Hàng vạn người dân Ba Lan xuống đường biểu tình phản đối chính phủ

Ngày 6/5, hàng chục nghìn người dân Ba Lan đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Warsaw nhằm phản đối chính phủ, cho rằng nền pháp quyền đang bị đe dọa.
Hàng vạn người dân Ba Lan xuống đường biểu tình phản đối chính phủ ảnh 1Phần lớn người biểu tình mang theo quốc kỳ Ba Lan và cờ của Liên minh châu Âu, với cùng mong muốn rằng Chính phủ đương thời ở Ba Lan cần tôn trọng dân chủ và luật pháp để có thể ở lại lâu dài trong EU. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Ngày 6/5, hàng chục nghìn người dân Ba Lan đã xuống đường biểu tình tại thủ đô Warsaw nhằm phản đối chính phủ, cho rằng nền pháp quyền đang bị đe dọa sau một loạt những động thái cải cách và bổ nhiệm gây tranh cãi liên quan đến các đài phát thanh công ở nước này.

Cuộc biểu tình mang tên "Cuộc tuần hành tự do" do đảng Cương lĩnh Công dân (PO) - đảng đối lập chính ở Ba Lan - phát động, diễn ra ngay sau khi một cuộc thăm dò dư luận cho thấy PO đang lần đầu tiên dẫn trước đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cầm quyền theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cánh tả, với tỷ lệ ủng hộ chênh lệch khá sít sao 31% và 29%.

Phần lớn người biểu tình mang theo quốc kỳ Ba Lan và cờ của Liên minh châu Âu (EU), với cùng mong muốn rằng chính phủ đương thời ở Ba Lan cần tôn trọng dân chủ và luật pháp để có thể ở lại lâu dài trong EU.


[Tổng thống Ba Lan nêu lý do thay đổi bản hiến pháp 20 năm]

Phát biểu trước đám đông, lãnh đạo PO Grzegorz Schetyna nêu rõ: “Chúng tôi muốn một nước Ba Lan dân chủ, thân châu Âu và tìm kiếm đối tác và bạn bè ở EU, chứ không phải kẻ thù. Chúng tôi sẽ ngăn chặn những việc làm sai trái của chính phủ." 

PO đồng thời cáo buộc Chủ tịch PiS - ông Jarosław Kaczyński - đang lợi dụng các chính sách mà đảng này gọi là "sự thay đổi tốt đẹp" để làm xói mòn tính độc lập của Tòa án Hiến pháp cũng như các cơ quan công lập khác, trong đó có các đài phát thanh truyền hình.

Từ khi lên nắm quyền sau cuộc bầu cử tháng 10/2015, đảng PiS đã liên tục vấp phải sự phản đối xoay quanh một loạt các chính sách gây tranh cãi, như siết chặt luật nạo phá thai và cải cách Tòa án Hiến pháp.

EU đã yêu cầu Chính phủ Ba Lan bãi bỏ những thay đổi về quy trình hoạt động của Tòa án Hiến pháp nước này nếu không muốn đối mặt với các biện pháp trừng phạt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục