Hàng tiêu dùng vẫn "cố thủ" dù giá xăng đã giảm liên tiếp

Hàng tiêu dùng vẫn "cố thủ" cho dù giá xăng đã giảm liên tiếp

Mặc cho giá xăng giảm, hầu hết các mặt hàng thiết yếu ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người tiêu dùng vẫn chưa "bắt được song" giảm giá.
Hàng tiêu dùng vẫn "cố thủ" cho dù giá xăng đã giảm liên tiếp ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Giá xăng, dầu tiếp tục giảm 310 đến 360 đồng/lít vào những ngày đầu năm 2015. Như vậy nếu tính từ cuối tháng 7/2014 đến nay, tổng cộng giá xăng đã giảm gần 8.000 đồng/lít.

Đây là tín hiệu mừng đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp với hi vọng sẽ tạo làn sóng giảm giá cước dịch vụ và giá cả hàng hóa sẽ giảm theo. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng và sản xuất của người dân vẫn chưa bắt được “sóng giảm giá” này.

Vận tải đã giảm cước

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, hiệp hội đã kiến nghị với các thành viên điều chỉnh giảm giá cước cho phù hợp. Hiện có khoảng 80 doanh nghiệp taxi và 60 doanh nghiệp vận tải tuyến cố định giảm giá cước trong đầu năm 2015. Các doanh nghiệp taxi sẽ giảm 3-5% giá cước và nhiều đơn vị vận tải giảm mạnh tới 10-15% giá cước.

Ông Khúc Hữu Thanh Hải, Giám đốc Công ty Vận tải Thương mại và Dịch vụ Đất Cảng (Hải Phòng) cho biết, doanh nghiệp đã điều chỉnh giảm giá cước taxi khoảng 6%, tương đương 500 đồng/km.

Theo đó, giá taxi giảm xuống còn từ 11.000-11.500 đồng/km, thay vì 11.500-12.000 đồng/km. Đối với giá cước vận tải xe khách đường dài, doanh nghiệp cũng điều chỉnh giảm khoảng 7%.

Đại diện Bến xe Mỹ Đình, Phó Giám đốc Nguyễn Mạnh Tuấn cho hay, các doanh nghiệp đã thông báo giảm giá vé xe, dao động thấp nhất từ 4-20%. Doanh nhiệp vận tải kinh doanh tuyến dài như Công ty cổ phần Thương mại - Dịch vụ Thuận Ý Gia Lai thông báo giảm giá cước tuyến Hà Nội-Đức Long (Gia Lai) xuống còn 620.000 đồng (giá cũ là 650.000 giảm 5%); Hợp tác xã Vận chuyển khách, hàng hóa và Dịch vụ thành phố Điện Biên thông báo giá đối với xe giường nằm (tuyến Hà Nội-Điện Biên) xuống còn 360.000 đồng (giá cũ 375.000 đồng giảm 4%).

Còn lại đối với các tuyến ngắn Nam Định, Phú Thọ, Hà Nam các doanh nghiệp thông báo giảm giá trên 10%. Cụ thể, Công ty Thương mại Quyết Thắng thông báo giảm giá 13% tuyến Hà Nội - Phú Thọ xuống còn 55.000 đồng (giá cũ 63.000 đồng)...

Có thể nhận thấy, giá xăng dầu giảm mạnh trong năm 2014 và tiếp tục giảm đầu năm 2015 đã giúp giảm gánh nặng về chi phí đầu vào cho các doanh nghiệp vận tải.

Ông Bùi Danh Liên khẳng định, nếu sau ngày 15/1, các doanh nghiệp vận tải vẫn không giảm giá cước, hiệp hội sẽ nêu rõ những bất hợp lý trong việc kê khai giá cước vận tải của từng doanh nghiệp cụ thể, gửi tới cơ quan chức năng để có sự can thiệp kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Vẫn chưa tác động tới nông nghiệp

Ông Lê Bá Lịch, Chủ tịch Hiệp hội thức ăn chăn nuôi Việt Nam cho biết trong quý 4/2014, giá thức ăn chăn nuôi đã có giảm từ 0,5-1%, chủ yếu đối với sản phẩm thức ăn hỗn hợp. Sự giảm giá này chủ yếu nhờ vào giá nông sản trên thế giới giảm.

Dự kiến, thời gian tới, giá thức ăn chăn nuôi sẽ có xu hướng giảm giá vì giá xăng dầu đã giảm mạnh.

Tuy nhiên, về khía cạnh này, theo ông Lịch, quan trọng là giá cước vận tải phải giảm mạnh thì giá thức ăn chăn nuôi mới giảm giá được. Bởi giá xăng dầu tác động đến ngành thức ăn chăn nuôi thông qua cước vận tải.

Ngoài ra, vừa qua, tỷ giá bình quân giữa tiền đồng và đô la Mỹ được Ngân hàng nhà nước điều chỉnh tăng 1% lên mức 21.458 đồng, sẽ tác động đẩy giá thức ăn chăn nuôi, do nguồn nguyên liệu sản xuất chủ yếu phụ thuộc nhập khẩu.

Cùng quan điểm, theo ông Nguyễn Hạc Thúy, Phó Chủ tịch Hiệp hội phân bón Việt Nam, mặc dù Bộ Tài chính có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp giảm giá phân bón tuy nhiên quyết định này sẽ gây những khó khăn cho doanh nghiệp.

Vì vậy các doanh nghiệp đang đề xuất là không giảm giá bởi lẽ khi thuế VAT chỉ giảm cho đầu ra mà không giảm đầu vào thì doanh nghiệp vẫn phải gồng gánh nặng cho chi phí vận chuyển, chi phí nhập khẩu phân bón, chất đốt và các nguyên phụ liệu khác. Và đương nhiên, nông dân khó được hưởng lợi từ việc giảm giá xăng, dầu.


Hàng tiêu dùng tiếp tục “chây ỳ”

Mặc cho giá xăng giảm, hầu hết các mặt hàng tiêu dùng có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống người tiêu dùng như rau, thịt, cá... vẫn giữ giá so với thời điểm tháng 11 và 12 năm 2014.

Khảo sát các chợ tại Hà Nội, ngày 8/1, giá cả các loại thực phẩm không có nhiều thay đổi so với thời điểm quý 4/2014. Giá thịt bò vẫn ở mức 170.000-200.000 đồng/kg, giá gà ta từ 100.000-120.000 đồng/kg, thịt rọi, thịt thăn giá 100.000 đồng/kg.

Giá trứng vịt vẫn giữ ở mức 35.000 đồng/chục, trứng gà ở mức 37.000-40.000 đồng/chục. Tôm sú dao động từ 400.000-460.000 đồng/kg...

Các loại rau, củ quả có giảm nhẹ khoảng 10-20% vào những ngày nắng ấm Tết dương lịch, nhưng đến nay đã tăng trở lại mức giá cuối năm 2014. Rau muống có giá 18.000 đồng/mớ; rau cải xong 5.000 đồng/mớ; rau cải thảo 10.000 đồng/kg; cà chua 15.000 đồng/kg...

Với tình hình thị trường như hiện tại, rõ ràng giá hàng hóa không giảm là bất hợp lý và gây thiệt hại cho người tiêu dùng. Theo ý kiến từ Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng, doanh nghiệp hàng hóa cần cân nhắc, điều chỉnh giảm giá để đồng hành với người tiêu dùng. Bên cạnh đó, bàn tay điều hành từ phía nhà nước cũng là vô cùng quan trọng.

Theo Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú, đã qua rất nhiều lần giá xăng giảm nhưng hàng tiêu dùng vẫn không giảm theo. Đây là nghịch lý và không thể đổ lỗi cho thị trường.

"Chúng ta yếu ở khâu phân phối và khâu quản lý. Hiệu năng quản lý nhà nước về giá chưa đủ mạnh, thực hiện công tác bình ổn giá, xây dựng và quản lý hệ thống phân phối vẫn chưa quyết liệt...", ông Phú nhận định.

Theo ông Phú, cơ quan quản lý Nhà nước cần nhanh chóng vào cuộc để thiết lập mặt bằng giá cho phù hợp mức giảm giá xăng vừa qua; phải tổ chức tốt các chuỗi cung ứng để sản phẩm đến tay người tiêu dùng không bị đội giá; chọn một số mặt hàng thiết yếu để rà soát, kiểm tra và yêu cầu doanh nghiệp điều chỉnh giá phù hợp./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục