Hành tím mất giá, nông dân Vĩnh Châu lại một mùa trắng tay

Nông dân trồng hành tím Vĩnh Châu, Sóc Trăng, có nguy cơ rơi vào thảm cảnh trắng tay, trắng vốn và nợ nần khi hàng chục nghìn tấn hành thương phẩm đang tồn đọng không tiêu thụ được.
Hành tím mất giá, nông dân Vĩnh Châu lại một mùa trắng tay ảnh 1Thu hoạch hành tím tại xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Nông dân trồng hành ở xứ biển Vĩnh Châu, Sóc Trăng, lại có một mùa thu hoạch hành tím đầy nỗi lo khi doanh nghiệp không đẩy mạnh việc thu mua hành, chỉ mua cầm chừng ở những mối quen.

Hành tím thu hoạch xong được các hộ dân thì chất đống trong nhà, không bán được. Bên cạnh đó, giá thấp đã làm cho cả doanh nghiệp và các hộ dân trồng hành tím trên địa bàn thị xã Vĩnh Châu gặp muôn vàn khó khăn.

Những khó khăn trên nếu không được cải thiện trong thời gian tới, sẽ đẩy người trồng hành Vĩnh Châu vào thảm cảnh trắng tay, trắng vốn và nợ nần.

Hành tím dù là cây màu chủ lực của người dân xứ biển Vĩnh Châu, nhưng trên thực tế, đầu ra cho cây hành tím vẫn chưa cho thấy có sự ổn định và bền vững.

Trong vài năm trở lại đây, bà con trồng hành liên tục phải hứng chịu cảnh “được mùa, mất giá,” đẩy nhiều hộ gắn bó cây màu này không ít lao đao.

Trong niên vụ năm 2014, đầu vụ giá hành tím lên đến hơn 20.000 đồng/kg; song bước vào vụ thu hoạch rộ thì giá hành liên tục giảm, đến cuối vụ giá chỉ còn khoảng 2.000 đồng/kg. Đây cũng chính là nguyên nhân khiến lượng hành bị tồn đọng trong dân hơn 20.000 tấn hành tím do người dân giữ lại chờ giá lên.

Điệp khúc này được lặp lại trong niên vụ hành năm 2015, nhưng chua xót và thê thảm hơn bởi hành tím đầu vụ giá cũng ở mức tương đối, sang đến chính vụ, giá hành thương phẩm trên thị trường đã “tuột dốc không phanh,” làm cả doanh nghiệp và nông dân không xoay sở kịp.

Đây là năm thứ 2 liên tiếp mà người trồng hành Vĩnh Châu chịu cảnh thất bại vì “bí” đầu ra. Trong khi đó, ngành chức năng địa phương bất lực, không đủ khả năng để tìm được “đầu ra” ổn định cho người dân, phụ thuộc vào doanh nghiệp. Khi đến mùa thu hoạch rộ, doanh nghiệp “bí” đầu ra thì nông dân khốn đốn, còn chính quyền thì “bó tay.”

Theo Phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Vĩnh Châu, trừ những diện tích thu hoạch thời điểm trước, trong và sau Tết khoảng 2 tuần là tiêu thụ được, được giá, thì những diện tích còn lại thu hoạch sau đó bị “tắc” đầu ra.

Hiện, có đến trên 50.000 tấn hành thương phẩm còn tồn đọng tại các doanh nghiệp, cơ sở thu mua và các hộ dân. Số lượng này chiếm hơn một nửa sản lượng của cả niên vụ.

Giá hành tím được thương lái thu mua chỉ ở mức từ 3.500-6.000 đồng/kg, tùy theo củ to, nhỏ khác nhau. Thời gian tới nếu không bán được hành sẽ thối củ, sượng, khô..., khi đó sẽ khó bán hơn, giá bán và lợi nhuận thu về của người dân từ cây hành sẽ còn thê thảm hơn.

Ông Triệu Chỉnh Hên, chủ cơ sở Văn Thành, một trong những đại lý lớn chuyên thu mua hành tím tại phường 2, thị xã Vĩnh Châu cho biết, thời gian qua cơ sở chỉ thu mua với số lượng rất ít vì không xuất khẩu được.

Các cơ sở thu mua hành tím không tìm được đầu ra, kéo theo việc thu mua hành tại các hộ dân cũng chỉ diễn ra ở mức cầm chừng, hoặc chỉ mua với mức giá rất thấp, người dân không có lời. Đây cũng chính là nguyên nhân mà hàng tấn hành vẫn còn chất đống tại các hộ gia đình.

Đã hơn một tháng nay, anh Trần Huỳnh Ni ở Phường 2, thị xã Vĩnh Châu đứng ngồi không yên với trên 20 tấn hành của gia đình. Cả gia đình đã đầu tư tất cả vốn liếng và hy vọng cho vụ hành thương phẩm vụ mùa năm 2015 này.

Nhưng khốn đốn thay, giá cả quá thấp khiến gia đình không thể bán được nên đành trữ lại như niên vụ trước để chờ xem giá cả như thế nào mới quyết định bán; dù biết, hành để càng lâu sẽ càng giảm chất lượng và có thể bị hư hại và thậm chí mất trắng.

Niên vụ năm 2014, gia đình anh phải vất vả lắm mới bán được hành với giá 8.000 đồng/kg. Còn vụ này, thương lái chỉ ra giá 4.000 đồng/kg. Giá quá thấp và chi phí đầu tư tăng cao nên gia đình phải giữ lại, chờ giá tăng.

Tương tự anh Trần Huỳnh Ni, ông Huỳnh Bạc Lợi gần đó cũng đang rất lo lắng vì gần 15 tấn hành không tiêu thụ được, dù nhà ông ở rất gần vựa thu mua.

Ông Huỳnh Bạc Lợi chua xót chia sẻ, giá thấp quá, sao bán được, bán vậy thì xót lắm, công sức, mồ hôi đổ ra biết bao nhiêu rồi mà bán giá đó thì không đành lòng.

Hiện, hơn 3 tấn hành của ông phải để ngoài sân mặc sương gió.

Ông Lợi cho biết gia đình ông đã vài chục năm trồng hành và không nhận được sự hỗ trợ nào khác từ chính quyền địa phương trong việc tiêu thụ hành. Sau mỗi vụ hành, gia đình tự tìm mối lái và giao kèo với họ, ưng giá thì bán, thấp quá thì giữ lại. Những lúc khốn đốn và tồn cả chục tấn hành như thế này, vẫn chưa thấy chính quyền đến hỗ trợ hay chia sẻ được gì.

Trong khi nông dân đang điêu đứng vì bán không ra sản phẩm thì chính quyền địa phương, ngành liên quan vẫn đang loay hoay tìm giải pháp giúp nông dân tiêu thụ.

So với quy hoạch, niên vụ 2015 sẽ xuống giống 5.000ha hành tím, trong khi nông dân đã xuống giống 5.340ha, tức chỉ vượt quy hoạch khoảng 7%. Rõ ràng con số này là không lớn, vậy câu hỏi đặt ra là việc quy hoạch của chính quyền có tính đến việc tiêu thụ và tìm đầu ra cho nông dân trước mỗi mùa vụ hay không? Hay chỉ đưa ra giải pháp tình thế mỗi khi thị trường biến động?

Sau 2 tháng rưỡi người dân “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” để trồng hành, kết quả thu về là hai bàn tay trắng; thậm chí nhiều hộ nghèo phải bán tống, bán tháo lượng hành mới thu hoạch được để trả nợ và cả gia đình phải dắt díu nhau lên các tỉnh miền Đông làm thuê, kiếm vốn liếng để quay về trồng vụ hành mới.

Với vòng lẩn quẩn không có lời giải như thế, về lâu dài, lối thoát nào sẽ mở với cây hành tím và người dân Vĩnh Châu khi hiện nay, cả chính quyền địa phương vẫn đang loay hoay tìm thị trường cho hàng nông sản này, dù đây vốn là cây trồng chủ lực từ bao đời nay của người dân xứ biển Vĩnh Châu./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục