Hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng khuyết tật nương tựa nhau vượt khó

Càng trong những ngày khó khăn do đại dịch COVID-19 thì nghị lực vươn lên của một cặp vợ chồng khuyết tật ở Bình Dương lại càng khiến những người xung quanh thêm cảm phục.
Hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng khuyết tật nương tựa nhau vượt khó ảnh 1Vợ chồng anh Huỳnh Chương trong ngày kết hôn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Trong cuộc sống mưu sinh bộn bề, có những con người luôn nỗ lực để tạo nên phép mầu cho chính cuộc sống của mình, như cách mà anh Huỳnh Chương (quê ở huyện Châu Thành, Sóc Trăng) và chị Triệu Thị Chầu (quê ở Bắc Kạn) đã tìm thấy nhau và dìu nhau đi qua những gian khó của cuộc đời.

Họ đã chứng minh hạnh phúc đôi khi được góp nhặt từ những mảnh đời khiếm khuyết và những mảnh ghép không hoàn hảo ấy vẫn vẽ nên bức tranh ngập tràn yêu thương.

Nương tựa nhau để sống

Cơn sốt bại liệt từ nhỏ đã để lại di chứng khiến anh Chương teo cơ 2 chi dưới. Nhận thấy những khó khăn của bản thân và gia đình nên từ nhỏ anh Chương đã luôn tự nhủ dù làm gì cũng phải cố gắng hơn người khác. Học hết lớp 12, anh quyết định tự đi xin việc làm để phụ giúp gia đình.

Năm 2014, khi xin vào một xưởng gia công tại thị xã Thuận An, Bình Dương, anh Chương đã gặp chị Triệu Thị Chầu. Sinh ra trong một gia đình miền núi khó khăn ở tỉnh Bắc Kạn, giống như anh Chương, từ nhỏ chị đã bị tật bẩm sinh, hai chân không phát triển bình thường, vì thế chị chỉ học hết lớp 2.

Gần một năm sau khi gặp nhau, hai con người có cùng hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật đã có sự đồng cảm sâu sắc. Họ quyết định kết hôn chỉ với một mong muốn nương tựa vào nhau vượt qua những khó khăn cũng như bất hạnh trong cuộc sống. Chị Chầu nhớ mãi cảm giác vừa mừng vừa tủi vì ngày vui kết hôn chỉ có bên nhà trai tham gia, nhà gái ở quá xa và chi phí đi lại rất tốn kém nên không thể đến.

“Cả hai vợ chồng đều là người khuyết tật bị teo hai chân bẩm sinh và vợ chỉ cao 1m3 nên để tìm được một công việc phù hợp thật sự cho cả hai là rất khó khăn. Đã nhiều lần định bỏ cuộc về quê, nhưng hai vợ chồng cố gắng động viên nhau vượt qua. Sau thời gian ngược xuôi tìm việc làm, đến tháng 7/2015, qua sự giới thiệu của bạn bè, may mắn đã đến với vợ chồng tôi khi cả hai đã tìm được việc làm tại Công ty trách nhiệm hữu hạn thương mại Giày Da Giang Phạm,” chị Chầu kể lại.

Hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng khuyết tật nương tựa nhau vượt khó ảnh 2Cô con gái nhỏ là niềm vui, động lực cố gắng của vợ chồng anh Huỳnh Chương. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Công việc ổn định dần dần khiến cuộc sống của hai vợ chồng đỡ khó khăn hơn. Và như một giấc mơ, năm 2017, cô con gái nhỏ của họ chào đời lành lặn, khỏe mạnh, xinh xắn. Niềm hạnh phúc ấy đã tô điểm giúp cuộc sống của anh chị trở nên trọn vẹn hơn giữa bộn bề bao nỗi lo toan.

[Mang hạnh phúc đến với người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM]

Anh Chương nhớ lại, những ngày vui nhưng cũng khó khăn nhất của hai vợ chồng chính là khi chị Chầu sinh con gái. Lúc đấy vợ nghỉ làm ở nhà, chỉ có một mình anh Chương đi làm nên càng phải cố gắng. Rất nhiều đêm anh thức đến 12 giờ đêm làm thêm, sáng lại dậy sớm đi làm. Từ khi có thêm con gái, hai vợ chồng anh Chương có thêm động lực, trở nên lạc quan hơn để vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

Có được một công việc ổn định là điều mong mỏi bấy lâu, thế nên bản thân dù là người khuyết tật di chuyển khó khăn nhưng anh Chương luôn tích cực làm việc, có trách nhiệm, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt bất cứ nhiệm vụ nào được giao cho mà không nề hà. Vì thế, anh Chương luôn được mọi người xung quanh yêu mến, tin cậy.

Trong công ty, anh Chương luôn được lãnh đạo đánh giá là công nhân tiêu biểu, xuất sắc, vượt khó trong nhiều năm liền. Cuối năm 2019, công ty đã ghi nhận anh Chương là nhân viên giỏi của năm.

Ước mơ thăm nhà vợ một lần

Ngỡ tưởng rằng cuộc sống đang ngày một tốt hơn và khó khăn cũng vơi đi nhờ sự chăm chỉ, cần cù của vợ chồng anh Huỳnh Chương. Thế nhưng đại dịch COVID-19 ập đến khiến cuộc sống hai vợ chồng lao đao. Ngay từ đợt bùng phát dịch COVID-19 đầu tiên năm 2020, chị Chầu phải nghỉ việc do công ty gặp khó khăn, giảm đơn hàng. Hai vợ chồng cũng vì thế mà xoay sở đủ mọi việc có thể làm để đủ trang trải cuộc sống.

“Hai vợ chồng tôi làm bất cứ việc gì, ngay cả đi bán vé số hoặc nhận thêm hàng về nhà làm… để kiếm đủ tiền nuôi con và gửi thêm về quê cho ông bà,” anh Chương nói.

Khó khăn cứ tăng dần lên qua mỗi đợt dịch bùng phát, chút tiền dành dụm ít ỏi phải mang ra chi tiêu sinh hoạt cho gia đình trong những ngày tháng đối phó với dịch bệnh COVID-19... Chưa hết, bố anh Chương bất ngờ bị tai biến, hai vợ chồng vội vàng gom góp số tiền dành dụm gửi về quê cho bố chữa bệnh.

Anh Chương bảo: “Bố mẹ ở quê lúc này khổ lắm, không có gì làm đâu. Mình đi làm công ty có đồng ra, đồng vào cũng đỡ, vẫn còn việc làm nên tiếp sức cho bố mẹ ở quê.”

Hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng khuyết tật nương tựa nhau vượt khó ảnh 3(Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Những ngày dịch COVID-19, hai vợ chồng chỉ biết động viên, an ủi nhau tiết kiệm hơn. Ngoài sữa vẫn mua đều cho con thì hai vợ chồng bảo nhau ăn ít đi, bữa cơm chỉ có cơm với trứng chứ không dám mua gì,” anh Chương kể.

Đồng lương hơn 5 triệu đồng/tháng không đủ để trang trải tiền thuê nhà, nuôi con, ăn uống. Khoản tiền tích góp vời dần đi, cùng với đó ước mơ của vợ chồng anh Chương cũng xa dần. Ít ai biết được rằng, đằng sau khoản tiền tích góp ấy là khát khao được một lần đưa con về thăm nhà ngoại của vợ chồng anh Chương. Chi phí tốn kém, hai vợ chồng vì khuyết tật nên di chuyển cũng không thuận lợi, nhưng suốt mấy năm qua hai vợ chồng vẫn quyết tâm cố gắng để một ngày nào đó thực hiện được mong muốn.

“Chúng tôi dành dụm tiền để đưa vợ và con về quê thăm gia đình bên ngoại ở Bắc Kạn vì đã lâu lắm rồi cô ấy chưa được về nhà. Gần 10 năm xa gia đình chưa từng được gặp lại người thân. Có những tối ngồi kể về bố mẹ, vợ tôi lại khóc,” anh Chương xúc động nói.

Dù ở trọ, cuộc sống muôn vàn khó khăn nhưng hai vợ chồng anh Chương luôn yêu thương nhau, cùng đồng lòng xây dựng gia đình. Dường như, càng khó khăn thì sự nỗ lực vươn lên của vợ chồng anh Chương càng lớn chứ không hề khiến hai vợ chồng chùn bước.

Trời không phụ lòng người, may mắn lần lượt đến với vợ chồng anh Chương. Công ty đã có nhiều đơn hàng hơn nên chị Chầu được gọi đi làm trở lại. Vậy là cuộc sống vơi đi khó khăn, lo lắng. Không những thế, nhờ những nỗ lực của hai vợ chồng, gia đình anh Chương cũng được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất biểu dương là gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu giai đoạn 2016-2020.

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân, Phó Chủ tịch Liên đoàn lao động tỉnh Bình Dương chia sẻ câu chuyện về gia đình anh Chương nổi bật lên trong số những đề xuất biểu dương gia đình công nhân lao động tiêu biểu.

"Phải đến khi gặp gỡ trực tiếp thì tôi mới lại càng thêm cảm phục nghị lực của hai vợ chồng. Những người bình thường để xây dựng cuộc sống hạnh phúc đã không phải điều dễ, thế nhưng cặp vợ chồng khuyết tật bươn trải mưu sinh xa nhà lại luôn lạc quan, nỗ nực không ngừng nghỉ để vượt qua nhiều khó khăn. Dù là ở công ty hay nơi thuê trọ, cả hai vợ chồng rất được mọi người yêu quý," bà Trân cho biết.

Hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng khuyết tật nương tựa nhau vượt khó ảnh 4Hai vợ chồng nhận thêm việc về nhà làm vào buổi tối. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Hai vợ chồng rất chịu thương chịu khó, không nề hà bất cứ công việc gì. Ngày đi làm, tối về nhà đến phòng trọ họ nhận thêm rất nhiều việc. Thậm chí ngay cả những lúc mất việc phải ở nhà, chị Chầu bị tật ở chân đi đứng khó khăn nhưng vẫn cố gắng đi bán thêm vé số. Những khi giãn cách xã hội không đi bán vé số được thì hai vợ chồng lại nhận việc gia công làm thêm ở nhà...

Anh Chương chia sẻ đã từng trải qua khó khăn mất việc do dịch bệnh COVID-19 nên càng hiểu rằng nếu dịch bệnh bùng phát thì lại ảnh hưởng đến công việc lần nữa, cuộc sống lại khổ nữa... Thế nên trong ngày dịch bệnh, con gái được gửi về quê với ông bà, hai vợ chồng luôn cố gắng làm thêm bất kỳ công việc gì, không để bỏ phí thời gian.

Nói về tương lai, anh Chương chia sẻ dù phía trước còn nhiều khó khăn, chông gai, nhưng đã vượt qua được những thử thách ban đầu thì giờ đây hai vợ chồng quyết cùng nhau cố gắng để xây dựng một gia đình nhỏ với hạnh phúc lớn.

Hạnh phúc bình dị của cặp vợ chồng khuyết tật nương tựa nhau vượt khó ảnh 5Anh Huỳnh Chương mong muốn tích góp đủ để có thể một lần đưa vợ và con gái về thăm quê ngoại ở Bắc Kạn. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

“Miễn vợ chồng hạnh phúc là mình vui lắm rồi, còn có khó mấy mà an ủi nhau, chăm chỉ làm thì cũng qua,” anh Chương cười tươi và nói. 

Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân cho hay được vinh danh là gia đình công nhân lao động tiêu biểu, hai vợ chồng anh Chương sẽ có cơ hội được tài trợ vé máy bay ra Hà Nội dự chương trình biểu dương. Thế nhưng, đại dịch COVID-19 có thể sẽ làm lỡ dở cơ hội này của họ. Do đó, Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương sẽ cố gắng tạo điều kiện cho hai vợ chồng thực hiện ước mơ được một lần về thăm nhà ngoại./.

Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày gia đình Việt Nam (28/6/2001-28/6/2021), Tổng Liên đoàn sẽ tổ chức biểu dương gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2016-2020.

Mục đích của chương trình là nhằm biểu dương, tôn vinh và nhân rộng các gương điển hình gia đình công nhân viên chức lao động tiêu biểu toàn quốc, đạt thành tích cao trong lao động, sản xuất, công tác, học tập và giúp đỡ cộng đồng; vượt khó vươn lên, làm kinh tế giỏi, chăm sóc cha mẹ, nuôi dạy con ngoan, học giỏi, xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục