Hàng Việt và cuộc đua ở thị trường Campuchia

Tổng giá trị hàng Việt Nam tiêu thụ tại thị trường Campuchia đạt khoảng 988 triệu USD, có thị phần lớn thứ hai, sau hàng Thái Lan.



Hàng Việt Nam đang có cơ hội tốt tại thị trường nước láng giềng Campuchia  khi người tiêu dùng nước này ngày càng có xu hướng lựa chọn hàng Việt Nam thay cho hàng Thái Lan và Trung Quốc.

Hiện hàng Việt Nam chiếm thị phần lớn thứ hai tại Campuchia, trên hàng Trung Quốc và sau hàng Thái Lan. Số doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Campuchia đã lên tới hơn 400 đơn vị, chủ yếu hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất, thương mại, tài chính.

Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu sang Campuchia chủ yếu là mì ăn liền, sản phẩm nhựa, thuốc lá, bánh kẹo, bắp giống, hàng gia dụng, rau quả và nhập khẩu từ Campuchia các loại nguyên liệu phục vụ ngành may, phụ tùng ôtô, gỗ, cao su.

Kim ngạch buôn bán hai chiều tăng trưởng khoảng 40%/năm. Đến năm 2008 đạt 1,7 tỉ USD; dự báo đến năm 2010 con số đó có thể đạt 2 tỉ USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu tăng gấp nhiều lần so với kim ngạch nhập khẩu.

Tổng giá trị hàng Việt Nam tiêu thụ tại thị trường này đạt 988 triệu USD, vượt Trung Quốc và Thái Lan. Trong danh sách 10 mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Campuchia có kim ngạch cao và chiếm lĩnh được thị phần lớn là sắt thép xây dựng, máy móc phục vụ nông nghiệp, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, hàng công nghiệp tiêu dùng, hàng nông sản chế biến, sản phẩm sữa, hải sản và xăng dầu tái xuất.

Theo đánh giá của các doanh nghiệp Campuchia về hàng Việt Nam, hiện nay chất lượng, giá cả sản phẩm của Việt Nam không thua kém so với hàng Thái Lan. Với lợi thế về khoảng cách từ Thành phố Hồ Chí Minh sang Phnompenh khoảng 240km, có thể vận chuyển trong ngày nên một số mặt hàng thực phẩm giữ được độ tươi ngon.

Vừa qua, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) và Trung tâm Nghiên cứu doanh nghiệp-người tiêu dùng của Báo Sài Gòn Tiếp Thị cùng một đoàn chuyên gia sang nghiên cứu thực địa tại Phnompenh và Battambang, điều tra khoảng 500 người bán lẻ và nhà phân phối để so sánh về sức cạnh tranh của hàng Việt đối với hàng Thái và hàng Trung Quốc tại Campuchia.

Cuộc nghiên cứu được tiến hành qua 3 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 5 đến nay, BSA tiến hành nghiên cứu tổng quan môi trường kinh doanh, chính sách, gặp gỡ tìm hiểu kinh nghiệm các công ty Việt Nam phân phối thành công trên thị trường Campuchia.

Kết quả cho thấy, hàng Việt Nam tại thị trường Campuchia được nguời tiêu dùng đánh giá là có giá rẻ, chất lượng ở mức chấp nhận được được và đã có thương hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao. Một số thương hiệu được người tiêu dùng Campuchia nhận biết chung từ Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao, sau đó được phân phối ở các đô thị lớn giúp thương hiệu Việt được nhận biết nhanh.

Thời gian gần đây dồn dập thông tin lo ngại về mức độ an toàn từ hàng hóa Trung Quốc đã khiến người dân Campuchia trở nên cảnh giác với những sản phẩm có nguồn gốc từ nước này.

Ngoài ra, hàng Trung Quốc chưa thực sự mạnh tại thị trường này, còn hàng Thái Lan thường bán ở giá cao hơn so với thu nhập hiện thời của đại đa số người dân Campuchia.

Tuy nhiên, theo ông Trương Cung Nghĩa, Giám đốc Công ty nghiên cứu thị trường Trương Đoàn-công ty tham gia nghiên cứu về người bán lẻ tại thị trường Campuchia, qua quan sát thị trường Campuchia, các sản phẩm Việt Nam nên có tiếng Khmer; bao bì chưa đẹp như hàng Thái; các thương hiệu nhỏ của Việt Nam ở thị trường này lại ít thông tin về nhà sản xuất; định giá đơn vị sản phẩm chưa phù hợp với tập quán chi tiêu của người dân Campuchia.

Bên cạnh đó, hoạt động quảng bá thương hiệu của sản phẩm nói chung còn rời rạc, chưa tạo được ấn tượng cho người tiêu dùng và chưa tạo được vị thế của hàng Việt Nam trong giới kinh doanh ở Campuchia.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, để thâm nhập sâu vào thị trường Campuchia, các doanh nghiệp nên tính đến chuyện phải thiết lập mạng lưới phân phối hàng xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh chương trình quảng bá thương hiệu Việt Nam và thương hiệu sản phẩm; trung thực và giữu chữ tín trong kinh doanh tại Campuchia và nên có người giới thiệu sản phẩm cho các nhà cửa hàng bán lẻ tại thị trường này.

Đối với các sản phẩm mới nên có hàng mẫu để người tiêu dùng dùng thử. Hiện một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn mở cửa hàng tại Campuchia để trực tiếp phân phối hàng đến tận tay người tiêu dùng Campuchia./.


(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục