Hàng Việt chịu sức ép lớn hơn trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung?

Có rất nhiều dự báo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó có cả cơ hội với Việt Nam và cả những thách thức do độ mở của nền kinh tế rất lớn.
Hàng Việt chịu sức ép lớn hơn trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 1Hoạt động vận chuyển hàng hóa đường biển. (Ảnh: TTXVN)

Việt Nam đã tham gia và ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có cả những đối tác thương mại lớn nhất hành tinh như Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…

Với độ mở của nền kinh tế lớn như vậy, nhiều chuyên gia dự báo, cuộc chiến thương mại giữa hai “người khổng lồ” Mỹ-Trung sẽ có tác động đến kinh tế của Việt Nam cả ở khía cạnh tích cực và tiêu cực.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Nông nghiệp Việt chịu tác động gì]

Cơ hội đan xen lẫn thách thức

Theo ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), có rất nhiều dự báo trong cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, theo đó có cả cơ hội với Việt Nam và cả những thách thức do độ mở của nền kinh tế rất lớn.

Tuy vậy, ông cũng cho rằng, rất khó dự báo và có thể đưa ra một chiến lược chuẩn xác nhằm ứng phó với với những tình huống xảy ra trong cuộc chiến tranh thương mại này, bởi cuộc chiến có thể chỉ diễn ra một thời gian ngắn nhưng cũng có thể kéo dài nhiều năm.

"Nếu không xử lý khéo thì đây là cuộc chiến thương mại giữa hai nước lớn và có thể sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất siêu sang Hoa Kỳ,” lãnh đạo Cục xuất nhập khẩu dự báo.

Ở góc độ chuyên ngành, ông Phan Văn Chinh lo ngại cuộc chiến tranh thương mại có thể là một thách thức với xuất khẩu của Việt Nam, do vậy ông nhấn mạnh, cần phải tổ chức tốt thị trường xuất khẩu và đảm bảo hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước.

Trong khi đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cũng nhìn nhận cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung là một vấn đề rất lớn, thậm chí không chỉ dừng ở góc độ kinh tế đơn thuần mà có thể lan rộng sang góc độ chính trị.

Bộ trưởng dẫn chứng, không chỉ là sắc thuế mà còn cả những vấn đề liên quan đến bản quyền công nghệ, cơ cấu kinh tế, chính sách tiền tệ tín dụng đang đặt ra những yêu cầu đối với Việt Nam.

Đến thời điểm này, nền kinh tế Việt Nam đã hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới với độ mở lớn. Theo chuyên gia Quang San, một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực kinh tế quốc tế, những biến động của kinh tế thế giới đều ít nhiều tác động đến kinh tế Việt Nam.

Song theo ông, kinh tế, thương mại toàn cầu hiện nay đã phát triển ở mức độ cao, đan xen, phụ thuộc lẫn nhau với các mô thức kinh doanh, kết nối chuỗi sản xuất đa dạng, phức tạp. Do vậy, đánh giá tác động từ bên ngoài đối với nền sản xuất, hoạt động thương mại của một quốc gia cũng cần xét nhiều chiều.

Lập luận ý kiến này, ông San cho rằng, trước mắt, nếu chỉ nhìn vào các sản phẩm Mỹ và Trung Quốc áp thuế với nhau, tác động trực tiếp đối với hoạt động thương mại của Việt Nam không nhiều. Theo đó, Mỹ áp thuế với các sản phẩm công nghệ cao mà Việt Nam không xuất khẩu. Trung Quốc áp thuế với nhóm nông sản, thủy sản, phương tiện vận tải mà Việt Nam không sản xuất hoặc không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa Mỹ.

Nhưng xét dài hạn hơn, theo ông San, xu hướng chuyển dịch thương mại sẽ ngày càng rõ nét. Hàng nông sản Mỹ gặp khó khăn tại Trung Quốc sẽ tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, sức ép mở cửa thị trường với lý do giảm xuất siêu của Việt Nam sẽ ngày càng tăng và ở khía cạnh nào đó, đây là cơ hội dành cho Việt Nam.

Hàng Việt chịu sức ép lớn hơn trước cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung? ảnh 2Hoạt động tại một nhà máy chế biến gỗ. (Nguồn: TTXVN)

Không xử lý khéo, Việt Nam có thể "dính đòn"?

Đánh giá thêm về quan hệ song phương giữa hai nước trong suốt một chặng đường dài, ông Quang San cho rằng, xung đột thương mại Mỹ- Trung có thể lúc nóng, lúc dịu nhưng mâu thuẫn ẩn sau luôn tồn tại. Cho dù không xảy ra xung đột trực diện như hiện nay, Trung Quốc vẫn là nước bị Mỹ điều tra và áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp nhiều nhất. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp sẽ tìm địa điểm đầu tư thuận lợi hơn, trong đó có Việt Nam.

Từ phân tích này, theo ông San, nếu tận dụng được cơ hội trên để thu hút đầu tư, áp dụng công nghệ để phát triển năng lực sản xuất với giá trị gia tăng cao trong dài hạn, sẽ hỗ trợ hiệu quả mục tiêu phát triển bền vững nền kinh tế của Việt Nam.

Ngược lại, nếu không tự nâng cao được năng lực thể chế, chỉ thu hút được đầu tư ở mức lắp ráp, gia công giá trị thấp, thậm chí để xảy ra tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để trốn thuế, không chỉ các doanh nghiệp vi phạm mà toàn ngành sản xuất sẽ gánh hậu quả từ các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng khắt khe. Nền kinh tế quốc dân sẽ bỏ lỡ cơ hội bứt phá, rơi vào nguy cơ tụt hậu.

Một khía cạnh khác theo chuyên gia này, chính sách thương mại của Mỹ đã khác nhiều trong hơn 2 năm qua, đặc biệt trong quan hệ với Trung Quốc. Dù phần lớn các nước vẫn tôn trọng hệ thống thương mại đa biên do Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đại diện và hướng tới tự do hóa thương mại, nhưng trào lưu bảo hộ và các rào cản thương mại đang được áp dụng ngày càng nhiều.

Ông San cho rằng, không có gì đảm bảo rằng lúc nào đó, Mỹ không áp dụng biện pháp với Việt Nam như đã áp dụng với Trung Quốc. Nhất là khi Việt Nam đứng thứ 16 trong số các nước xuất siêu lớn nhất vào Hoa Kỳ với kim ngạch tới 32 tỷ USD năm 2017.

“Xét riêng về lĩnh vực bảo hộ sở hữu trí tuệ, tuy Việt Nam có hệ thống pháp luật khá hoàn chỉnh so với các nước ASEAN, nhưng Mỹ vẫn đánh giá rằng năng lực thực thi quyền của chúng ta còn nhiều điểm chưa đáp ứng yêu cầu quốc tế. Phía Mỹ cũng đã đưa Việt Nam vào danh sách cần theo dõi,” chuyên gia này cảnh báo.

Ông cũng cho rằng, cách tốt nhất là tiếp nhận và tiếp cận những biến động, đặc biệt là những biến động bất lợi một cách chủ động. Có như vậy, mới có thể bình tĩnh ứng phó khôn ngoan và hiệu quả nhất.

Từ phía vĩ mô, ông cũng khuyến nghị nhà nước cần hỗ trợ đắc lực và doanh nghiệp tích cực cùng hướng tới phương thức sản xuất, kinh doanh bài bản, tuân thủ chặt chẽ các tiêu chuẩn kỹ thuật, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu (dù đôi khi khắt khe) của Mỹ như về khai báo lý lịch khai thác thủy sản, các thủ tục xác minh doanh nghiệp, chứng minh xuất xứ sản phẩm gỗ hay kiên trì đấu tranh trong các vụ việc chống bán phá giá, chống trợ cấp.

“Vượt qua những thử thách này sẽ giúp chúng ta vượt lên tầm cao mới về năng lực cạnh tranh cả về thể chế và sản xuất kinh doanh để hội nhập thành công và phát triển bền vững,” chuyên gia này lưu ý thêm.

- Biểu đồ xuất khẩu một số mặt hàng của Việt Nam sang Mỹ năm 2017:

Sẽ không bên nào được lợi

Theo quyết định ngày 15/6/2018 của Tổng thống Donald Trump, từ ngày 6/7/2018, nhóm đầu tiên gồm 818 sản phẩm, phần lớn là sản phẩm công nghệ cao của Trung Quốc có trị giá xuất khẩu năm 2017 khoảng 34 tỷ USD, khi nhập khẩu vào Mỹ sẽ phải chịu thêm khoản thuế suất 25%.

Phía Mỹ quyết định áp thuế với hàng hóa công nghệ của Trung Quốc với cáo buộc nước này nhiều năm qua dùng các chính sách, biện pháp một cách có hệ thống hỗ trợ các công ty Trung Quốc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời, ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ cho các đối tác Trung Quốc.

Cũng theo nhận định của ông San, trong cơn sóng gió này, nông dân Mỹ là những người chịu thiệt hại nhất. Theo nghiên cứu, nếu quy mô xung đột ở mức 100 tỷ USD giá trị sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, lợi tức của nông dân Mỹ sẽ giảm 15%, và việc làm trong lãnh vực này sẽ giảm 181.000.

Riêng tại Bang Ohio, theo nghiên cứu mới đây của Đại học Ohio, nếu Trung Quốc trả đũa 25% thuế với đậu tương và ngô, nông dân bang này sẽ mất quá nửa thu nhập mỗi năm.

Nếu thuế quan có hiệu lực, 10 tiểu bang bị mất việc nhiều nhất là California, Texas, Florida, Washington, NewYork, Georgia, Missouri, Pennsylvania, North Carolina và Ohio.

“Nếu tình hình xấu ngoài dự kiến, chính ông Trump và Đảng Cộng hòa sẽ chịu sức ép từ các nhóm lợi ích này ngay trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tháng 11 tới đây,” chuyên gia này phân tích.

Còn về phía Trung Quốc, thiệt hại cũng không hề nhỏ. Dẫn báo cáo của tổ chức The Conference Board (Mỹ), chuyên gia này cho biết, xung đột thương mại với Mỹ sẽ khiến Trung Quốc chịu thiệt hại trực tiếp nhiều hơn. Bởi lẻ, xuất khẩu sang Trung Quốc giúp GDP của Mỹ tăng thêm 0,7%, ngược lại, xuất khẩu sang Mỹ giúp GDP của Trung Quốc gia tăng 3%. Do vậy, nếu xung đột thương mại với Mỹ leo thang, Trung Quốc sẽ chịu tổn thất lớn hơn.

Theo những phân tích trên, theo ông San có thể suy đoán rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung khó có thể leo thang đến mức 450 tỷ USD như phía Mỹ đe dọa.

Nhiều khả năng các bên sẽ tìm kiếm giải pháp thỏa đáng, hạ nhiệt xung đột, vì lợi ích chung. Thời điểm có thể vào đầu năm sau, tức là sau khi Đảng Cộng hòa đã vững vàng chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ, rộng đường cho Tổng thống Trump triển khai các chính sách trong nửa cuối nhiệm kỳ, chuẩn bị cho cuộc bầu cử Tổng thống năm 2020./.

Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung không còn là “đòn gió”. (Nguồn: VNEWS)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục