Hàng vạn người nghẹn lòng thương nhớ Đại tướng

Ngày thứ hai lễ mặc niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, dòng người tới viếng Đại tướng đã lên tới hàng vạn người. Ai cũng trầm buồn, nghẹn lòng.
Trời Thu Hà Nội như chậm lại theo dòng người tới viếng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp tại tư gia số nhà 30 phố Hoàng Diệu, Ba Đình (Hà Nội). Trong dòng người ấy, ai ai cũng chung tâm trạng trầm buồn, nghẹn lòng thương nhớ người anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Mặc dù đến 8 giờ sáng mới bắt đầu đến giờ vào thăm viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhưng ngay từ 5 giờ sáng 7/10, nhiều người đã có mặt xếp hàng dài trật tự. Dòng người về viếng Đại tướng ngày một đông, đến 10 giờ sáng, hàng chục nghìn người xếp hàng dài gần hàng kilômét hướng tới ngôi nhà số 30 Hoàng Diệu.

Sức yếu, mắt mờ, tai không còn nghe rõ và phải ngồi xe lăn nhưng người cựu chiến binh Nguyễn Trọng Ngữ (Hải Phòng) vẫn nhờ con cháu đưa lên Hà Nội để dự lễ viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, đánh trận Him Lam, Cao-Bắc-Lạng, với ông Ngữ, Đại tướng là người chỉ huy tài ba, luôn nhận được sự ủng hộ của quân cũng như dân.

“Biết tin Đại tướng qua đời tôi rất đau lòng, tâm nguyện đến viếng Đại tướng vào giờ này với tôi đã toại nguyện,” ông Ngữ nghẹn ngào.

Đứng trên vỉa hè phố Hoàng Diệu, vợ chồng ông bà Nguyễn Thị Kim Oanh với vẻ mặt buồn. Ông bà vừa mới vào viếng Đại tướng trở ra cho chúng tôi hay: "Nhà của tôi ở ngay trên đường Điện Biên Phủ, chỉ cách nhà Đại tướng vài trăm mét nhưng chúng tôi ra xếp hàng để vào viếng Đại tướng từ 7 giờ sáng, khi ấy đã rất đông người đến viếng “Tướng Văn.”

“Khi vào viếng, nước mắt tôi dàn dụa. Tôi nhớ ngày Quốc tang Bác Hồ, khi ấy tôi còn nhỏ nhưng cũng đủ cảm nhận được nỗi đau mất mát to lớn của dân tộc Việt. Cả nước khóc thương Người, và hôm nay khi đến viếng Bác Giáp tôi cũng có cảm giác như vậy,” bà Oanh nghẹn ngào nói.

Đứng từ xa nhìn dòng người nối dài vào viếng Đại tướng, Michael và Elen đến từ Greenland (Đan Mạch) chia sẻ: “Chúng tôi biết được thông tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời trên báo Đan Mạch, tình cờ đúng dịp sang Việt Nam. Chúng tôi cũng muốn vào viếng Đại tướng, nhưng vì người dân xếp hàng dài quá nên chưa biết bao giờ sẽ đến lượt mình.”

Elen cho biết thêm, ở đất nước Đan Mạch, nhiều người dân cũng biết đến danh tướng Võ Nguyên Giáp thông qua những trang sách lịch sử.

Với đôi mắt ngấn lệ sau khi đã vào viếng Đại tướng, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Trọng Hùng, người năm nay đã 76 tuổi, nguyên là giảng viên khoa Vật lý Đại học Sư phạm Hà Nội, giọng run run: "Tôi biết trước đây có thời Đại tướng cũng là thầy giáo, với tôi ông như người thầy và cũng là người đồng nghiệp. Tôi rất xúc động trước tin Đại tướng qua đời, tôi nói với các con đưa bố đến nhà riêng Đại tướng để viếng cụ Giáp."

“Cuộc đời tôi đã nhiều lần đi viếng người thân nhưng có lẽ để lại trong tôi ấn tượng mạnh nhất đó là lần đi viếng Bác Hồ và lần này là đi viếng Đại tướng. Ngày Bác Hồ mất, tôi đang công tác ở Thanh Hóa, nghe tin Bác ra đi, tôi đã vội chạy về viếng Bác và có lẽ tôi là người cuối cùng được đi qua linh cữu của Người. Và lần này tôi rất xúc động được đến viếng Đại tướng, người mà trong cả cuộc đời tôi luôn tâm nguyện học tập,” ông Hùng chia sẻ.

Ông Hùng cũng mong thế hệ trẻ hôm nay và mai sau học tập theo gương của Đại tướng và quan trọng nhất là lòng yêu nước, kiên quyết giữ vững độc lập dân tộc, khi nhớ đến Đại tướng là nhớ tới những lời Người dạy bảo.

Càng về trưa lượng người đến chia buồn, viếng Đại tướng càng nhiều. Theo ước tính của Ban tổ chức, lượng khách tới chia buồn với gia đình Đại tướng trong hai ngày 6 và 7/10 lên tới cả hàng trăm ngàn người. Lực lượng bảo vệ và Ban tổ chức đã tận tình giúp đỡ người dân vào chia buồn với gia đình Đại tướng.

Đại tá Đào Xuân Tiến, 67 tuổi, nguyên chiến sỹ biệt động Sài Gòn, đến từ xã Lương Vượng, thành phố Tuyên Quang, xúc động cho hay: "Nhận được thông tin Đại tướng qua đời tôi rất buồn. Tự đáy lòng tôi luôn trân trọng Đại tướng, ông là người tướng tài mà ao ước của những người chiến sỹ chúng tôi là được đứng dưới hàng quân. Với anh em cựu chiến binh chúng tôi, sự ra đi của Đại tướng là tổn thất nặng nề, chúng tôi tự nhủ cần học tập và noi gương Đại tướng."

“Trong cuộc đời binh nghiệp, tôi vinh dự được nhiều lần gặp Đại tướng và gần đây nhất là cách đây 15 ngày, khi đó Đại tướng vẫn đang nằm điều trị tại Bệnh viện Trung ương quân đội 108. Tôi thật buồn khi biết rằng đây là lần cuối cùng tôi được gặp Đại tướng” - đại tá Đào Xuân Tiến rút chiếc khăn tay trong túi áo lau nước mắt.

Trong đoàn người nối dài về thăm viếng Đại tướng có rất nhiều bạn trẻ và có lẽ phần lớn trong số họ đều chưa có cơ hội được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nhưng tình yêu của họ đối với vị Đại tướng huyền thoại của dân tộc luôn sâu sắc. Đứng áp vào cây xà cừ trên vỉa hè Hoàng Diệu, cháu Nguyễn Xuân Long đến từ trường Tiểu học Ngọc Thụy, Long Biên (Hà Nội) nức nở: "Cháu vừa học xong giờ học của buổi sáng, mẹ cháu đón ở cổng trường và đưa sang viếng Cụ, cháu mong sao được vào dâng hoa lên chân dung của Cụ để được thỏa lòng ao ước mấy hôm."

Hòa trong hàng vạn người xếp hàng vào viếng Đại tướng còn là những chiếc áo xanh tình nguyện của Đội tình nguyện Thành Đoàn Hà Nội. Nắm tay nhau, những tình nguyện viên tạo thành hàng hướng dẫn đồng bào vào viếng Đại tướng nghiêm trang.  

Lễ đón nhân dân đến chia buồn với gia đình Đại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ kéo dài đến 11/10, sáng từ 8 giờ đến 11 giờ 30 phút, chiều từ 14 giờ đến 16 giờ./.

(Báo Tin Tức/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục