừng thi công. Nhà đầu tư chỉ mới triển khai thực hiện lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, giải phóng mặt bằng.
Với công suất dự kiến khoảng 130.000 tấn bột giấy mỗi năm và 200.000 tấn giấy in cao cấp, nhà máy từng được kỳ vọng là dự án lớn nhất ngành giấy.
Tổng vốn đầu tư ban đầu của dự án là 1.948 tỷ đồng; trong đó, vốn góp 30%, còn lại là vốn vay. Sau 5 lần điều chỉnh, tổng vốn đầu tư của dự án đã tăng lên 5.007 tỷ đồng.
Tuy nhiên, nhà đầu tư mới chỉ tập kết về mặt bằng dự án tại Quảng Ngãi 497/ 612 container và 184/212 thiết bị siêu trường, siêu trọng. Số thiết bị còn lại đang ở cảng Tiên Sa Đà Nẵng và Đồng Nai.
Qua thanh tra cho thấy, nhãn mác, ký hiệu bên ngoài của 21 nhóm loại máy móc, thiết bị tại mặt bằng nhà máy được sản xuất, chế tạo từ năm 2003.
Dự án Nhà máy bột và giấy Tân Mai Quảng Ngãi cũng đã được lãnh đạo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi giao cho Sở kế hoạch và Đầu tư thực hiện theo thẩm quyền ra văn bản chấm dứt đầu tư và thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư 2014./.