"Hàng Thái" hết thời

"Hàng Thái" hết thời-cáo chung một chiến lược

Hoàng Anh Gia Lai đã từng hùng mạnh bởi những người Thái nhưng nay cũng chính họ đang góp phần làm đội bóng này suy yếu.
Hoàng Anh Gia Lai đã từng hùng mạnh bởi những người Thái nhưng nay cũng chính họ đang góp phần làm đội bóng này suy yếu.

Hàng Thái hết thời. Thonglao không bằng Kiatisak. Dusit là một huấn luyện viên trẻ. Chatchai, Anan không phải là những chiến thuật gia tầm cỡ. Tất cả những “nguyên nhân Thái” đó đều đúng. Nhưng nguyên nhân chính yếu là đã có sự thay đổi về tương quan trình độ và đẳng cấp giữa 2 nền bóng đá Việt Nam và Thái Lan.
 
Tương quan của sự thay đổi ấy ghi nhận sự nhích lên của Việt Nam, của chất lượng cầu thủ ngoại chơi ở V-League được cải thiện đáng kể, trong khi trình độ của bóng đá Thái Lan có vẻ không được nâng cấp.

Cụ thể, Thái Lan vẫn bá chủ SEA Games nhưng họ thất bại trong 3 kỳ AFF Suzuki  Cup (trước là Tiger Cup) gần nhất. Sau thành công của BEC Tero, một câu lạc bộ danh tiếng của Thái Lan ở đấu trường châu lục (vào chung kết AFC Champions League cách nay 5 năm), không còn đội bóng nào làm được điều tương tự hoặc hơn. Sau thời Thedsak Chaiman được bầu chọn là cầu thủ xuất sắc giải đấu đó năm 2003, Thái Lan không có cá nhân nào đạt được danh hiệu cá nhân tương tự.

Việc vô địch AFF Suzuki Cup 2008 chưa đủ để nhìn nhận Việt Nam đã vượt người Thái về đẳng cấp và trình độ, nhưng nếu bảo khoảng cách đã được thu hẹp thì đó không phải là một nhận định quá đáng.

Năm 2003 và 2004, khi Hoàng Anh Gia Lai vô địch với bộ ba người Thái là Kiatisak, Tawan và Dusit làm nòng cốt thì V-League còn chưa có nhiều những ngôi sao ngoại đẳng cấp như hiện tại.

Ở thời điểm đó, người ta mới chỉ thấy có Achilefu, Amaobi, Mauricio Luis, Rogerio, Carlos Rodriquez, Da Silva, Julien, Alphonse... là đáng kể, và rất nhiều đội bóng loay hoay với các sự thử nghiệm từ cầu thủ vô danh đến từ Hàn Quốc (Bình Dương) cho tới những cầu thủ trẻ Trung Quốc (Ngân hàng Đông Á) và thất bại. Mặt bằng ấy đương nhiên là bệ phóng để tôn vinh những cầu thủ Thái có thương hiệu đứng trong đội hình của Hoàng Anh Gia Lai.
  
Trong khi đó, V-League hiện tại, bên cạnh những món “hàng chợ” là khá nhiều những ngôi sao đẳng cấp không phải là hàng Thái như Kesley, Almeida, Antonio, Leandro,  Philani và Francois. Họ chiếm ưu thế hay nói đúng hơn là chứng tỏ ưu thế của những cầu thủ Nam Mỹ và gốc Phi vừa có kỹ thuật, chiến thuật lại vừa vượt trội về thể lực, thể hình.
 
Hoàng Anh Gia Lai mở ra con đường dùng hàng Thái ở V-League, và khá tự hào với chiến lược đó, nhưng 5 năm liền tay trắng và 2 thế hệ cầu thủ Thái Lan thất bại ở phố núi cho thấy nó không tương xứng với sự lựa chọn của họ.
 
Khi bầu Đức nói Hoàng Anh Gia Lai có 98% cơ hội vô địch ở mùa giải năm nay, có thể tin rằng ông không chỉ dựa vào ngôi sao Việt kiều Mỹ Lee Nguyễn, không chỉ hy vọng ở dàn cầu thủ Đồng Tháp đầu quân ở Pleiku. Ông còn tin Thonglao sẽ phát huy được khả năng, cũng như tin vào hai cầu thủ Thái nhập quốc tịch Việt Nam là Sakda và Nirut.
 
Có điều, Sakda và Nirut cũng chỉ ngang hàng với những cầu thủ nội khác, hoặc có một sự so sánh cụ thể thì Sakda không thể bằng Phước Tứ ở vị trí tiền vệ trụ, hay Nirut thì không thể bằng Minh Đức của Ximăng Hải Phòng hay Phước Vĩnh-Hải Lâm ở SHB Đà Nẵng chứ chưa nói tới Như Thành, Huy Hoàng thời đỉnh cao.
 
Sau khi thất bại rất đau ở mùa giải năm nay (bị loại ở Cúp Quốc gia và nguy cơ xuống hạng ở V-League) nếu Hoàng Anh Gia Lai có thay đổi lớn về chiến lược xây dựng đội bóng, trong đó hàng Thái không được ưa chuộng nữa, thì có lẽ cũng không phải điều bất ngờ.
 
Khi ấy, chắc cũng chẳng cần phải níu kéo Thonglao ở lại Pleiku khi hợp đồng của anh đáo hạn, không phải giữ lại Dusit để làm biểu tượng và có khi không cần thiết để đặt ra câu hỏi - nếu bầu Đức đưa Kiatisak trở lại Việt Nam, đó có là toa thuốc bổ cho “bệnh nhân”!/.
(TT&VH/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục